Lấy ý kiến đóng góp vào các Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương

- Thứ Sáu, 29/11/2019, 18:07 - Chia sẻ
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào các dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai chủ trì Hội nghị.

Tại hội nghị, có 12 lượt ý kiến góp ý vào các Dự thảo Luật. Nhìn chung, các đại biểu cơ bản thống nhất các Dự thảo Luật, đồng thời, khẳng định rằng việc sửa đổi các Luật là cần thiết để phù hợp với nhu cầu thực tiễn. 
 
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, đại biểu Đỗ Minh Sơn, Hội Luật gia Hà Nội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 40 thành: “Vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập có người đứng đầu - Số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 04; Chính phủ quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng phải bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị. Số lượng cụ thể cấp phó của người đứng đầu mỗi đơn vị do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định theo yêu cầu công việc” sẽ gây ra khó hiểu do “bình quân” trong đơn vị hay bình quân cả đơn vị trực thuộc. 
 
Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu nêu ý kiến việc quy định tính bình quân là tạo cho đơn vị sự linh hoạt, chủ động. Ví dụ trong một Cục có nhiều đơn vị thì việc bình quân cấp phó là không quá 3 người nhưng đơn vị có lượng công việc nhiều hơn thì sẽ có nhiều cấp phó hơn và ngược lại để đáp ứng nhu cầu công việc.
 
Đóng góp ý kiến vào Luật Chính quyền địa phương, nhiều đại biểu đã có ý kiến, đề nghị sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung làm rõ nhiều vấn đề trong dự thảo như việc phân cấp, phân quyền; quy định số cán bộ cấp phó tại các cơ quan; nên hay không nên hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND…

 
Cụ thể, đối với mô hình tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo luật sửa đổi đưa ra 2 phương án và các đại biểu thống nhất chọn phương án 1 “Thường trực HĐND tỉnh gồm Chủ tịch HĐND, 2 Phó Chủ tịch HĐND, các ủy viên là Trưởng ban của HĐND tỉnh. Chủ tịch HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách”. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ngay trong luật này.
 
Đối với tổ chức HĐND cấp huyện, các đại biểu thống nhất đề xuất theo hướng: Có 1 Chủ tịch HĐND, 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách và trưởng các ban. Các ý kiến cũng đề nghị nên cân nhắc việc giảm số lượng đại biểu HĐND cấp xã; và hoạt động của Tổ đại biểu HĐND cấp xã cần được bổ sung cụ thể trong luật.
 
Quan tâm tới bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương (Điều 127), đại biểu Đỗ Minh Sơn, Hội Luật gia thành phố Hà Nội cho rằng hiện đang lấy ý kiến về việc sáp nhập 3 văn phòng: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh. Đại biểu cho rằng việc sáp nhập 3 văn phòng này sẽ rất bất cập bởi tính chất công của Văn phòng UBND khác với Văn phòng HĐND, nếu sáp nhập vào sẽ gây xáo trộn. Cùng chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tất Đạt, Đại học Nội vụ cho rằng, về tính chất công việc, Văn phòng HĐND là đại diện cho Nhân dân nhưng khi sáp nhập sẽ dưới quyền Chủ tịch UBND và làm việc theo chỉ đạo UBND, do vậy, sẽ gây khó cho việc thực hiện nhiệm vụ. Do đó, cả hai đại biểu đề cho rằng: “Nếu sáp nhập thì nên sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND, còn Văn phòng UBND thì vẫn giữ nguyên”. Cùng chung quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề xuất đối với các tỉnh có thể thực hiện việc sáp nhập nhưng cần tính đến các đơn vị đặc thù có khối lượng công việc lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì không nên sáp nhập.
 
Về việc phân cấp, phân quyền, Phó Chủ tịch UBND phường Cống Vị Trần Thị Thu Quỳnh nêu thực tế UBND cấp phường rất nhiều việc, vất vả nhưng trong luật hiện hành và dự thảo luật sửa đổi lần này chưa có nội dung nào quy định rõ phân cấp cho UBND cấp phường. Đại biểu đề xuất: “Cần đưa rõ nội dung phân cấp, phân quyền cho UBND cấp phường”.
 
Phát biểu tiếp thu ý kiến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, các ý kiến sẽ được tổng hợp gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.

P.L