Lắng đọng hương vị dễ bị bỏ quên

- Thứ Hai, 13/07/2020, 06:05 - Chia sẻ
Không quá vồ vập nhưng cũng không dửng dưng, hóa ra lại khiến tranh trừu tượng lắng đọng chút hương vị dễ bị bỏ quên trong đời sống, khiến họa sĩ trở thành một tác giả độc đáo. Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân nhận định: “Nếu hội họa trừu tượng đã có lịch sử 2/3 thế kỷ ở Việt Nam thì trong 20 năm bùng nổ gần đây, sáng tác của Đỗ Minh Tâm là một đóng góp đáng kể”.

Khúc đồng dao

Có gam màu lục nhạt vàng thư trắng mờ. Ở đó, có một cảm nhận rất cụ thể về cái nắng hanh trên tường nhà, sau vòm lá cây ở một vườn sau xưa cũ nào đó của Hà Nội. Cái nắng chan hòa những đốm lạnh se se, ánh sáng xua đi cả bóng râm ở mặt sau tán lá vương những ánh mờ vàng trắng lên mép tường, cùng sự đạm bạc dửng dưng của con người. Có lẽ, bởi những nét vẽ giản dị mà giàu tính biểu đạt ấy, nhà phê bình Nguyễn Quân đã phải thốt lên khi xem tranh của Đỗ Minh Tâm: “Một tâm tình đôn hậu mà tinh tế”. Hơn 50 tác phẩm của họa sĩ Đỗ Minh Tâm đang được trưng bày tại không gian nghệ thuật (Art Space) của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Triển lãm “Khúc đồng dao” cũng là dịp ông ra mắt quyển sách đầu tiên về nghệ thuật, bao quát quá trình sáng tác liên tục trong hơn 4 thập kỷ từ những năm 1980 tới nay.

Đỗ Minh Tâm được coi là người đại diện cho phong cách trừu tượng miền Bắc

Nhiều bức tranh Đỗ Minh Tâm vẽ về thời niên thiếu, lúc cuộc sống nghèo khó nhưng có nhiều kỷ niệm đẹp, gợi lên những bài hát đồng dao, gợi cả bầu trời ký ức tuổi nhỏ. Ông nhớ lại: “Ngày bé hay theo mẹ xem những buổi lên đồng. Thời ấy lên đồng vẫn là hoạt động bị cấm đoán nên chúng tôi phải về những chùa, miếu ở rất xa Hà Nội. Không khí những buổi lên đồng giữa đêm ấy có cái gì đó rất siêu thực. Và nó ảnh hưởng đến tôi trong cái nhìn về phong cảnh, về chùa chiền, về cảm nhận cuộc sống... Cuộc sống khó khăn, bấp bênh khiến người ta muốn chạy trốn vào những giấc mơ, tìm đến thế giới khác để trốn thoát hiện thực, cố gắng tưởng tượng ra cái người ta không thể có. Vì nghèo nên con người ta mới có nhiều mơ ước. Những bức tranh đầu tiên tôi vẽ đều chênh vênh giữa hai bờ thực và giấc mơ. Đó lý do những năm 1980 tôi tìm đến tranh siêu thực”.

Dù là tranh trừu tượng, nhưng nhiều bức vẽ của Đỗ Minh Tâm còn thấy rõ sự xuất hiện của yếu tố hiện thực. Đó là “Sắc quê” với gam màu xanh nổi bật, những mái nhà nâu và ô cửa, dòng sông...; là “Sau sân đình” như lấp ló ô tán cây đa cổ thụ, chiếc nón lá và cột kèo sơn son...; và trong những bức như “Ông già cầm đèn dầu”, “Tiếng hát trên cánh đồng”... cũng thấp thoáng đường nét phi trừu tượng. Nhưng hình hài của hiện thực ấy không phải đóng vai trò diễn giải, mô tả, phản ánh thực tế, mà được khơi gợi, và dùng để khơi gợi một hiện thực nằm sâu trong tâm trí mỗi con người.

Hoạ sĩ Đỗ Minh Tâm chia sẻ: “Tôi rất thích đưa không gian vào trong tranh của mình. Có thể là một nơi chốn nào đấy xa xôi, một miền sông nước, biển, cánh đồng hay một làng quê, cây cỏ, sinh hoạt của những con người khác nhau: thị dân, nông dân, thầy cúng. Tất nhiên, tất cả đều được mô - típ hóa mang tính khái quát và trừu tượng chứ không đi vào miêu tả cụ thể. Có thể nói, tranh trừu tượng của tôi luôn xuất phát từ một hình dung, một câu chuyện, để có thể dễ dàng đem đến cho người xem những liên tưởng”.

"Khúc đồng dao", sơn dầu, 200x100cm

Hội họa phải là điều cảm thấy”

Sinh năm 1963, Đỗ Minh Tâm tham gia lớp nghệ thuật quần chúng ở rạp Kim Môn (rạp chiếu bóng xưa ở trên phố Hàng Buồm, Hà Nội) từ năm 8 - 13 tuổi. Năm 14 tuổi, ông vào học trung cấp nghệ thuật ở “trường Yết Kiêu” (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), rồi lên đại học. Những năm tháng ấy đã giúp họa sĩ có được nền tảng vững vàng về kỹ thuật, hình họa, khả năng xử lý chất liệu. Từ đó, ông bắt đầu tìm tòi cái mới trong nghệ thuật, chú trọng thể hiện các trạng thái cảm xúc của người vẽ. Ông bảo: “Cuối cùng tôi nhận ra một điều là đến lúc nào đấy người ta sẽ cần buông bỏ kỹ thuật. Nhiều họa sĩ rất giỏi về mặt kỹ thuật nhưng lại mất đi cảm xúc. Hiện thực lọc qua lăng kính nghệ sĩ phải khác với thực tế mà mình biết. Khi làm thế, tôi còn thấy nó hiện thực hơn”.

Trong một phỏng vấn, họa sĩ cũng tự bạch về nghệ thuật của mình: “Hội họa phải là điều cảm thấy chứ không phải điều nhìn thấy”. Điều cảm thấy ấy là sự khác biệt ở tranh của Đỗ Minh Tâm. Khác với đa số trừu tượng biểu hiện ào ạt, gay cấn, tượng trưng hào nhoáng hay tối giản “trí tuệ cao siêu”, hội họa trừu tượng của ông lại cân đối chừng mực. Bảng màu phong phú cam - lục, tím - nâu, lam - hồng... thường êm nhẹ, các phương chéo xô lệch luôn lấy lại thăng bằng nhờ nét ngang và thẳng đứng, tối sáng ở bậc trung gian và trung cảnh thường chủ đạo về chiều sâu không gian. Như nhà phê bình Nguyễn Quân nhận định: “Thong dong tự thích, tự yêu, không quá vồ vập - dù không dửng dưng - kể cả với nghệ thuật, hóa ra lại khiến tranh trừu tượng của anh lắng đọng chút hương vị dễ bị bỏ quên trong đời sống, khiến họa sĩ trở thành một tác giả trừu tượng độc đáo ở Việt Nam”.

Thưởng thức các tác phẩm của Đỗ Minh Tâm trong triển lãm "Khúc đồng dao.
Ảnh: Thái Minh

Một khác biệt nữa dễ thấy ở tranh của Đỗ Minh Tâm là chất văn hóa cô đọng trong từng tác phẩm. Họa sĩ tâm sự, ông muốn tranh của mình hướng đến những giá trị nội tại của bản thân và tìm nguồn cảm hứng từ chính nền văn hóa Á Đông. Bởi vậy, càng những năm gần đây, ông càng không quan tâm đâu là siêu thực, đâu là trừu tượng, đâu là hiện thực nữa, mà quan trọng là tác phẩm phải thể hiện được trạng thái của nghệ sĩ. Trạng thái đó luôn vận động, biến đổi, nên tranh cũng phải khác đi, để biểu hiện được đời sống tinh tế, để đưa ra cái nhìn khác nhau ở những trạng thái cảm xúc khác nhau.

Khi đã trở thành ngôn ngữ hội họa, kể cả cái buồn cũng đáng yêu. Khi người ta nhìn vào nỗi buồn có thể sẽ nhận ra rằng giá trị của cuộc đời thật lớn lao. Hội họa với tôi chỉ là những tâm trạng khác nhau mà mình đã trải qua. Nó khiến cho con người cảm thấy cuộc sống này có nhiều điều hơn là chỉ chạy theo lạc thú”, họa sĩ Đỗ Minh Tâm chia sẻ.

Thái Minh