Lạm phát chịu áp lực

- Thứ Sáu, 12/04/2019, 08:19 - Chia sẻ
Thuế bảo vệ môi trường tăng kịch trần từ đầu năm, giá điện vừa tăng 8,36%, cùng với giá dầu thế giới đang trong xu thế tăng sẽ tạo áp lực lạm phát thời gian tới, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định trong tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I.2019 của VEPR chiều 11.4.

Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cao bất thường

Theo báo cáo của VEPR, kinh tế quý I tăng trưởng 6,79%, mặc dù thấp hơn năm trước nhưng khá lạc quan. Trong đó, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng 2,68%, dịch vụ 6,5%, công nghiệp - xây dựng 8,63%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. So với 2018, tăng trưởng quý I ở hầu hết các ngành thấp hơn, tuy nhiên vẫn cao hơn so với nhiều năm trước đó.

VEPR nhận định, số doanh nghiệp thành lập mới không khác biệt nhiều nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cao bất thường, tăng tới 46% so với quý I.2018. Cụ thể đã có 14.761 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, cao hơn 20,8% so với năm trước.

Về cán cân thương mại, tính chung 3 tháng đầu năm, xuất siêu 536 triệu USD. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kể cả dầu thô xuất siêu 7,57 tỷ USD, khu vực trong nước nhập siêu 7,04 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, đây là điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam. 

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI sẽ không bền vững. Không khu vực kinh tế nào có thể sinh lợi nhuận cao, đóng góp thực chất cho nền kinh tế của đất nước như doanh nghiệp tư nhân. Nhưng, hiện nay chúng ta đang dành quá nhiều ưu đãi cho khu vực FDI. “Điều dễ tổn thương nhất của nền kinh tế Việt Nam là phụ thuộc nhiều vào công ty nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp này có sự thay đổi về chính sách thì Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn để phát triển kinh tế”, ông Hiếu nói. Vì vậy, cần ứng xử bình đẳng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, trong đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiêp tư nhân tiếp cận vốn, thị trường, đất đai. Về phía doanh nghiệp trong nước phải đầu tư cho khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao sức cạnh tranh.

Lạm phát có xu hướng tăng

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, giá dầu tăng và tiêu dùng đợt Tết Nguyên đán khiến lạm phát bình quân đạt 2,63%. Hơn nữa, việc tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ 1.1.2019, cùng với giá điện tăng 8,36%, giá dầu thế giới đang trong xu thế tăng sẽ tạo áp lực lạm phát thời gian tới. Hơn nữa, việc giá điện tăng đột ngột ở mức cao khiến doanh nghiệp “trở tay không kịp”, bị vỡ kế hoạch trong kinh doanh bởi việc xây dựng chiến lược kinh doanh phải từ rất sớm. Điều này ảnh hưởng lớn tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo ông, mọi sự thay đổi đều cần phải có lộ trình và nằm trong dự đoán của doanh nghiệp mới là tốt nhất.

Báo cáo của VEPR cũng cho thấy, thu và chi ngân sách đều tăng so với cùng kì năm trước nhưng do nhu cầu chi tiêu trong quý I thấp nên thặng dư ngân sách. Về thị trường tài chính và tiền tệ, trong quý I, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, huy động vốn, tín dụng đều có phần giảm sút so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh do nhu cầu vốn ngắn hạn cao và thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Theo VEPR, Việt Nam nên tập trung vào cách chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để đối mặt với những bất ổn của kinh tế thế giới như điều chỉnh tỷ giá linh hoạt; giữ lãi suất ổn định; hạ thấp đòn bẩy và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng; từng bước xây dựng “đệm tài khóa” thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên.

Đối với thị trường bất động sản, lĩnh vực này đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn cung căn hộ trên tất cả phân khúc tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng thị trường này vẫn là lĩnh vực thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ thị 04 thắt chặt tín dụng bất động sản, doanh nghiệp cần phải xây dựng quỹ đất sạch cùng với các dự án đang triển khai; trong khi các nhà đầu tư cá nhân cần tránh tận dụng đòn bẩy tài chính để đầu cơ.

Tuệ Anh