Lao động mùa dịch

- Thứ Sáu, 31/07/2020, 06:16 - Chia sẻ
Từng bị mất việc làm vì Covid-19 hồi tháng 4, chị Bùi Thị Nguyệt (công nhân tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội) đang lo lắng sẽ thất nghiệp lần hai: “Covid-19 khiến công ty không lấy được hàng về, hàng loạt công nhân phải nghỉ tạm thời, mãi sau mới đi làm lại. Nhưng cũng chỉ làm cầm chừng, không có việc, không tăng ca, cả tháng chỉ được 4,5 triệu, chi tiêu không đủ. Giờ tình hình lại phức tạp thế này, sợ công ty không trụ nổi, mất việc hẳn thì không biết đi đâu”.

Hệ lụy của đợt lây nhiễm Covid-19 khiến cả nước phải giãn cách xã hội vào tháng 4.2020 vẫn chưa được khắc phục, thì giờ đây đợt lây nhiễm mới có nguy cơ bùng phát. Chỉ áp dụng giãn cách xã hội đối với Đà Nẵng và Quảng Nam, nhưng sức ảnh hưởng của Covid-19 lại đang tác động đến nhiều địa phương trên toàn quốc. Rõ ràng, đời sống kinh tế sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong thời gian tới. Nhiều công nhân lo sợ không biết khi nào thì công ty sẽ có thông báo cắt giảm nhân sự, ai sẽ là người nghỉ việc tiếp theo.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp quý II năm nay của Việt Nam cao nhất trong 10 năm qua. Tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị và nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp. Những công việc lao động chân tay, những nghề không được đào tạo qua trường lớp như là lao công, tạp vụ, phục vụ quán ăn, nhà hàng, công nhân tại các công ty… bị cắt giảm nhiều hơn cả. Những đối tượng này phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch có nguy cơ lây lan cao, và cũng chính là những người khó tìm việc mới hơn cả.

Trước đây người lao động có thể chăm chỉ làm nhờ sức lao động của mình lo cho cuộc sống và cho con cái ăn học thì thời điểm này kể cả họ rất chăm chỉ thì cũng không có cách nào vì việc không có. Các công nhân khác lâm vào tình cảnh không biết ngày mai sẽ ra sao. Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phải bố trí thêm 6 quầy làm thủ tục cho số lao động đến trụ sở chính 215 Trung Kính để làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhiều chuyên gia cũng dự báo rằng “đây chưa phải là đỉnh điểm của mất việc”.

Rõ ràng dịch Covid-19 đang tác động trực tiếp đến việc làm nhiều ngành nghề, trong đó các lao động phổ thông và lao động làm việc trực tiếp bị ảnh hưởng không nhỏ. Năm 2019, Ngân hàng Thế giới đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được 3,79 điểm trên thang điểm 10. Việt Nam thiếu nhân lực chất lượng cao. Trong 1,4 triệu người lao động có kỹ năng cao thì 1/4 không có bằng cấp hoặc chỉ có bằng sơ cấp, trung cấp. Việc thiếu văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn kỹ thuật khiến người lao động tại doanh nghiệp chịu nhiều thiệt thòi về lương, thưởng cũng như độ đãi ngộ, đặc biệt dễ bị sa thải khi tuổi đã cao.

Để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong giai đoạn này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra 6 giải pháp, trong đó có việc sử dụng kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của người lao động. Làm thế nào để có thêm được nguồn lực lao động này, đáp ứng được tiêu chí của các nhà đầu tư đến Việt Nam - đó là bài toán không phải chỉ dành riêng các trường đào tạo mà còn từ ý thức tự học của mỗi cá nhân, từ chính sách và tiêu chí cho các sản phẩm đào tạo nhân lực… Khi nhận thức rõ về những thách thức, người lao động sẽ tự ý thức được vị trí của mình trong xã hội, từ đó sẽ tự thay đổi mình, học tập nâng cao trình độ để đối mặt với thách thức, áp lực và tạo sự bứt phá phát triển bản thân.

Nhân lực chất lượng cao có lẽ vẫn là một câu chuyện dài tập, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 đang gặp nhiều khó khăn. Trong khó khăn cũng là cơ hội để tái cơ cấu đội ngũ lao động, nâng cao kỹ năng hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để hướng tới một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới.

Chi An