Trò chuyện đầu tuần

Lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm

- Thứ Hai, 29/06/2020, 05:23 - Chia sẻ
Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 yêu cầu phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu ĐBQH và đại biểu HĐND bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Tán thành với yêu cầu này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Khóa XIII NGUYỄN ANH SƠN cho rằng, các địa phương khi triển khai giới thiệu, lựa chọn ứng cử viên bầu ĐBQH, đại biểu HĐND cần bám sát yêu cầu về bảo đảm chất lượng đại biểu.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cử tri chọn đúng người để trao gửi quyền lực, tôi cho rằng, cần tăng thời gian vận động bầu cử; cho phép các ứng cử viên được quyền tự vận động bầu cử một cách công bằng. Các hình thức vận động bầu cử cũng cần đa dạng hơn, thông qua in, phát tờ rơi về chương trình hành động, vận động bầu cử theo giới, tổ chức các sự kiện công cộng như các buổi diễn thuyết ngoài trời, các cuộc diễu hành, tuần hành, mít tinh, bố trí các điểm quảng bá… Có thể cho phép sử dụng internet như một công cụ chi phí thấp, hiệu quả cao, thúc đẩy việc giao lưu nhanh hơn, rộng hơn, đến được số lượng lớn cử tri, ví dụ email, các trang web, mạng xã hội...

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Khóa XIII Nguyễn Anh Sơn

Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn

- Tại Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Bộ Chính trị đã yêu cầu phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu ĐBQH và đại biểu HĐND bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Là người từng tham gia hoạt động nghị trường, quan điểm của ông về yêu cầu này như thế nào?

- Có thể thấy đây là yêu cầu với việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử bầu ĐBQH, đại biểu HĐND được đưa ra trong nhiều cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp thời gian qua. Để thực hiện yêu cầu này đòi hỏi sự nghiêm túc, cẩn trọng trên cơ sở đánh giá khách quan, trung thực toàn bộ quá trình làm việc, phấn đấu của người được đề cử. Hơn nữa, qua thực tế tham gia công tác giới thiệu, lựa chọn ứng cử viên để cử tri bầu làm ĐBQH một số nhiệm kỳ, tôi nhận thấy, dù đưa ra yêu cầu bảo đảm chất lượng, song nếu vẫn định ra cơ cấu sẽ khó có thể bảo đảm chất lượng đại biểu. Ở nhiều địa phương có tình trạng dồn các yếu tố nữ, trẻ, ngoài đảng… vào một, hai cá nhân được giới thiệu. Những cá nhân này phải bảo đảm các tiêu chuẩn đó thành ra nhiều khi không thể bảo đảm yếu tố chất lượng. Sự giằng co về cơ cấu tạo ra tình trạng này. Trong Chỉ thị số 45-CT/TW mới đây, Bộ Chính trị nhấn mạnh, phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu ĐBQH, đại biểu HĐND bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Tôi hy vọng các địa phương khi triển khai giới thiệu, lựa chọn ứng cử viên để cử tri bầu ĐBQH sẽ luôn bám sát yêu cầu bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm.  

- Bảo đảm chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn là đúng, nhưng Quốc hội là cơ quan đại biểu đại diện cao nhất của nhân dân nên cùng với tiêu chuẩn, chất lượng, thì việc bảo đảm tính đại diện cũng cần được chú ý khi lựa chọn giới thiệu ứng cử viên, thưa ông?

- Quốc hội là hình ảnh thu nhỏ của dân tộc, của đất nước nên cần bảo đảm tính đại diện khi giới thiệu người tham gia ứng cử bầu ĐBQH. Vấn đề cần giải quyết hiện nay là hiểu như thế nào về tính đại diện này? Việc chọn một ứng cử viên là người nông dân để giới thiệu bầu làm ĐBQH có chắc chắn sẽ có thể đại diện cho giai cấp nông dân? Hay cơ cấu lựa chọn một phụ nữ tham gia ứng cử bầu làm ĐBQH sẽ bảo đảm là đại diện cho phụ nữ?

Ngày trước, đại diện cho nông dân được xác định là những người chỉ làm ruộng, không phải đội trưởng đội sản xuất, hoặc đại diện cho công nhân là những người đi ca, đi kíp, không phải trưởng ca. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử bầu ĐBQH cũng từng theo khái niệm về tính đại diện này. Lựa chọn như vậy, tôi cho là đã bỏ qua yêu cầu quan trọng là khi cá nhân đó trở thành ĐBQH, ngồi họp ở các phiên toàn thể của Quốc hội sẽ thể hiện vai trò đại diện ấy như thế nào? Cô công nhân ấy có thực sự nói được tiếng nói của giai cấp công nhân, người lao động hay không? Anh nông dân có nói được tâm tư, tình cảm, có phản ánh một cách mạnh mẽ, đầy đủ, chính xác những mong muốn, yêu cầu của giai cấp nông dân trên diễn đàn Quốc hội không? Nếu câu trả lời là không, thì phải chăng đây sẽ là đại diện hình thức?

Cử tri căn cứ vào nhiều yếu tố để lựa chọn người đại diện

- Theo ông, có thể hiểu như thế nào về tính đại diện để bảo đảm sự thực chất cho các giai tầng trong xã hội, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong cơ quan dân cử?

- Tôi cho rằng, người đại diện cho một giai tầng trong xã hội không nhất thiết cứ phải là người đang làm nghề nghiệp hay thuộc tầng lớp đó. Một cá nhân không phải "chân lấm, tay bùn" nhưng họ nắm bắt được mọi vấn đề, nói được tất cả nhu cầu, nguyện vọng của người nông dân; và tiếng nói ấy trên diễn đàn Quốc hội tác động được vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; thì cá nhân đó là đại diện thực tế cho giai cấp nông dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Tôi cho rằng, hiện đây đó vẫn còn có sự luẩn quẩn giữa bảo đảm yêu cầu đại diện thực tế và đại diện hình thức. Quá trình lựa chọn ứng cử viên để giới thiệu bầu ĐBQH trong không ít trường hợp vẫn rơi vào giới thiệu đại diện hình thức. Và câu chuyện không mới, được phản ánh qua nhiều kỳ bầu cử, đó là không chỉ lựa chọn ứng viên có nguồn gốc từ nông dân mà còn khoác lên họ các tiêu chuẩn trẻ, ngoài đảng… nên khó có thể bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Cho nên, được cơ cấu thường sẽ mất chất lượng. Do vậy, để tiến tới một Quốc hội hoạt động ngày càng chuyên nghiệp thì cần giảm bớt yêu cầu bảo đảm cơ cấu. Hãy tập trung giới thiệu những cá nhân có đủ năng lực, trí tuệ và trách nhiệm để có thể thực sự gánh vác nhiệm vụ người đại biểu nhân dân.

- Tình trạng "một người phải gánh nhiều cơ cấu" là chuyện không mới. Điều này thể hiện ngay từ quá trình vận động bầu cử, thưa ông?

- Như tôi đã nói, đây là câu chuyện không mới, nhưng dường như vẫn tồn tại. Khi bàn cơ cấu ĐBQH, tôi từng đề nghị để bảo đảm cơ cấu giáo dục cần giới thiệu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Bởi khi đảm nhận chức vụ này, cá nhân đó có đủ năng lực, trình độ để nắm bắt toàn bộ các yêu cầu đang đặt ra với ngành. Nhưng các cán bộ làm công tác hiệp thương hỏi tôi: Vậy cần lấy cá nhân nào để thực hiện các cơ cấu trẻ tuổi, ngoài đảng, nữ giới…? Qua các bước hiệp thương, cơ quan chức năng đã chọn giới thiệu một giáo viên giữ 4 cơ cấu (giáo dục, trẻ tuổi, ngoài đảng, nữ giới) để giới thiệu bầu ĐBQH của nhiệm kỳ Quốc hội đó. Ứng cử viên này không được cử tri chọn lựa, trong khi hai trưởng phó phòng ở Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lại được cử tri bầu.

Thực tế này cho thấy lựa chọn cuối cùng thuộc về cử tri nên dù khi giới thiệu ứng cử viên đã tính đến bảo đảm cơ cấu, kết quả có thể không đạt được mục tiêu đã đề ra. Thực tế, cử tri sẽ xem xét ứng cử viên có hội tụ đủ những tiêu chuẩn, tố chất, kỹ năng, điều kiện, năng lực để thực hiện hoạt động của người đại biểu dân cử trong suốt nhiệm kỳ không, có lắng nghe, tâm huyết, suy nghĩ những điều cử tri đang cần, đang mong muốn thay đổi hay không, chương trình hành động có thiết thực, khả thi...

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Hải thực hiện