Làm quyết liệt sẽ ổn định giá thị trường trong dịp Tết

- Thứ Sáu, 08/02/2013, 08:39 - Chia sẻ
Năm nào cũng vậy, thời điểm trước, trong và sau tết giá cả hàng hóa luôn có xu hướng tăng, khiến người tiêu dùng chịu thiệt rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng giá. Nhưng có một thực tế là vẫn chưa có những giải pháp thực sự hữu hiệu để kiềm chế tăng giá dịp này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PHÓ CHỦ TỊCH KIÊM TỔNG THƯ KÝ HỘI THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM NGUYỄN TIẾN THỎA về vấn đề quản lý giá trong dịp Tết.

Nguồn: ktdt.com.vn

- Thưa ông, thường cứ đến trước, trong và sau Tết thì giá cả luôn có biến động. Mặc dù đã thành quy luật nhưng chúng ta vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để kiềm chế giá. Nguyên nhân của việc giá tăng trong dịp Tết là gì?

- Việc tăng giá dịp Tết gần như đã thành quy luật mà nguyên nhân chính là nhu cầu có khả năng thanh toán trong dịp Tết tăng cao, khoảng 20 - 25% so với các tháng bình thường, tạo áp lực đẩy giá tăng. Chúng ta đã biết và có những giải pháp bình ổn giá không để giá tăng quá cao, quá bất hợp lý thôi, còn giá tăng do áp lực cung cầu bình thường trong bối cảnh nhu cầu thanh toán tăng cao là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy ngay từ tháng 1 (tháng chạp âm lịch) thì chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 1,25%, cao hơn mức tăng 1% của cùng kỳ tháng 1.2012. Tháng 1 tăng như vậy thì 2 tháng kế tiếp cũng cần chú ý các giải pháp bình ổn giá, không để giá tăng đột biến. Theo tôi, trong dịp Tết cần thực hiện quyết liệt hơn một số biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, đặc biệt là các hàng hóa dịch vụ thiết yếu và hàng hóa phục vụ tiêu dùng Tết. Điều hòa cung cầu qua sản xuất, chăn nuôi, xuất nhập khẩu, kể cả sử dụng nguồn dự trữ lưu thông trong trường hợp xảy ra bất thường về cung cầu. Thứ hai là thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng thích hợp với tốc độ phát triển của những tháng đầu năm và kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán một cách hợp lý, xem xét tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất để giúp doanh nghiệp hạ chi phí sản xuất. Chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá, thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp kiểm tra kiểm soát thị trường, đặc biệt là các giải pháp chi thường xuyên, chi cuối năm…

- Thưa ông, đấy là những biện pháp cơ bản, trên cơ sở nguyên nhân mất cân đối cung cầu. Tuy nhiên, cũng không loại trừ có những nguyên nhân khác, ví dụ như đầu cơ, có thể làm cho giá tăng cao. Theo kinh nghiệm của ông với nhiều năm làm công tác quản lý giá thì nguyên nhân đầu cơ sẽ chiếm tỷ trọng như thế nào trong nguyên nhân tăng giá?

- Rất khó để lượng hóa được nguyên nhân đầu cơ, nhưng đó là nguyên nhân có thật. Ví dụ như vừa qua giá trứng gà ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng hơn 10%. Sau ba ngày TP Hồ Chí Minh thực hiện các giải pháp quyết liệt, giá trứng gà lại trở về bình thường, tức là có việc mua gom, đầu cơ đẩy giá trứng lên trong lúc nhu cầu tiêu thụ trứng tăng cao, chứ các yếu tố đầu vào không tăng, các yếu tố hình thành giá không tăng. Không loại trừ có những thời kỳ nếu không làm quyết liệt thì có thể đầu cơ dẫn đến giá tăng gấp đôi. Cho nên biện pháp chống đầu cơ, găm hàng, kiểm soát hàng tồn kho của các doanh nghiệp, xử lý việc đầu cơ, kể cả áp dụng các biện pháp rút giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp đầu cơ để nâng giá bất hợp lý… thì chúng ta mới có thể tránh được hiện tượng đẩy giá lên.

- Hiện nay có một mặt hàng mà giá cả gần như tăng thành quy luật, đó là sữa. Dường như chúng ta vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tăng giá đối với mặt hàng này?

- Muốn quản lý giá sữa thì phải từ cái gốc. Đầu tiên, theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 24 và Nghị định 69 thì muốn đưa mặt hàng sữa ra thị trường, doanh nghiệp phải đăng ký thành phần dinh dưỡng, tên loại sữa. Quảng cáo sữa, ghi nhãn sữa cũng phải đăng ký trước. Như vậy, nếu quản lý được những thông tin đã đăng ký theo quy định như chất lượng, thành phần, mẫu mã thì nếu có hiện tượng tăng giá, nếu doanh nghiệp nói rằng do bổ sung thành phần, phải bỏ thêm chí phí, đẩy tổng chi phí tăng lên khiến giá tăng, chúng ta có thể kiểm soát được ngay là có đúng họ bổ sung thành phần hay không. Thế nhưng chúng ta lại chỉ kiểm soát đăng ký lần đầu, không kiểm soát những lần kế tiếp. Thứ hai là sữa thuộc mặt hàng bình ổn giá thì phải áp dụng các biện pháp bình ổn giá và các yếu tố hình thành giá khi doanh nghiệp đăng ký giá, phải kiên quyết loại trừ các yếu tố bất hợp lý, những yếu tố gây ra biến động. Nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật, có thể rút giấy phép kinh doanh một thời gian. Chúng ta phải làm quyết liệt thì mới được.

- Vâng, xin cảm ơn ông!

Thu Thùy thực hiện