Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Làm rõ bản chất của đối thoại, hòa giải tại tòa án

- Thứ Tư, 27/11/2019, 08:03 - Chia sẻ
Về bản chất của hoạt động hòa giải đối thoại tại tòa án, theo Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án có mục đích tạo cơ chế pháp lý mới để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và bảo đảm không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại hiện có.

Như vậy, hòa giải, đối thoại tại tòa án theo dự thảo Luật không phải là hoạt động hòa giải, đối thoại trong tố tụng đã được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, cách đặt tên gọi của dự thảo Luật là “hòa giải, đối thoại tại tòa án” cũng như việc dự thảo Luật quy định thẩm phán phải tham gia vào một số quy trình trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án như được phân công phụ trách hòa giải, đối thoại; phân công hòa giải viên, đối thoại viên; tham gia phiên họp để xác nhận sự kiện các bên tự nguyện hòa giải, đối thoại sẽ dẫn đến cách hiểu đây là hoạt động hòa giải, đối thoại trong tố tụng do tòa án tiến hành và phải tuân thủ theo các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính về hòa giải, đối thoại. Đây là những vấn đề cần có sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng từ phía cơ quan trình dự án Luật để xác định rõ bản chất hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án trong dự thảo luật là đối thoại, hòa giải “trong tố tụng” hay “ngoài tố tụng”, để từ đó có phương án nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và các mục tiêu đã đặt ra khi xây dựng luật.


Ảnh: Q. Khánh

Về phạm vi hòa giải, đối thoại tại tòa án. Theo Tờ trình dự án Luật, phạm vi và đối tượng hòa giải, đối thoại tại tòa án là những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà có đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Tôi cho rằng, việc giới hạn phạm vi và đối tượng hòa giải, đối thoại tại tòa án là những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền của tòa án sẽ vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu tạo thêm sự lựa chọn cho người dân khi giải quyết các tranh chấp. Qua đó, giảm tải gánh nặng công việc cho Tòa án các cấp, đồng thời cũng là bước đi thận trọng, hợp lý đối với một mô hình giải quyết tranh chấp mới, giảm được sự chồng lấn với các mô hình hoạt động hòa giải, đối thoại đã có, phù hợp với hiện trạng cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm hiện có và tránh làm cho công việc của tòa án thêm ôm đồm, quá tải.

Tuy nhiên, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc áp dụng không chỉ đối với những tranh chấp đã có đơn khởi kiện về dân sự, khiếu kiện hành chính mà nên áp dụng cả đối với những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, nhưng đương sự không lựa chọn khởi kiện mà lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án. Quy định theo hướng này sẽ tạo điều kiện và khuyến khích các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại, đồng thời không mâu thuẫn, chồng chéo với các cơ chế pháp lý hiện hành.

Về trình tự, thủ tục nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, theo quy định tại Điều 191, Bộ luật Tố tụng Dân sự và Điều 121, Luật Tố tụng hành chính về thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện thì trong thời hạn 5 ngày làm việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự và 3 ngày làm việc theo quy định của Luật Tố tụng hành chính kể từ ngày được phân công thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quy định yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, tiến hành thủ tục thụ lý vụ án, chuyển đơn khởi kiện cho tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác hoặc trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 16 của dự thảo Luật, sau khi nhận được đơn khởi kiện vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, trên cơ sở phân công của Chánh án trong thời gian 5 ngày làm việc, thẩm phán làm công tác hòa giải, đối thoại, xem xét đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, phân công hòa giải viên, đối thoại viên trong danh sách của các tòa án và tiến hành các thủ tục hòa giải, đối thoại nếu vụ việc có đủ điều kiện hòa giải, đối thoại. Như vậy, việc dự thảo Luật quy định sau khi nhận được đơn khởi kiện, thẩm phán có thể chuyển vụ việc sang quy trình hòa giải, đối thoại thay vì phải ra các quyết định theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng hành chính là chưa đảm bảo tính thống nhất. V ì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc, xử lý kỹ vấn đề này.

ĐBQH Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc)
N. Bình lược ghi