Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai Tiếp xúc cử tri chuyên đề về giáo dục mầm non

Lắng nghe và thấu hiểu

- Thứ Năm, 04/10/2018, 07:29 - Chia sẻ
Trong hai ngày chủ nhật liên tiếp cuối tháng 9 và đầu tháng 10, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị TXCT chuyên đề với 195 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Với việc tổ chức hội nghị trong ngày nghỉ thể hiện sự thấu hiểu của Thường trực HĐND tỉnh đối với đặc thù làm việc của ngành nghề, sự trân trọng lắng nghe và xử lý những ý kiến, kiến nghị từ ngành học này.

Hai vấn đề lớn cần quan tâm

Bên cạnh hai vấn đề lớn, Hội nghị TXCT chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai còn ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh về những khó khăn, vướng mắc của đội ngũ giáo viên như: Chế độ hỗ trợ; chế độ làm ngoài giờ; công tác phối hợp với chính quyền trong vận động nhân dân đưa trẻ đến trường; chăm sóc sức khỏe cho trẻ em; việc bảo đảm dạy và học trong điều kiện sĩ số lớp quá cao; thực hiện nhiệm vụ dạy gắn với các công việc kiêm nhiệm khác; bảo đảm cơ sở vật chất và học cụ...

Năm học 2018 - 2019, Đồng Nai có 326 trường mẫu giáo, so với năm học 2017 - 2018 tăng 33 trường, trong đó trường mầm non công lập có 225 trường; trường mầm non tư thục có 101 trường. Tuy nhiên, số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có đến 1.127 nhóm, trong đó số nhóm trẻ tối đa có 7 trẻ là 158 nhóm; tổng số trẻ đến trường là 181.461  trẻ. Những con số đó cho thấy công tác quản lý giáo dục mầm non của Đồng Nai là một nhiệm vụ lớn rất khó khăn, phức tạp.

Những năm qua, Đồng Nai đã ban hành nhiều chính sách, quy định nhằm hỗ trợ cho giáo dục mầm non, như: Hỗ trợ kinh phí và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp dưỡng ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện dự án xã hội hóa đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục; hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất… Những chính sách đó được xây dưng trên cơ sở lý luận và thực tiễn cao, thể hiện Đồng Nai là một trong những tỉnh có nhiều chính sách, quy định đi đầu, vừa phù hợp vừa mang tính dự báo; quá trình thực hiện đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm, hạn chế sai sót. Nhìn chung, các chính sách áp dụng đã tương đối đáp ứng được nhu cầu chính đáng của những đối tượng thụ hưởng.

Chủ tọa điều hành Hội nghị Ảnh: Nguyễn Oanh

Tuy nhiên, với đặc điểm tình hình phát triển kinh tế, với tốc độ tăng dân số cơ học kèm theo số lượng trẻ đến lớp không ngừng tăng cao qua các năm, giáo dục và đào tạo nói chung và ngành học mầm non của Đồng Nai không tránh khỏi nhiều khó khăn, vướng mắc rất đặc thù. Tại hội nghị TXCT, đại diện lãnh đạo các trường công lập cho rằng việc tuyển dụng giáo viên khó khăn hơn các trường tư thục. Vì theo quy định hiện hành, giáo viên mới tuyển dụng dù tốt nghiệp trình độ chuyên môn nào cũng đều hưởng mức lương khởi điểm với hệ số 1.86. Với mức lương này, nếu cộng các khoản hỗ trợ thì thu nhập của giáo viên công lập mới được tuyển dụng là 2.699.000/tháng. Tuy nhiên, trường tư thục mặc dù được quyền tự quyết định mức thu của phụ huynh và mức lương trả cho giáo viên, nhân viên, nhưng cho rằng vẫn khó tuyển dụng vì khả năng chi trả của trường vẫn thấp hơn so với lương công nhân các doanh nghiệp trên địa bàn chi trả, việc tuyển dụng giáo viên cũng là một bài toán khó cho khối tư thục.

Chính vì vậy, khối các trường tư thục kiến nghị: Địa phương hỗ trợ đối với trường công lập thì cũng hỗ trợ trường tư thục, vì nhiệm vụ đều là chăm sóc và giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó, do tăng dân số cơ học nên một số cơ sở giáo dục mầm non bắt buộc phải có số trẻ vượt so với quy định của điều lệ trường mầm non.

Một vấn đề lớn khác là việc phát triển trường mầm non tư thục hiện gặp vướng mắc trong thủ tục thành lập trường, do khó khăn về điều kiện quy hoạch đất. Nhiều nhóm trẻ hiện nay hoạt động tại các cơ sở mà mục đích sử dụng đất không phải dành cho giáo dục; nếu chuyển đổi sẽ phải đóng phí chuyển mục đích sử dụng đất. Đây là số tiền lớn, chủ cơ sở lo lắng bởi lẽ việc tăng dân số cơ học không bền vững, tỷ lệ học sinh có thể tăng hoặc giảm thất thường; nếu chuyển sang loại hình kinh doanh khác phải giải quyết lại thủ tục đất đai, nên nhiều cơ sở chưa mặn mà chuyển sang đất giáo dục. Hoặc cũng có trường hợp do nhu cầu gửi trẻ tăng, tại một số địa bàn có mật độ nhóm trẻ dày đặc so với quy hoạch, vì vậy khi chủ cơ sở muốn hoàn thiện thủ tục cũng không thể thực hiện.

Ghi nhận và kiến nghị xử lý

Đa số các ý kiến phản ánh tại hội nghị đã được lãnh đạo các sở, ngành trao đổi tại hội nghị và nhận được sự đồng thuận, chia sẻ của cử tri. Bởi lẽ, mặc dù ngành học mầm non còn gặp nhiều khó khăn nhưng so với các địa phương trong khu vực, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chế độ, chính sách đặc thù để hỗ trợ. Bên cạnh đó, trong xu hướng sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các cấp, các cơ quan hiện nay, việc kiêm nhiệm một người nhiều việc là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, Thường trực HĐND tỉnh đã ghi nhận và hứa sẽ kiến nghị đến các cấp, ngành liên quan xử lý, trả lời về những khó khăn, vướng mắc trong việc thành lập trường tư thục.

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển năng lực của trẻ. Hội nghị TXCT chuyên đề với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã đánh giá đúng hiệu quả đạt được trong giai đoạn đã qua; nhận diện và giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra theo yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, với góc nhìn toàn diện về bức tranh tổng thể của giáo dục mầm non. Tin tưởng rằng, với việc tổ chức hội nghị sẽ đóng góp hiệu quả vào việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói riêng và giáo dục đào tạo nói chung của tỉnh trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Oanh - Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Đồng Nai