Xử lý sự cố môi trường

Lấp đầy khoảng trống pháp luật

- Thứ Ba, 04/08/2020, 06:00 - Chia sẻ
Để dễ dàng nhận diện sự cố môi trường, tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới nhất đã sửa đổi, bổ sung về phân loại sự cố theo phạm vi ảnh hưởng, địa giới hành chính, tạo cơ sở xác định cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó. Song, nhiều chuyên gia đề nghị cần tiếp tục rà soát luật liên quan để bổ sung quy định vào dự thảo Luật, giúp lấp đầy khoảng trống hiện hành.

Phân loại theo phạm vi ảnh hưởng

Sự cố môi trường đang xảy ra ngày càng nhiều với quy mô và cấp độ khác nhau. Song, việc ứng phó, khắc phục hậu quả của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan còn nhiều lúng túng, sự phối hợp chưa hiệu quả. Lý giải về hạn chế này, tại Tờ trình dự án Luật đã nêu rõ, các quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường hiện hành chưa rõ ràng về bản chất, loại hình, cấp độ, trách nhiệm phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả.

Đại biểu phát biểu tại Hội thảo hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Ảnh: Thanh Hải

Do vậy, tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã bổ sung các quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo hướng làm rõ các loại sự cố môi trường, làm cơ sở đưa ra các biện pháp, phân định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan trong việc quản lý các hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ Chín, trong các phiên thảo luận tại tổ và hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, quy định về phân loại sự cố môi trường trong dự thảo Luật khó nhận diện, chưa thuận lợi cho việc xác định trách nhiệm liên quan.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới nhất đã chỉnh sửa quy định về phân loại sự cố môi trường theo 4 loại, trên cơ sở phạm vi ảnh hưởng về không gian, địa giới hành chính. Dự thảo Luật cũng quy định, việc phân loại được thực hiện ngay khi phát hiện xảy ra sự cố để xác định cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó; quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường để nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tham dự Hội thảo Hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, đã không đồng tình với cách phân loại này. Theo TS. Nguyễn Văn Phương, Trưởng bộ môn Luật môi trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, việc phân loại sự cố môi trường theo phạm vi ảnh hưởng khó có thể thực hiện ngay sau khi xảy ra. Trong khi đó, dự thảo Luật cũng quy định đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch ứng phó môi trường. Với quy định tại Khoản 1, 2, Điều 129, dự thảo Luật, TS Phương cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sẽ phải đưa ra giả định về sự cố môi trường - vốn rất khó thực hiện.

Cần tránh chồng lấn?

Những sự cố môi trường xảy ra trong một vài năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sản xuất của người dân ở địa bàn một huyện, tỉnh, thậm chí là liên tỉnh. Do vậy, tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã sửa đổi cách phân loại sự cố môi trường, làm rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ. Theo Tờ trình của Chính phủ, lần đầu tiên đã có quy định rõ về việc cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố; huy động tài chính ứng phó sự cố môi trường.

Nhưng nhiều ĐBQH và các chuyên gia đã chỉ rõ, việc phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường đã được quy định tại nhiều luật liên quan, như Luật Hóa chất; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Phòng, chống dịch bệnh… Trong phiên thảo luận về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ Chín, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) từng chỉ rõ sự chồng lấn trong quy định về thủ tục liên quan đến ứng phó sự cố hóa chất tại dự thảo Luật này và Luật Hóa chất. Cụ thể, Khoản 4, Điều 36, Luật Hóa chất quy định, chủ đầu tư dự án hoạt động hóa chất thuộc danh mục quy định tại Khoản 1, Điều 38 phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, chỉ được đưa dự án vào hoạt động sau khi kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố y hóa chất đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương trong giải thích về khái niệm sự cố môi trường, dự thảo Luật quy định: Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, phương tiện vận tải có nguy cơ gây sự cố môi trường phải lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo Điều 130, dự thảo Luật. Sự chồng lấn giữa kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và sự cố môi trường nói chung nếu không được tháo gỡ sẽ gây lúng túng khi triển khai.

Dẫn ví dụ từ thực tế chỉ chập cầu dao điện ở Nhà máy Bóng đèn, phích nước Rạng Đông đã gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội, Ths. Đỗ Thanh Bái, Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam lưu ý, đôi khi chỉ một hành vi nhỏ lại gây ra sự cố có ảnh hưởng lớn, nhận được sự quan tâm của người dân. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là tìm khoảng trống trong các luật liên quan để kịp thời bổ sung quy định điều chỉnh trong dự thảo Luật. “Luật Hóa chất; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Phòng, chống dịch bệnh chưa quy định cách thức để nhận diện rủi ro, xây dựng kế hoạch phòng ngừa rủi ro…”. Chỉ ra khoảng trống trong một số luật liên quan, ông Đỗ Thanh Bái đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung dự thảo Luật; xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn cho các đơn vị, tổ chức thực hiện những yêu cầu nêu trên.

Đứng từ góc nhìn của doanh nghiệp, chuyên gia pháp lý Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ rõ, quy định về lập kế hoạch phòng ngừa sự cố môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường hiện hành gây áp lực với doanh nghiệp và có sự chồng chéo giữa các loại kế hoạch phòng ngừa sự cố chuyên ngành bắt buộc phải xây dựng khác. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam từng báo cáo VCCI, họ phải xây dựng 11 kế hoạch phòng ngừa sự cố với một cây xăng (hóa chất, phòng cháy, chữa cháy, thiên tai…) dù "na ná" nhau. Do vậy, ông Nguyễn Minh Đức đề nghị, các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh quy định của dự thảo Luật để xóa bỏ tình trạng này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Quy định về sự cố môi trường trong các luật chuyên ngành về bản chất là điều chỉnh với sự cố gây ra bởi các nguyên nhân cụ thể tùy theo đặc thù của ngành, lĩnh vực. Quy định tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là điều chỉnh với sự cố gây tác động đến môi trường chung do con người gây ra (loại trừ sự cố do thiên nhiên gây ra). Nhưng khi các luật hiện hành đang có một số khoảng trống, có những điểm chồng lấn gây khó khăn cho doanh nghiệp, thì cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, có bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan trong dự thảo nhằm đáp ứng tốt hơn đòi hỏi từ thực tế cuộc sống.

Lê Bình