Ngày làm việc thứ hai Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Làm rõ căn cứ xác định lĩnh vực đầu tư PPP

- Thứ Ba, 24/03/2020, 19:03 - Chia sẻ
Chiều 24.3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Quy mô đầu tư dự án PPP quá rộng

Theo báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật PPP, về lĩnh vực đầu tư dự án PPP (Khoản 1, Điều 5) các ý kiến tập trung 3 nhóm quan điểm. Một là, thống nhất như đề xuất của Chính phủ và giao Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung lĩnh vực đầu tư khác, phù hợp với quy định về lĩnh vực đầu tư công và khả năng bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (như dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám). Hai là, cần hạn chế lĩnh vực đầu tư và không giao Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung. Ba là, mở rộng các lĩnh vực, bao gồm các hoạt động đầu tư xã hội hóa hiện nay.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Tiếp thu ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, kinh nghiệm triển khai đầu tư PPP của các quốc gia khác cũng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia. Để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung, chỉ rõ 6 nhóm lĩnh vực (giao thông vận tải; nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; trụ sở cơ quan nhà nước; y tế; giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin) gắn với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP và giao Chính phủ quy định chi tiết về lĩnh vực đầu tư và quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực trên cơ sở căn cứ nhu cầu, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Đa số ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định như vậy mặc dù có thu gọn so với dự thảo Luật ban đầu nhưng vẫn còn quá rộng, có thể gây khó khăn trong quá trình áp dụng ở thực tiễn. Nêu cao tinh thần “cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm, cái gì thuộc lĩnh vực đầu tư công khó khăn thì có sự tham gia của nhà nước và tư nhân cùng thực hiện”, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần làm rõ căn cứ để xác định lĩnh vực đầu tư PPP.

Về quy mô đầu tư dự án PPP (Khoản 3, Điều 5), đa số ý kiến nhất trí với việc giao Chính phủ quy định hạn mức quy mô đầu tư tối thiểu của dự án PPP phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và tùy từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số ý kiến nhất trí với việc quy định ngay tại dự thảo Luật quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng; có ý kiến đề nghị giảm hạn mức hoặc không quy định hạn mức.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ như quy định tại dự thảo Luật. Theo đó, Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực quy định tại Khoản 1, Điều 5, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý. Quy định này cũng thống nhất với định hướng thu hẹp lĩnh vực đầu tư dự án PPP như đã nêu ở trên, xác định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP nhằm bảo đảm có sự tập trung đầu tư lớn vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, quy định quy mô không thấp hơn 200 tỷ đồng là phù hợp song đối với miền núi là khu vực chậm phát triển, hạ tầng yếu kém nên cần phải huy động nguồn lực xã hội. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, nên có quy định đối với những khu vực khó khăn, miền núi, dân tộc thì quy mô đầu tư dự án không thấp hơn 100 tỷ và HĐND cấp tỉnh được quyết định chủ trương đầu tư nhằm thể hiện chính sách ưu tiên cho khu vực này.

Cân nhắc việc thành lập Ban chuyên trách tham mưu phòng, chống thiên tai

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, về quỹ phòng chống thiên tai (Khoản 7 Điều 1, Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4, Điều 10 Luật Phòng, chống thiên tai), nhiều ý kiến tán thành việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương và đề nghị quy định rõ nguồn tài chính của Quỹ để tránh trùng với nội dung Nghị định số 64/2008/NĐ-CP trong vận động, tiếp nhận, sử dụng nguồn hỗ trợ quốc tế; bổ sung quy định về nguồn thu, cơ chế sử dụng, việc điều chuyển Quỹ.... Ý kiến khác cho rằng, không nên thành lập Quỹ này vì nguồn huy động của quốc tế ngoài ngân sách là không lớn và đã có các tổ chức như Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam cũng huy động và tiếp nhận.


Toàn cảnh phiên họp

Theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành chỉ quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai ở cấp tỉnh là quỹ ngoài ngân sách nhà nước, hoạt động phi lợi nhuận, mang tính nhân đạo xã hội để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai ở địa phương và chưa quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương.

Thực tiễn phòng, chống thiên tai cho thấy, ở tại các địa phương mà thiên tai xảy ra nhiều thì nhu cầu sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai lớn nhưng nguồn thu của Quỹ lại thấp; ngược lại một số địa phương ít có thiên tai thì lại có kết dư quỹ lớn. Do vậy, cần có cơ chế điều tiết giữa các Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống thiên tai và được quốc tế đánh giá cao trong phòng, chống thiên tai, do đó khi bị thiên tai tàn phá chúng ta thường nhận được nguồn lực từ một số Chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ trực tiếp cho khắc phục hậu quả thiên tai nhưng pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế tiếp nhận.

Tại Phiên họp tháng 9.2019, khi xem xét cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tán thành việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương và lưu ý làm rõ mối quan hệ của Quỹ này với Quỹ Phòng, chống thiên tai hiện nay để tránh chồng chéo. Vì vậy, dự thảo Luật đã quy định rõ về nguồn tài chính của Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương (Điểm a khoản 2 Điều 10); nguyên tắc hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai để bảo đảm tính minh bạch và tránh chồng chéo.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương, bởi còn liên quan đến vấn đề quan hệ quốc tế, đặc biệt là việc điều phối đến quỹ của các tỉnh. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị cân nhắc việc điều tiết giữa các Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, bởi đây là vấn đề phức tạp và thực tế nhiều địa phương sẽ không đồng ý.

Về việc thành lập Ban chuyên trách tham mưu phòng, chống thiên tai, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định này. Nhiều ý kiến băn khoăn liệu có làm tăng biên chế, “phình to” bộ máy hay không? Thực tế cũng cho thấy, khi xảy ra thiên tai thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chứ không phải bộ phận nào riêng biệt.

Tin: Trung Thành
Ảnh: Quang Khánh