Lạm phát có nguy cơ vượt mục tiêu

- Thứ Năm, 30/05/2019, 07:53 - Chia sẻ
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố ngày 29.5 cho thấy, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 6,81%, lạm phát ở mức 4,79%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Hai kịch bản tăng trưởng

Theo Báo cáo của VEPR, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 6,5 - 6,9% với hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng ở mức thấp (6,56%) xấp xỉ mục tiêu Quốc hội đề ra. Kịch bản này có thể xảy ra khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi, cụ thể sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể đem đến những sức ép mới khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc; đồng thời gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam. Kịch bản thứ hai, tăng trưởng của nền kinh tế đạt 6,81% như mục tiêu của Quốc hội. Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra, nhờ dư địa động lực tăng trưởng của năm 2018, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, và mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính gồm công nghiệp và dịch vụ. Thêm vào đó, trong quý I.2019, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cao hơn của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là điều khác biệt so với nhiều năm trước. 

Lạm phát cả năm cũng được dự báo sẽ khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng lên tới 4 - 5%. Trong kịch bản đầu tiên, với hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, lạm phát cả năm khoảng 4,21%. Trong kịch bản thứ hai, lạm phát cả năm khoảng 4,79%, cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội. Nguy cơ lạm phát theo kịch bản thứ hai có thể xảy ra nếu có sự cộng hưởng từ cả sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài. Các đợt điều chỉnh giá những dịch vụ công, điều chỉnh tăng giá xăng dầu đã được thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ gây áp lực lớn gia tăng lạm phát. Tính đến hết tháng 4.2019, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khoảng 2,93% so với cùng kỳ năm trước và đang trong xu hướng đi lên. Trong khi đó, mức gia tăng này mới chỉ phản ánh một phần rất nhỏ tác động từ những điều chỉnh giá của Chính phủ do có độ trễ của chúng. Đối với tác động bên ngoài, giá dầu thô thế giới có thể tiếp tục tăng do những căng thẳng ở Trung Đông leo thang và nguồn cung thế giới được cắt giảm. Ngoài ra, khả năng đồng Nhân dân tệ bị giảm giá vào cuối năm 2019 dưới sức ép của chiến tranh thương mại có thể khiến VNĐ bị phá giá nhẹ cũng là một nhân tố rủi ro tác động đến mức giá chung trong nước.

Chính phủ phải thắt chặt chi thường xuyên

 Đại diện VEPR cho rằng, Việt Nam phải không ngừng cải thiện môi trường đầu tư để tận dụng vị thế của Việt Nam trong thị trường ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do tạo ra để thu hút vốn FDI, gồm cả doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp nước khác đang đầu tư tại Trung Quốc, nếu như có sự chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp này.

Báo cáo của VEPR cũng nêu, khu vực tư nhân ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội. Năm 2018, khu vực tư nhân chiếm hơn 43% tổng vốn đầi tư toàn xã hội, cao hơn con số 40% của năm 2017. Tăng trưởng vốn đầu tư ở khu vực này cũng được duy trì ở mức 18,5%, bỏ xa mức tăng trưởng của khu vực nhà nước (chỉ gần 4%). Điều đó thể hiện sự phát triển mạnh và ổn định của hoạt động đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, hiện nay khối doanh nghiệp tư nhân đa phần chưa thực sự lớn mạnh và còn chịu nhiều rào cản từ môi trường thể chế và kinh doanh trong nước.  Doanh nghiệp và người dân luôn phải đối mặt với nỗi lo tăng thuế, phí để bù đắp cho thâm hụt ngân sách và chi trả nợ công của Chính phủ. Vì vậy, đại diện VEPR cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên, minh bạch và tránh lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công. Đối với lĩnh vực phân bổ ngân sách nhà nước, các văn bản pháp luật cần được xây dựng theo hướng đánh giá kết quả đầu ra và hiệu quả cuối cùng của chi tiêu công chứ không chỉ tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát đầu vào và kiểm soát quy trình, thủ tục.

Theo VEPR, 85% doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn nằm ngoài cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và chỉ có 13% ở cấp độ mới bắt đầu. Việc áp dụng robot tự động hóa đã bắt đầu thâm nhập vào một số ngành công nghiệp bao gồm ô tô, máy tính và điện tử, thiết bị điện. Sớm hay muộn, những tiến bộ trong công nghệ sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Hơn nữa, các ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu dựa vào thâm dụng lao động và tài nguyên như ngành dệt may, giày da, gia công lắp ráp sẽ mất dần lợi thế trước làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0. Cùng với đó là hàng trăm nghìn người đang làm việc tại các ngành viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán cũng bị đe dọa. Theo VEPR, nếu không có những biện pháp nâng cao năng suất lao động cũng như có phương án tổng thể dịch chuyển cơ cấu lao động giữa các ngành trong nền kinh tế, thời gian tới, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.

Tuệ Anh