Công bố Bộ công cụ Nghị viện tự đánh giá việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Lan tỏa quyết tâm chính trị

- Thứ Hai, 01/07/2019, 08:19 - Chia sẻ
Là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương công bố Bộ công cụ các Nghị viện tự đánh giá việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nước ta đang nỗ lực đẩy mạnh vai trò của QH trong việc cụ thể hóa nội dung của Bộ Công cụ, nhằm áp dụng có tính hiệu quả và khả thi cao hơn. Hoàn thiện cơ chế giám sát việc thực thi SDGs hiệu quả thông qua việc tổ chức giám sát chuyên đề hoặc lồng ghép trong việc giám sát các mục tiêu KT - XH của đất nước. Qua đó, nâng cao nhận thức và lan tỏa quyết tâm chính trị đến mọi người dân và toàn xã hội về lợi ích của Việt Nam trong việc thực hiện SDGs.

Lồng ghép SDGs trong các cơ chế nghị viện

Trong Báo cáo kết quả Hội nghị QH và các Mục tiêu phát triển bền vững nêu rõ, theo Liên Hợp Quốc, các SDGs được đánh giá là tham vọng hơn và có phạm vi rộng hơn với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Các SDGs đề cập nhiều đến các vấn đề về kinh tế và môi trường, đặt mục tiêu loại bỏ đói nghèo dưới mọi hình thức, giảm đáng kể sự bất bình đẳng, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đồng thời xây dựng xã hội hòa bình, tự cường và phát triển bao trùm. Trong khi đó, các MDGs chủ yếu mang tính xã hội. Do đó, chuyên gia của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc John Hydes cho rằng thông qua các chức năng của mình, QH có thể thảo luận sâu hơn và xác định được các khoảng trống lập pháp, những văn bản luật cần phải sửa đổi, bổ sung ban hành mới hoặc bãi bỏ để tạo thuận lợi thực hiện các SDGs.

Kể từ năm 2015, sau khi Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững được thông qua, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao sự hiểu biết về vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy, giám sát triển khai thực hiện SDGs trên quy mô toàn cầu. IPU đã xây dựng và ban hành Bộ Công cụ các Nghị viện tự đánh giá việc thực hiện SDGs và Việt Nam vinh dự được chọn là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương công bố Bộ Công cụ này.

Bộ công cụ các Nghị viện tự đánh giá việc thực hiện các SDGs là văn bản có tính chất định hướng để các đại biểu nắm chắc những nội dung cơ bản, từ đó đưa ra kế hoạch triển khai thực hiện nhằm phát huy tốt nhất quyền và nghĩa vụ hiến định. Bộ Công cụ bao gồm các nội dung như: Xây dựng sự hiểu biết về SDGs; đưa SDGs đến cấp địa phương; lồng ghép SDGs trong các cơ chế nghị viện; thông qua luật nhằm hỗ trợ thực hiện các SDGs; vấn đề nguồn lực tài chính cho SDGs; giám sát việc thực hiện các SDGs; và bảo đảm rằng các SDGs phục vụ các nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Bộ công cụ được Nghị viện các nước triển khai rất tích cực. Tại Hội nghị QH và các mục tiêu phát triển bền vững tổ chức ở Đà Nẵng, tháng 12.2018, đại diện Nghị viện Indonesia cho biết, Indonesia đã khuyến khích nâng cao nhận thức về SDGs và cho rằng cần đưa SDGs vào các phiên tranh luận bầu cử; xây dựng bản đồ/dữ liệu liên quan tới việc triển khai và thống kê số liệu về SDGs. Còn Nghị viện Serbia đã tổ chức phiên điều trần công khai về dự thảo đánh giá quốc gia tự nguyện gửi tới Diễn đàn chính trị cấp cao 2018 về phát triển bền vững. Nghị viện Mali yêu cầu Chính phủ báo cáo trước QH về các luật sắp tới hỗ trợ triển khai các SDGs; thực hiện Chiến lược truyền thông cho Nghị viện về các SDGs và đề nghị Chính phủ cung cấp báo cáo thường niên về việc thực hiện các SDGs trong quá trình xem xét ngân sách. Tại Sri Lanka, QH nước này ban hành Kế hoạch hành động quốc gia để hỗ trợ giám sát và thực hiện các SDGs; đưa các SDGs vào chương trình giới thiệu cho nghị sỹ và cán bộ sau mỗi cuộc bầu cử; cử một đại diện QH chuyên trách về các SDGs. Nghị viện Mexico hình thành những nhóm công tác, tiến hành tham vấn rộng rãi với cử tri, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các bên liên quan để thúc đẩy thực hiện SDGs…

Nghị viện các nước cũng có chung nhận định, để tự đánh giá các SDGs, cần xác định các chiến lược phù hợp và các ưu tiên chung để thể chế hóa các mục tiêu; bảo đảm rằng các công tác thực hiện các SDGs của Nghị viện hoàn toàn phù hợp với khung nhân quyền, phản ánh các nguyên tắc cơ bản của nhân quyền về tính phổ quát, bình đẳng và không phân biệt đối xử; chọn đối tượng đánh giá chính. Yêu cầu hỗ trợ từ IPU và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) khi cần thiết; và chia sẻ kết quả thông qua các Ủy ban Thường trực IPU về các vấn đề Liên Hợp Quốc.

Tăng cường giải trình trước Quốc hội trong thực hiện SDGs

Tại nước ta, để có thể thực hiện thành công SDGs các đại biểu đã sớm nhấn mạnh vai trò của QH trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, giám sát thực hiện các chính sách và sử dụng hiệu quả nguồn lực công cho SDGs. Theo đó, QH đang nỗ lực lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình nghị sự 2030 trong quá trình thẩm tra các dự án luật, các chương trình phát triển KT - XH, kế hoạch đầu tư trung hạn và dài hạn. Giám sát và thẩm tra chuyên đề về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong tổng thể kế hoạch phát triển KT - XH; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế gắn kết với quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, QH cần có những hành động mạnh mẽ hơn, như yêu cầu Chính phủ đánh giá mức độ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững và điều chỉnh bổ sung ngân sách để thực hiện từng mục tiêu cụ thể.

Trong thời gian tới, QH nước ta cần tổ chức nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo để tập huấn, cung cấp thông tin… nhằm nâng cao nhận thức của các ĐBQH, đại biểu HĐND về SDGs; cụ thể hóa hơn nữa các nội dung của Bộ Công cụ để việc áp dụng có tính hiệu quả và khả thi cao hơn. QH cũng cần có cơ chế giám sát việc thực thi SDGs hiệu quả thông qua việc tổ chức giám sát chuyên đề hoặc lồng ghép trong việc giám sát các mục tiêu KT - XH của đất nước. Tăng cường hơn các phiên giải trình của Chính phủ trước QH trong việc thực hiện SDGs. Đánh giá và quan tâm sâu sát hơn nữa các vấn đề thực hiện SDGs ở địa phương để kịp thời có những giải pháp phù hợp. Nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị lan tỏa đến mọi người dân và toàn xã hội về lợi ích của Việt Nam trong thực hiện SDGs. Bên cạnh đó, kêu gọi IPU, UNDP và các tổ chức quốc tế, các nghị viện thành viên của IPU tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm để nước ta thực hiện thành công các hoạt động này trong thời gian tới.

Với quyết tâm chính trị “Không có ai bị bỏ lại phía sau” trong việc thực hiện SDGs, có thể tin rằng, QH nước ta sẽ nghiên cứu sử dụng Bộ Công cụ của IPU một cách thiết thực nhất.

Anh Thảo