Chính sách & cuộc sống

Lắng nghe để tháo gỡ

- Thứ Bảy, 30/04/2016, 09:34 - Chia sẻ
Rất nhiều tiếng nói tâm huyết của cộng đồng DN gửi đến Chính phủ. Rất nhiều kiến nghị, hiến kế từ thực tiễn của cả DN trong nước và DN FDI phản ánh với các bộ, ngành. Chính phủ lắng nghe, Chính phủ cam kết quyết tâm tháo gỡ tất cả những gì gây ách tắc, làm khó DN, để DN thực sự là động lực của kinh tế đất nước.

Cởi mở, thẳng thắn, lắng nghe là nhận xét của dư luận trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo các bộ, ngành với đại diện công đồng doanh nghiệp (DN) cả nước. Người đứng đầu Chính phủ, các thành viên Chính phủ, hơn ai hết hiểu rõ những khó khăn, thách thức của các DN lúc này.

Kinh tế đất nước đang đối mặt với đủ gian nan. Đâu chỉ vùng đất lúa  miền Tây Nam bộ thua thiệt vì mặn xâm thực; đâu chỉ vùng đất Tây Nguyên khốn khổ với hạn cháy đất, cà phê, hồ tiêu chết rụi; mà tình trạng cá chết dọc các tỉnh miền trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế vào đến tận biển Đà Nẵng.

Nông nghiệp đủ thứ khó, thực trạng SXKD của các DN lớn nhỏ cũng đối mặt với nhiều gian nan. 23.000 DN không trụ nổi phải dừng sản xuất kinh doanh trong quý I.2016. Không thiếu DN mang tiếng vẫn “đang sống”, nhưng thực ra là “chết lâm sàng”. Chả thiếu DN chết mà không dám “viết lời điếu” vì chưa làm xong thủ tục phá sản. Các DN đang SXKD cũng phải chống chọi với đủ chi phí đầu vào tăng quá cao mà tiêu thụ như chững lại vì giảm sức mua…

Chính phủ rất hiểu thách thức, khó khăn của DN hiện nay. Trong cuộc gặp gỡ thẳng thắn, cởi mở, nhiều DN “dốc ruột” trút “bầu tâm sự” với người đứng đầu Chính phủ về những bất bình trước thủ tục hành chính lắm nhiêu khê. Đó là đối xử giữa DN nhà nước với DN dân doanh, đã công bằng trên một “sân chơi chung” chưa? Các khu CN, cụm CN mở ra nhiều, nhưng DN nhà nước vẫn nhận đủ ưu đãi về sử dụng đất, từ vị trí mặt bằng đẹp đến hạ tầng tốt hơn hẳn DN tư nhân. Rồi DN trong nước và DN FDI có bị đối xử khác nhau không? Hội nhập là phải cạnh tranh, kiên quyết vứt bỏ cái cũ lạc hậu, áp dụng cái mới theo thông lệ quốc tế.

Cuộc gặp gỡ với gần 1.000 DN cùng lãnh đạo các bộ, ngành không chỉ để nghe DN nói, mà nghe cả những gì DN kiến nghị, để Chính phủ quyết liệt tháo gỡ. Nghe DN hiến kế, để Chính phủ có quyết sách trúng, tạo bước bứt phá cho nền kinh tế quốc gia vượt lên.

 Niềm tin của DN, doanh nhân với sự chỉ đạo của Chính phủ phụ thuộc vào hành động, sự chung tay của chính các bộ, ngành. Không thể diễn mãi cảnh thông tư bộ nọ ban ra lại như “đá xéo”, kéo ngược quy định của ngành kia rất xa thực tiễn, DN nào trở tay cho kịp? Bộ nào cũng có quyền quản DN, nhưng khi gỡ khó cho DN thì bộ này đổ cho ngành khác, thì sao DN có thể yên lòng? Nhiều quy định bộ này nói đúng, ngành kia bảo sai, DN biết nghe ai để thực hiện?

Có ý kiến đề nghị 5 năm tới xác định là “5 năm quốc gia khởi nghiệp”, là 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển DN. Ý tưởng ngỡ mới, mà thực ra quá cũ. Đâu phải bây giờ Đảng và Chính phủ mới đặt tầm quan trọng của DN? Hơn 30 năm đổi mới, nếu không mở rộng cửa cho DN phát triển, thì sao đất nước có được lực lượng đông đảo gần 600.000 DN hôm nay? Nếu không coi DN là động lực của nền kinh tế quốc gia, thì sao chúng ta có được cả Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mà QH ban hành đi vào cuộc sống thế kia? Vấn đề là nhìn DN với con mắt đã tròn chưa? Nói cùng “sân chơi”, thì chính sách với DN dân doanh thế nào, đã thật sự bình đẳng hay vẫn còn tình trạng đối xử “con đẻ, con nuôi”?

 Cái khó không chỉ là thủ tục mở DN nữa, khi DN và người dân đã được quyền SXKD tất cả những gì pháp luật không cấm. Vậy cái đang cản bước DN là gì? Đó là các DN quá non vốn liếng, non tầm quản trị. Đó là quy hoạch DN trên các lĩnh vực còn chồng chéo, nên DN không chỉ “đói” vốn, mà “đói” cả thông tin. Nếu quy hoạch DN có tầm nhìn, có dự báo thị trường chuẩn xác, thì đã không có chuyện mở quá nhiều DN thép, bung ra quá nhiều BĐS, để các NH gánh cả núi nợ xấu.

Nhiều hiến kế cho Chính phủ khi quy hoạch ngành không còn phù hợp nữa. Ví như ngành dệt may đi vào TPP, thì cạnh tranh càng quyết liệt. Không chỉ lo đơn hàng, lo nguyên liệu cho DN Dệt may, mà xử lý ô nhiễm môi trường đáng quan tâm hơn. Chính phủ có hay, Bộ Công thương có biết nỗi khổ DN, chỉ 5 - 10m vải mẫu mà đăng kiểm hải quan “vẽ ra” gây tốn phí không cần thiết, làm chậm trễ các hợp đồng ký kết với đối tác? Rồi chồng chéo kiểm tra của các bộ, ngành, hết hải quan, thuế vụ, đến môi trường, phòng cháy chữa cháy... DN chịu sao nổi (?)

 DN khát vốn, đói vốn, nhưng 95 - 97% DN cả nước trông vào vốn vay NH, thì NH lo sao xuể? Gần 600.000 DN tiếp cận gõ cửa NH, tránh sao chuyện xin - cho. Cũng bởi thế mà nhiều vụ tiêu cực trong “cho vay và đi vay” đã xảy ra, bạc tiền mất, cán bộ mất, DN và người dân vơi lòng tin với hoạt động NH. Chả thiếu chuyện đại gia vay vốn NH quá dễ, mà nhiều doanh gia gõ cửa NH khó như bắc thang lên giời cao xanh? Cả loạt giấy phép con, ai đó ví như “rừng đinh” đang hành DN, làm méo mó bức tranh kinh tế quốc gia, thì dứt khoát phải nhổ ngay!

 Rất nhiều tiếng nói tâm huyết của cộng đồng DN gửi đến Chính phủ. Rất nhiều kiến nghị, hiến kế từ thực tiễn của cả DN trong nước và DN FDI phản ánh với các bộ, ngành. Chính phủ lắng nghe, Chính phủ cam kết quyết tâm tháo gỡ tất cả những gì gây ách tắc, làm khó DN, để DN thực sự là động lực của kinh tế đất nước.

Tất nhiên, thay đổi là cả một quá trình. Nhưng cuộc đối thoại Thủ tướng với cộng đồng DN đã đặt nền tảng niềm tin. Cộng đồng DN sẽ không lẻ loi trong nỗ lực vượt lên giai đoạn khó khăn trước mắt, cũng như hành trình lâu dài hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế!

Hà Phương