TP Hồ Chí Minh

Lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS

- Thứ Ba, 18/08/2020, 22:03 - Chia sẻ
Ngày 18.8, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Quang cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra một số tồn tại, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS cần phải được khắc phục kịp thời. Đó là: Quy định liên quan đến đối tượng được thông báo kết quả xét nghiệm HIV, đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và bất cập gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện; quy định người dưới 16 tuổi khi thực hiện xét nghiệm phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ không phù hợp với thực tiễn và hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV, quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật là yêu cầu cần thiết để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Phòng, chống HIV/AIDS dựa trên hai chính sách, gồm: Tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng. Cụ thể là, luật hóa để quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV hiện đang thực hiện theo quy định của Chính phủ và quy định cụ thể các đối tượng được tiếp cận các biện pháp can thiệp giảm tác hại để bảo đảm hiệu lực pháp lý và tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật.

Bổ sung biện pháp can thiệp mới là “dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng virus HIV”. Đây là biện pháp kỹ thuật mới rất có hiệu quả trong phòng lây nhiễm HIV. Đồng thời, bổ sung quy định “Người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định tại điểm d khoản 1 điều này và không thuộc trường hợp bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định của Chính phủ thì không bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc”.

Quy định này để bảo đảm quyền được dự phòng lây nhiễm HIV, muốn trở lại cuộc sống bình thường mà không lệ thuộc vào ma túy do không thể cai nghiện được và để khắc phục tình trạng không thống nhất giữa các quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS với Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính (Điều 21 của Luật HIV/AIDS 2006). Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ (Điều 30 của Luật HIV/AIDS 2006). 

Các đại biểu cũng rất quan tâm đến công tác phòng chống lây nhiễm từ mẹ sang con, trong đó có vấn đề kinh phí xét nghiệm đối với phụ nữ mang thai. Đối với các đối tượng được tiếp cận thuốc kháng HIV, cần bổ sung thêm các trường hợp được tiếp cận cũng như nguồn kinh phí để cung cấp thuốc. Cần quy định cụ thể hơn về nguồn lực và huy động các nguồn lực khác nhau cho công tác phòng, chống nhằm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam, thể hiện vai trò Nhà nước trong việc cam kết nguồn lực hỗ trợ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đối với cộng đồng quốc tế.

Tin và ảnh: Nhật Trường