Làm thì không đáp ứng được, đưa ra thì không dễ

- Thứ Hai, 11/05/2020, 17:03 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- Tuyển dụng cán bộ không bằng hình thức thi tuyển, mà chỉ bằng sự quen biết, trong gia đình, dòng tộc hoặc là bằng mối quan hệ thân thiết khác để nhận vào nhưng thực tế không đáp ứng được yêu cầu công việc. Làm thì không đáp ứng được nhưng đưa ra khỏi vị trí thì không hề dễ dàng, chưa kể đến chính sách pháp luật liên quan đến việc buộc một người thôi việc lại rất phức tạp... ĐBQH Nguyễn Văn Thanh phân tích về nguyên nhân bộ máy hành chính cồng kênh, kém hiệu quả.

Phân cấp để gắn với trách nhiệm cụ thể

Trước những nguyên nhân làm cho bộ máy hành chính công kềnh, kém hiệu quả, ĐBQH Nguyễn Văn Thanh đưa ra kiến nghị, cần phân cấp mạnh cho địa phương. Bởi phân cấp sẽ gắn liền với nghĩa vụ và trách nhiệm. Theo đó người đứng đầu nếu không thực thi có hiệu quả thì phải chịu trách nhiệm.

Theo đại biểu Thanh, muốn cho bộ máy hành chính hoạt động có hiệu quả thì bản thân người đứng đầu đơn vị phải quyết liệt, công tâm, khách quan xác định đúng từng vị trí việc làm và phải lựa chọn được những người cán bộ có đức, có tài năng, có tấm lòng với công việc. Bên cạnh đó, người đứng đầu đơn vị cũng phải thực hiện đầy đủ chính sách đãi ngộ với những người có đức, có tài...

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức hiện nay còn rất lớn. Vai trò của người đứng đầu chưa thực hiện quyết liệt còn bởi tính chất tình cảm trong quan hệ nên gặp khó. Trong khi, thủ trưởng đơn vị được quyền sắp xếp, nhưng thực tế lại không sắp xếp được và cũng không xác định vị trí công việc rõ ràng. Nguyên nhân nhiều việc còn nặng về tình cảm, nặng về gia đình, về riêng tư, về quan hệ  theo đó cơ quan cấp trên cũng phải cân nhắc những trường hợp khi dư luận có điều tiếng qua lại.


ĐBQH Nguyễn Văn Thanh Vĩnh Long

"Nếu thực thi đúng pháp luật liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu được phân cấp, cùng với đó là tăng cường việc hướng dẫn và quyền kiểm soát. Cụ thể là ở cấp Trung ương thì nên hướng dẫn, xây dựng cơ chế chính sách, tăng cường công tác giám sát, còn địa phương thì chủ động trong thực thi dựa trên chính sách đã ban hành thì vấn đề sẽ trở nên tốt hơn", đại biểu Nguyễn Văn Thanh khẳng định.

Nhất thể hóa một số chức danh

Muốn có được một bộ máy tổ chức hợp lý, ĐBQH Huỳnh Thành Lập cho rằng, cần phải xác định rõ việc phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm. Theo đó, cũng sẽ sắp xếp được công tác nhân sự và tiến hành việc tinh giản biên chế phù hợp với nhu cầu tình hình thực tế hơn. Đồng thời, bộ máy tổ chức nên nhất thể hóa một số chức danh và tăng vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức, người đứng đầu và phải tính đến đời sống của cán bộ công nhân viên chức, đảm bảo để họ yên tâm công tác.


ĐBQH Huỳnh Thành Lập TP Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, theo đại biểu Lập,  thực  tế việc tinh giảm biên chế hiện nay không hề dễ dàng. Bởi đây là cả một quá trình. Muốn làm được việc này thì cần tính toán lại chức năng nhiệm vụ của bộ máy, phân cấp, phân quyền thì mới tiến hành việc tinh giảm biên chế. Theo đó, công việc này nên trao quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh, Thường vụ tỉnh ủy chịu trách nhiệm về số lượng, cơ cấu biên chế cán bộ tại địa phương mình, Bộ Nội vụ thanh tra kiểm tra việc sử dụng biên chế.

"Để đạt được mục tiêu đề ra giảm 10% biên chế vào năm 2021, đầu tiên là phải giao chức năng nhiệm vụ, phân định chức năng nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền cho các địa phương, cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công theo hướng cái gì cần phải giữ, cái gì có thể xã hội hóa được thì chúng ta phải tiến hành. Từng cấp ủy đảng phải kiểm tra và có chỉ thị về trách nhiệm tới mỗi đảng viên trong việc thực hiện tinh giảm bộ máy biên chế" đại biểu Huỳnh Thành Lập kiến nghị.

Nguyễn Thăng