Kỳ vọng gì ở “Đường lên đỉnh Olympia”?

- Chủ Nhật, 22/09/2019, 08:48 - Chia sẻ
Sự kỳ vọng dành cho các em chiến thắng ở Đường lên đỉnh Olympia mặc dù có nhiều điểm tích cực, nhưng có luôn là quá sức không?

Cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” là một cuộc thi đố đánh giá kỹ năng kiến thức của người chơi trên truyền hình (Quiz show) - để phân biệt với những cuộc thi đề xuất sáng tạo (Competition) hay thi tranh luận, hùng biện (Debating competition). Cuộc thi này được tổ chức theo thể thức “hỏi - đáp” thông thường, trong đó người dự thi sẽ lần lượt trả lời một danh sách các câu hỏi được chuẩn bị sẵn bởi một ban giám khảo. Các đề tài của câu hỏi thì tuân thủ tính “trường quy” chứ không nằm vượt ra ngoài nội dung chương trình phổ thông. Nhìn chung, đây là một cuộc thi đố vui (có thưởng) bổ ích, hấp dẫn, nó đã tạo ra một sân chơi thường thức cho học sinh Việt Nam thi đố là dạng thi hỏi đáp mà câu trả lời đã có sẵn đáp án.

Ra đời gần 20 năm trước trong bối cảnh sóng truyền hình rất khan hiếm các chương trình khoa giáo cho thanh thiếu niên, Đường lên đỉnh Olympia đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của đông đảo người xem. Tuy vậy, ta không nên vì quá yêu mến mà đặt kỳ vọng rằng, người thắng cuộc trong cuộc thi này sẽ buộc phải trở thành những nhân vật kiệt xuất, bởi lẽ những kỳ vọng đó là quá nặng nề.

Thi đố rất khác với thi đề xuất, sáng tạo hay tranh luận. Đố vui phù hợp với mục tiêu tích lũy kiến thức, kỹ năng xử lý các kiến thức sẵn có. Trong khi đó, ở những cuộc thi/cạnh tranh đề xuất, sáng tạo thì thiên về đặt vấn đề, tìm giải pháp, khuyến khích học trò có tư duy phản biện và thiết lập các vấn đề, giả thuyết. Đó là lý do vì sao những người thành công trong nghiên cứu khoa học cơ bản hàng đầu thế giới (Toán học, Vật lý, Triết học, Hóa học…) thường phải là những người rất giỏi trong việc đặt ra câu hỏi của chính mình chứ không phải là những người đi giải đáp câu hỏi của người khác. Tất nhiên, đây là một quá trình dài và ta khó lòng có thể đòi hỏi những học sinh ở tuổi 18 với vốn kiến thức và kỹ năng ban đầu khi chiến thắng. 

 “Những người thành công trong nghiên cứu khoa học cơ bản hàng đầu thế giới thường phải là những người rất giỏi trong việc đặt ra câu hỏi của chính mình chứ không phải là những người đi giải đáp câu hỏi của người khác”.

Khi người chơi rời khỏi Việt Nam sang Australia du học, nhập học cùng hàng nghìn sinh viên khác, ở một ngôi trường xếp hạng 400 (theo bảng xếp hạng thế giới), thì đây là một điều bình thường. Giống như hàng trăm triệu thanh thiếu niên khác trên toàn thế giới, điều ta mong đợi ở những con người này là gì? Đó là học tập hết mình để trưởng thành, sống có trách nhiệm với bản thân và sẽ có nhiều đóng góp cho xã hội. 

Chiến thắng trong một cuộc thi như Đường lên đỉnh Olympia là rất tuyệt vời. Tuy vậy, chúng ta nên dừng kỳ vọng rằng những thí sinh chiến thắng ở một cuộc thi này phải gánh lấy những trọng trách quá sức. Các em đó có thể có hiểu biết xã hội/hoặc không, có thể tự kiêu hay nhẫn nhịn, có thể có hoài bão lớn... tất cả đều hết sức bình thường bởi lẽ ở tuổi 18, cuộc đời còn nằm cả ở phía trước và không một ai có thể nói trước được điều gì! 

Ở một góc nhìn khác, kỳ vọng từ khán giả Việt Nam cũng cho thấy rằng truyền hình cần đổi mới và có thêm các sân chơi, cuộc thi mới dành cho thanh thiếu niên. Cần mạnh dạn vượt ra khỏi các cuộc thi đố vui để hướng đến những chương trình năng động hơn, chủ động hơn, đưa học sinh thoát khỏi cái khuôn mẫu “hỏi - đáp” thông thường. Từ phía khán giả, sau 20 năm, hẳn nhiên họ cũng cần sự thay đổi bổ sung cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. 

Trong trải nghiệm của mình, tôi từng có dịp tham gia buổi phản biện cuộc thi của lứa sinh viên 19 tuổi tại một trường đại học thuộc top 3 thế giới (mà để vào học thì mọi sinh viên phải vượt qua khoảng 60.000 ứng viên được coi là đặc biệt xuất sắc từ khắp thế giới). Ban giám khảo có những người từng nhận giải thưởng tương đương giải Nobel. Thi phải có thắng có thua, nhưng ngay cả khi chiến thắng trong một cuộc thi với chất lượng cao như vậy thì “tương lai” vẫn là một điều gì quá đỗi xa xôi. Sau khi tốt nghiệp thì người chơi phải xác định rằng toàn bộ ban giám khảo bên trên đã trở thành “đối thủ” ở các cuộc thi có quy mô lớn hơn. 

Sau cuộc thi đố còn là tinh thần học tập, sáng tạo vươn lên khát khao với tri thức mới. Và người chiến thắng cần tiếp tục tham gia vào những ‘‘cuộc thi” khác thách thức và sáng tạo hơn trong cuộc đời, ở những nơi mà câu trả lời không bao giờ là sẵn có.

KTS. Lê Quang (từ Berlin)