Lập quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá từ ngân sách - vừa tốn tiền vừa không hiệu quả

- Thứ Hai, 28/05/2012, 08:27 - Chia sẻ
Phòng, chống tác hại thuốc lá không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước; người sử dụng và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá cũng phải có trách nhiệm trực tiếp tham gia.

Việc trích lập quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá từ thuế tiêu thụ đặc biệt, tức là từ ngân sách nhà nước không hoàn toàn nâng cao được ý thức trách nhiệm của người sử dụng thuốc lá, doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thuốc lá đối với sức khỏe của nhân dân. Điều này cũng dễ dẫn đến cách hiểu là Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả thay cho những người sử dụng thuốc lá và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá. Trong khi đó, việc sử dụng ngân sách rất khó chi cho các hoạt động ở cộng đồng, cho các tổ chức xã hội, cho cơ sở tư nhân, cho công tác truyền thông do đòi hỏi kinh phí và mức chi đặc thù mà cơ chế chi ngân sách như hiện nay là khó đáp ứng và sẽ khó tạo ra được bứt phá cho hoạt động này. Vì vậy, việc sử dụng ngân sách để lập quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá vừa tốn tiền ngân sách mà hiệu quả lại không cao.

Mặt khác, về nguyên tắc, các khoản trích và thu từ thuế thì đều phải nộp chung vào ngân sách rồi mới phân bổ cho các nhiệm vụ chi. Nếëu áp dụng mức trích thuế thì sẽ không ổn định vì trong quá trình phát triển KT - XH, nhiều nhu cầu đột xuất phát sinh do đó sẽ khó có nguồn ổn định và kịp thời cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồìng. Điều căn bản hơn là, phương thức này không phù hợp với nguyên tắc xã hội hóa của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá và cũng làm hao hụt ngân sách đối với các ngành khác, trong khi thực tế hiện nay lợi nhuận của ngành sản xuất và kinh doanh thuốc lá khá cao. Thuế thuốc lá hiện nay ở nước ta mới chiếm 45% của giá bán, trong khi nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm từ khoảng 60% - 65%. Nếu áp dụng phương án không lấy từ thuế thì ngân sách vẫn được giữ nguyên, không ảnh hưởng đến chi ngân sách của các ngành và lĩnh vực khác mà vẫn có một quỹ riêng, có nguồn kinh phí riêng để bảo đảm cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng như mục tiêu của dự thảo Luật đã đề ra.

Việc trích tỷ lệ phần trăm từ thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng chính là lấy từ ngân sách Nhà nước sẽ không bảo đảm yêu cầu tập trung thống nhất của ngân sách và không phù hợp với mục tiêu chiến lược cải cách hệ thống thuế là hướng tới chính sách trung lập của hệ thống chính sách thuế, không lồng ghép quá nhiều chính sách xã hội trong chính sách thuế. Đồng thời phải xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Trong khi đó, mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm hạn chế tiêu thụ thuốc lá chứ không nhằm khắc phục hậu quả của việc sử dụng thuốc lá.

ĐBQH Vương Đình Huệ (Bình Định)