Đổi mới trong giáo dục đại học:

Lấy thành công của sinh viên làm trọng tâm

- Thứ Sáu, 24/05/2019, 18:07 - Chia sẻ
Chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng sáng tạo trong quản trị, đào tạo đại học với cán bộ, giảng viên ĐHQG Hà Nội ngày 23.5, Giám đốc ĐH bang Georgia Mark P. Becker - một trong 10 Giám đốc đại học sáng tạo nhất nước Mỹ - nhấn mạnh cam kết lấy thành công của sinh viên làm trọng tâm, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng giáo dục của tất cả sinh viên…

Những kết quả ấn tượng

Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ làm Giám đốc của ĐH bang Georgia (GSU) vào tháng 1.2009, Giám đốc Mark P. Becker đã theo đuổi một tầm nhìn đầy tham vọng cho tương lai và đưa GSU vào thời kỳ phát triển chưa từng có. Từ gần 28.000 sinh viên, sau 10 năm, con số này đã tăng lên gần 53.000 vào năm 2018; tỷ lệ tốt nghiệp tăng tương ứng.

GSU được công nhận rộng rãi tại Mỹ trong việc giới thiệu các chương trình, sáng kiến đổi mới để thúc đẩy sự thành công của sinh viên cũng như dẫn đầu quốc gia trong loại bỏ chênh lệch về tỷ lệ tốt nghiệp dựa trên chủng tộc, sắc tộc hoặc thu nhập; là một trong những trường đại học thuộc nhóm các trường đại học phi lợi nhuận với tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên người Mỹ gốc Phi xếp hàng đầu.


Giám đốc ĐH bang Georgia (Mỹ) Mark P. Becker chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng sáng tạo trong quản trị và đào tạo đại học
Ảnh: VNU

GSU đạt kỷ lục về hồ sơ đăng ký, tỷ lệ tốt nghiệp và tổng số sinh viên tốt nghiệp. TS. Mark P. Becker đặt ưu tiên cao cho việc bảo đảm hỗ trợ tài chính cho sinh viên, số lượng sinh viên được nhận học bổng của trường đã tăng gấp ba kể từ khi ông bắt đầu lãnh đạo.

Đó là những kết quả ấn tượng đạt được dựa trên đổi mới quản trị và đào tạo đại học. TS. Mark P. Becker khẳng định, đổi mới là quá trình lâu dài và đầy thử thách. Những thành quả của GSU ngày nay là do nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt 10 năm qua.

Đồng cảm và thấu hiểu

Tháng 2.2010, GSU thành lập một ban quy mô nhỏ gồm 8 người, trong đó có sự tham gia của sinh viên để phối hợp với tất cả các bên liên quan trong việc xây dựng kế hoạch chiến lược. Thay vì bản kế hoạch dài và mang tính hàn lâm, GSU đề ra 5 mục tiêu trong kế hoạch của mình với độ dài chỉ trên 1 trang giấy.

“Thông thường ở Mỹ, việc xây dựng chiến lược hay đưa ra các mục tiêu được thực hiện nội bộ, nhưng đại học của chúng tôi đi ngược lại quy trình này. Chúng tôi đưa chiến lược của mình ra khảo sát phản hồi từ xã hội. Từ đây, chúng tôi không chỉ hoàn thiện bản chiến lược của mình sao cho có tính thực tiễn cao nhất mà còn dùng nó để tiếp cận và kêu gọi tài trợ từ Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp”, TS. Mark P. Becker cho hay.

“Đừng sáng tạo những gì đã có”. “Tư duy thiết kế” là phương pháp được GSU sử dụng cực kỳ hữu ích trong quá trình giải quyết các vấn đề. “Chúng tôi dựa trên sự đồng cảm và thấu hiểu với vấn đề đang cần tìm cách giải quyết, từ đó phân tích, tổng hợp, đưa ra ý tưởng và mẫu, tiếp đó là thực hành và thử nghiệm nhiều lần để có kết quả tốt nhất”.

Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng giáo dục

Theo TS. Mark Becker, mỗi đại học cần có kho/hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ về các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và sinh viên. Một trong những thành tựu đổi mới nổi bật của GSU là sử dụng dữ liệu “big data” nhằm phân tích, thống kê, hỗ trợ sinh viên dân tộc thiểu số, thu nhập thấp có khả năng tốt nghiệp cao hơn, và về cơ bản đã xóa bỏ khoảng cách tỷ lệ tốt nghiệp giữa sinh viên thuộc các chủng tộc khác nhau, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng giáo dục của tất cả sinh viên.


GSU dẫn đầu Mỹ trong việc loại bỏ chênh lệch về tỷ lệ tốt nghiệp dựa trên chủng tộc, sắc tộc hoặc thu nhập
Hệ thống này cũng phân tích điểm số của sinh viên từ các năm đầu và sau đó được sử dụng để hướng dẫn sinh viên phát triển phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện của từng sinh viên. Cách tiếp cận này đã dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp tăng 22% tại GSU kể từ khi ông Becker trở thành Giám đốc. Bên cạnh đó, ông đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài chính cho nghiên cứu cũng như hỗ trợ sinh viên.

Điểm khác biệt trong quản trị đại học ở GSU là có một Phó Giám đốc phụ trách về sự thành công của sinh viên, bao quát toàn bộ các vấn đề liên quan đến đời sống của người học. Tất cả sinh viên năm thứ nhất của GSU được tham gia cộng đồng học tập chung, học theo nhóm ngành chứ không phải từng chuyên ngành riêng lẻ.

Vấn đề hướng nghiệp cho tân sinh viên cũng được đặc biệt chú trọng. GSU xây dựng môi trường học tập dựa trên sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, mà ở đó sinh viên được tăng cường tính chủ động, tích cực tự học tập và nghiên cứu. Các giảng viên là người hướng dẫn, tư vấn và được đào tạo để thay đổi giảng dạy nhằm thúc đẩy sự sáng tạo cho sinh viên.

Cạnh tranh trong nghiên cứu khoa học

TS. Mark Becker thể hiện sự cam kết của mình bằng việc tăng cường nghiên cứu đa ngành và phát triển kinh tế thông qua thành lập các trung tâm nghiên cứu mới. Các trung tâm như “Thế kỷ thứ hai” và “Thế hệ tiếp theo” đã tập trung vào việc tìm kiếm và mang về đội ngũ giảng viên cao cấp. Cam kết này đã đưa GSU lên tầm cao mới về thành tựu nghiên cứu, cũng như thành công trong gây quỹ phục vụ nghiên cứu.

TS. Mark Becker cho hay, GSU đẩy mạnh nghiên cứu khoa học bằng cách áp dụng quy trình cạnh trạnh, tức là các nhà nghiên cứu sẽ đưa ra đề án theo đơn đặt hàng và trải qua quy trình xết duyệt để được tài trợ. GSU khuyến khích các ý tưởng nghiên cứu theo nhóm, kể cả nhóm nghiên cứu ngoài trường có mong muốn được tuyển dụng. Khi các nhóm nghiên cứu khẳng định được thành công của mình thì họ có quyền tự quyết tuyển thêm người và phát triển nhóm lớn mạnh hơn.

Nhận định sáng tạo, đổi mới là nền tảng của giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp mới, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết, ĐHQG Hà Nội đã và đang triển khai nhiều chính sách, chương trình, hoạt động nhằm đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ và giảng viên cũng như đổi mới quản trị đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hợp tác và học tập kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế là giải pháp hữu ích trong quá trình thực hiện hoạt động đổi mới này.

Nhật Linh