Tản mạn

Làm việc không thích

- Thứ Năm, 05/03/2020, 08:08 - Chia sẻ
Ít ra thì cũng để nó hiểu: Việc mình không thích, thì đừng bao giờ bắt người khác phải “thích”. Và phụ nữ sinh ra không phải để thay đàn ông làm những việc mà họ không thích.

Gần đến ngày 8.3, Facebook nhắc lại một bức ảnh cũ: Một cô gái ngồi bưng mặt ngao ngán giữa “ma trận” bát đũa vây quanh, đúng kiểu “nhà bao việc”. Thực tế là tôi từng có lần rửa chừng 2/3 chỗ bát đũa ấy, một mình, chẳng phải ở quê nào xa xôi, ngay giữa Hà Nội, ngày đầy tháng con. Hồi đấy không có Facebook. Tôi có kể khổ với bạn gái vài lần trong các dịp trà dư tửu hậu. Chỉ thế thôi, không hơn. Và nghĩ lại vẫn tự phục mình. 

Tất nhiên là bây giờ thì tôi không đời nào làm thế.

Tôi thích các cuộc tụ họp gia đình, thích đi chợ, thích nấu nướng, nhưng ghét rửa bát. Ngày lĩnh lương đầu tiên, tôi mang về nộp cho mẹ kèm tuyên bố xanh rờn: “Con đã rửa bát 18 năm trong cuộc đời này rồi (4 tuổi rưỡi tôi đã có em, đồng nghĩa với việc phải nấu cơm và rửa bát), nay con xin đóng góp tài chính thay cho nghĩa vụ lao động, đề nghị phụ huynh giải phóng cho con khỏi công việc rửa bát buồn tẻ nhàm chán. Bù lại, con hứa hôm nào về sớm sẽ nấu cơm”. Bố tôi dễ tính nên đồng ý ngay chứ mẹ tôi thì xét nét riết róng lườm mãi.

Bao nhiêu năm ở riêng một mình, tôi thuê hẳn một bà giúp việc theo giờ chỉ để rửa bát và là quần áo. Chợ mình đi, cơm mình nấu, nhà mình lau dọn, chỉ thế mới làm mình ưng ý. Nhưng rửa bát thì nhất định là không.

Thế rồi mà về nhà chồng, tôi lại lộn một vòng về điểm xuất phát năm lên bốn tuổi rưỡi: Ngày rửa bát đủ 3 lần (có khi 4 hoặc 5, nếu nhà có người không ăn cùng bữa, hoặc có khách đột ngột). Không vui tí nào. Nhưng mà rồi cũng quen hết. Rửa bát mình ăn, bố của con mình ăn, bà của con mình ăn, chứ đi đâu mà thiệt! Ai mà chẳng thế, riêng gì mình!

Đời đáng lẽ cứ thế trôi và tôi sẽ cam phận rửa bát đều đặn nếu không có những cuộc “tụ tập đông người” với dư âm trăm bát nghìn đĩa như cô gái nọ. Thực ra, chỉ cần thêm một hai bà chị/em chồng, hay một bà thím, bà dì góp tay rửa cùng, hoặc mẹ chồng khoát tay: Cứ để đấy uống nước tối cả nhà cùng dọn; hoặc ông chồng có tí rượu “to loa”: Để chút nữa gọi mấy đứa cháu sang mừng tuổi bảo nó đỡ một tay! Bảo đảm cái dây thần kinh rưng rưng thường trực của chị em chẳng nức nên bần bật, rửa cho bằng sạch bong kin kít đống bát kia không nửa lời ta thán ấy chứ! Người ta ấm ức, tủi thân, bất mãn, chẳng qua là vì phải làm một mình! 

 Thật sự, không có gì tệ hại đánh mạnh vào cảm xúc vốn rất dễ bị “leo cột điện” của chị em bằng cảnh dăm chục người ăn uống ồn ào ầm ĩ để rồi cuối cùng một người bò ra rửa dọn. Để con trai mình về sau không làm khổ người phụ nữ của nó, tôi hằng ngày bắt nó phải rửa bát sau mỗi bữa ăn. Và sung sướng nhìn vẻ mặt cau có của nó khi bị ép làm một việc nó không thích. Ít ra thì cũng để nó hiểu: Việc mình không thích, thì đừng bao giờ bắt người khác phải “thích”. Và phụ nữ sinh ra không phải để thay đàn ông làm những việc mà họ không thích.

Thu Hà