Lập pháp ủy quyền: Để văn bản pháp luật là một cơ thể sống

- Thứ Sáu, 05/09/2008, 00:00 - Chia sẻ
Hàng năm ở Australia có khoảng 200 đạo luật do nghị viện liên bang thông qua, nhưng bên cạnh đó còn khoảng 2.000 văn bản dưới luật thuộc nhóm lập pháp ủy quyền. Thực tế này cũng diễn ra ở nhiều nước khác như từ Anh, Mỹ, các nước châu Âu lục địa và khu vực Nam Mỹ, châu Phi, châu Á. Như tên gọi của nó, lập pháp ủy quyền là những văn bản pháp luật không phải do nghị viện thông qua, mà nghị viện ủy quyền cho các cơ quan thuộc nhánh hành pháp ban hành chi tiết hơn các quy định của đạo luật đó, nhưng không được vượt quá phạm vi đã được ủy quyền.

CÁC BÀI TRONG CHUYÊN ĐỀ Lập pháp ủy quyền

Lập pháp ủy quyền và vấn đề cân bằng quyền lực

Ủy ban Về các văn bản dưới luật- mô hình thành công của Thượng viện Australia

      Lập pháp ủy quyền xuất phát từ những lý do như giảm áp lực cho nghị viện; Tránh cho nghị viện không phải xem xét những vấn đề quá chi tiết hoặc quá kỹ thuật và quan trọng nhất là để tăng tính linh hoạt cho văn bản pháp luật ban hành, để nó là một cơ thể sống chứ không phải một văn bản chết.
      Theo truyền thống pháp luật châu Âu, luật không quy định quá chi tiết vì như thế có thể bó buộc cơ quan hành pháp vào một khuôn khổ cứng nhắc. Hơn nữa, nếu luật quy định quá chi tiết sẽ khó đáp ứng nổi mọi trường hợp nhiều khi chỉ khác nhau chút ít. Cơ quan hành pháp cũng có thẩm quyền ban hành các quy phạm có tính xử sự bắt buộc chung, tương tự các quy phạm của một đạo luật. Như vậy, đạo luật của nghị viện chỉ hạn chế trong việc xác định một khung tổng quát mà chính phủ sẽ bổ khuyết bằng những quy phạm lập quy, những quy phạm này phải phụ thuộc vào những nguyên tắc và giới hạn luật định. Ngoài ra, để giải quyết những vấn đề xã hội phức tạp, rộng lớn và chưa ổn định, cơ quan lập pháp có thể quyết định ban hành một “luật khung’’, trao cho cơ quan thi hành thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể và chi tiết hơn mà thông thường một đạo luật hiệu quả cần có để định hướng cho các đối tượng cơ bản của nó - đó cũng là những quy định mà chính cơ quan thi hành sau này sẽ phải thực hiện. Từ những lý do đó, thời Napoleon, truyền thống lập pháp châu âu là ban hành các đạo luật mang tính khái quát cao. Các đạo luật này chỉ có hiệu lực thực tế khi các bộ hoặc các cơ quan hành pháp khác ban hành nghị định, thông tư để lấp đầy các chi tiết. 

      Ở các nước Anh, Mỹ có truyền thống ngược lại, và người ta cho rằng, cơ quan lập pháp phải ban hành các quy định thật chi tiết để tạo ra những biến đổi xã hội như mong muốn. Trong những năm đầu của chủ nghĩa tư bản, các nhà đầu tư yêu cầu luật không thể để trong vòng định đoạt của hệ thống hành pháp và hành chính. Họ không muốn gặp rắc rối, chịu rủi ro do biến động thị trường xuất phát từ những quy định thứ cấp tùy hứng của các quan chức hành chính. Họ cần các đạo luật chi tiết, tin cậy để lên kế hoạch kinh doanh. 
      Tuy nhiên, quá trình phát triển tạo ra nhiều thách thức cho làm luật, không phải lúc nào cũng có thể ban hành trước các quy tắc chi tiết để giải quyết các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp và luôn thay đổi. Các cơ quan lập pháp ở các nước phát triển, kể cả châu âu lục địa và Anh, Mỹ ngày càng phải giao cho cơ quan hành pháp nhiều quyền định đoạt soạn thảo các quy tắc chi tiết. Các nước đang phát triển cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Làm sao để cân bằng giữa một bên là sự ổn định và bên kia là sự mềm dẻo, linh hoạt, thử nghiệm, cải cách? Để giải đáp câu hỏi này, nhiều nước áp dụng nguyên tắc ủy quyền lập pháp. Nhưng như thế không có nghĩa là giảm bớt quyền lập pháp hiến định, thậm chí trong một số trường hợp, nhờ nó mà có thể thực thi quyền lập pháp. Họ đặt vấn đề theo cách dễ giải quyết hơn: Trao một phần giới hạn quyền lập pháp cho cơ quan hành pháp nhưng không làm suy yếu nó đến mức không thể phục hồi được. Đồng thời, cơ quan hành pháp được ủy quyền lập pháp không sử dụng quyền đó vào tư lợi, mà vì lợi ích chung.

Nguyễn Lê