Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam

Làm rõ cơ sở quy định về nhiệm vụ biên phòng

- Thứ Sáu, 20/03/2020, 07:19 - Chia sẻ
Điều 5 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định về nhiệm vụ biên phòng Việt Nam. Đây là nội dung mới so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng năm 1997. Nội dung này cần được nghiên cứu kỹ, nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định chung cũng như tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi.

“Biên phòng” có là một chủ thể quan hệ pháp luật không?

Điều 5, về nhiệm vụ biên phòng, dự thảo Luật quy định 9 khoản. Cụ thể: (1). Quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, công trình biên giới, cửa khẩu (2). Bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, tài nguyên, môi trường ở biên giới, cửa khẩu (3). Xây dựng nền biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân ở biên giới; xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự; phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở biên giới (4). Tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về biên phòng, biên giới quốc gia, khu vực biên giới (5). Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc (6). Sắp xếp, ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới gắn với xây dựng, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh (7). Xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (8). Hợp tác quốc tế về biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển (9). Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang ở biên giới, vùng biển”.

Chúng tôi cho rằng, chủ thể của quan hệ pháp luật là cá nhân hay tổ chức có năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp luật, tham gia vào các quan hệ pháp luật, có quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định.

Một vấn đề đặt ra cần được giải quyết: “Biên phòng” có là một chủ thể quan hệ pháp luật không? Theo giải thích tại khoản 1, Điều 2, dự thảo Luật thì “Biên phòng”(1) không phải là một chủ thể quan hệ pháp luật mà chỉ có các lực lượng, như: UBND các cấp, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang… hoặc cá nhân có liên quan mới có trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Dự thảo Luật quy định đây là nhiệm vụ biên phòng, vì thế nếu không thực hiện được các nhiệm vụ này hoặc thực hiện không có hiệu quả, trách nhiệm sẽ thuộc về ai và mức độ, hình thức xử lý thế nào... cũng là vấn đề cần đặt ra.

Bảo đảm tính thống nhất, khả thi

Qua nghiên cứu cho thấy, nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới đã được quy định tại Luật Biên giới quốc gia. Theo đó, Khoản 1, Điều 31 quy định: “Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là nhiệm vụ của Nhà nước và của toàn dân, trước hết là của chính quyền, nhân dân khu vực biên giới và các lực lượng vũ trang nhân dân”. Điều 36 quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có biên giới quốc gia thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia. Điều 37 quy định: “UBND các cấp nơi có biên giới quốc gia thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia theo quy định của Chính phủ”.

Đồng thời, tại Chương VI của dự thảo Luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ biên phòng (từ Điều 26 đến Điều 33). Theo đó, đã xây dựng riêng từng điều quy định cụ thể về trách nhiệm của: Chính phủ; Bộ Quốc phòng; Bộ Ngoại giao; Bộ Công an; bộ, cơ quan ngang bộ; HĐND, UBND các cấp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của cá nhân. Ngoài ra, quy định về nhiệm vụ biên phòng tại Điều 5 còn có nhiều nội dung trùng lắp với 9 nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng tại Điều 15 dự thảo Luật (về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng) rất cần được làm rõ, đồng thời bảo đảm tính khả thi.

Tham khảo Luật Biên giới quốc gia Liên bang Nga năm 1993 (đã sửa đổi, bổ sung), có Chương VI quy định về trách nhiệm của cơ quan chính quyền địa phương trong bảo vệ biên giới quốc gia và Chương VII quy định về nhiệm vụ của các cơ quan biên giới, lực lượng vũ trang Liên bang Nga và các đơn vị, cơ quan khác trong bảo vệ biên giới quốc gia và Luật Về cơ quan biên phòng của Liên bang nga năm 2000 cũng chỉ quy định về nhiệm vụ chủ yếu, thẩm quyền, thành phần chung Cơ quan Biên phòng Liên bang Nga, những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo, chỉ huy cũng như trình tự, thủ tục kiểm tra, kiểm sát hoạt động của Cơ quan Biên phòng Liên bang Nga. Cả hai luật này không có khái niệm “Biên phòng” và “nhiệm vụ Biên phòng”.

Vì vậy, cần quan tâm làm rõ cơ sở quy định nhiệm vụ biên phòng tại dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp với quy định chung khi xây dựng một quy phạm pháp luật, tránh chồng chéo với các quy định có liên quan đã được các luật chuyên ngành điều chỉnh. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với các nội dung khác ngay trong dự thảo Luật này để khi Luật có hiệu lực sẽ dễ thực hiện.

____________

(1) Biên phòng là công cuộc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; trong đó các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.

Thạc sĩ Đoàn Phúc Thịnh - Phó Vụ trưởng, Vụ Quốc phòng và An ninh