Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Kỳ vọng được tiếp thu tối đa

- Thứ Bảy, 26/10/2019, 08:19 - Chia sẻ
Tham gia dự thính phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp QH về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các đại biểu HĐND thống nhất cao với nhiều ý kiến trách nhiệm của các ĐBQH về việc tinh gọn nhưng phải bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy và việc ủy quyền cho Thường trực HĐND giải quyết một số vấn đề cấp bách phát sinh giữa 2 kỳ họp. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu những nội dung này được góp ý, mong rằng những ý kiến tâm huyết của các ĐBQH - cũng chính là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn được tiếp thu tối đa.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Cao Bằng ĐÀM VIẾT HÀ: Giảm số lượng chuyên trách sẽ ảnh hưởng chất lượng hoạt động


Ảnh: Tường Vy

Theo dõi các phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong các kỳ họp, tôi thấy các ĐBQH đã tham gia ý kiến rất sôi nổi, trách nhiệm, với mong muốn xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Tại phiên thảo luận lần này, cơ quan soạn thảo cũng đã có sự tiếp thu cơ bản ý kiến của các ĐBQH cũng như ý kiến tham gia của các cơ quan, địa phương vào Dự thảo luật này.

Đối với Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hầu hết ý kiến thảo luận của các đại biểu đều thống nhất không giảm số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đối với các Ban HĐND, cá nhân tôi mong muốn khi sửa luật cần quy định Trưởng Ban hoạt động chuyên trách để hiệu quả hơn. Bởi, qua thực tiễn hoạt động cho thấy, Trưởng ban hoạt động kiêm nhiệm đôi lúc phải dành thời gian cho công việc chuyên môn chính nên không thể dành nhiều thời gian cho hoạt động của HĐND mà phải ủy quyền cho Phó Trưởng ban HĐND. Do đó, vai trò của Trưởng ban không còn nhiều.

Còn đối với vấn đề ủy quyền của HĐND cho Thường trực HĐND giải quyết một số vấn đề cấp bách phát sinh giữa hai kỳ họp, tôi cho rằng điều này là cần thiết để bảo đảm thực hiện kịp thời các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hơn nữa, Thường trực HĐND có số lượng trên 5 thành viên, đủ năng lực để xử lý một số công việc phát sinh. Thực tế, những vấn đề lớn về ban hành chính sách, phân bổ nguồn lực, chỉ tiêu biên chế… đã được HĐND quyết định tại các kỳ họp thường lệ. Nếu không thực hiện việc ủy quyền thì việc triệu tập nhiều kỳ họp bất thường chỉ để giải quyết việc không lớn, nội dung không nhiều sẽ gây tốn kém, lãng phí không cần thiết. Do đó, tôi cho rằng, nên ủy quyền cho Thường trực HĐND giải quyết một số vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, sau đó báo cáo lại HĐND tại kỳ họp gần nhất. Cùng với đó, cần quy định rõ những việc nào Thường trực HĐND được phép và không được phép quyết định và sau khi quyết định thì chịu trách nhiệm như thế nào.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận TRẦN MINH LỰC: Phải bố trí Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách

Tôi thấy các ĐBQH tham gia thảo luận rất trách nhiệm, tâm huyết trên cơ sở hiểu rõ về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Nhiều đại biểu ủng hộ yêu cầu phải phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương một số nội dung phù hợp để bảo đảm tính chủ động và hiệu quả công việc. Về số lượng đại biểu chuyên trách, nhiều đại biểu ủng hộ theo phương án hoạt động của HĐND phải đủ lực, đặc biệt là yếu tố nhân lực để đảm đương những nhiệm vụ pháp luật trao cho, nhất là trong xu hướng phân cấp, phân quyền hiện nay. Theo đó, phải giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, 2 phó trưởng ban HĐND chuyên trách. Đặc biệt, nhiều đại biểu nhấn mạnh phải có trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách, điều này rất phù hợp với thực tiễn hoạt động của các địa phương. Về vấn đề ủy quyền cho Thường trực HĐND giải quyết một số nội dung cấp bách phát sinh, đây là yêu cầu phù hợp, nhiều ĐBQH cũng đề cập nhưng chưa được đưa vào trong Dự thảo Luật lần này.

Đối với mô hình thí điểm sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND, tuy chưa có tổng kết, đánh giá nhưng thực tiễn ở các địa phương thí điểm cho thấy, việc phục vụ, hành chính, quản trị thì có thể bảo đảm, nhưng chức năng tham mưu, tổng hợp gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương cho rằng chỉ nên sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND. Vì vậy, Luật nên thiết kế phù hợp để sau khi tổng kết mô hình thí điểm xong quyết định phù hợp, tránh chồng lẫn giữa Luật và thực tiễn.

Đối với địa phương, có một số vấn đề kỳ vọng nhưng chưa được đặt ra trong lần sửa đổi này. Đó là điều kiện bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động HĐND, đặc biệt là phẩm chất, năng lực, trình độ, tiêu chuẩn của đại biểu lượng hóa như thế nào để lựa chọn được những người đủ năng lực, trình độ, đạo đức, trách nhiệm cao cho các hoạt động HĐND. Việc hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động của HĐND, Luật giao Chính phủ, Chính phủ giao Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ không thể sâu sát để chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các hoạt động của HĐND các cấp. Vì vậy, chúng tôi mong muốn QH đề nghị giao UBTVQH có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời hoạt động của HĐND các cấp, nhất là đối với cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG: Tạo điều kiện cho chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả hơn


Ảnh: Trần Tâm

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này đã có những tiếp thu các ý kiến đóng góp cơ bản đầy đủ, toàn diện. Các ĐBQH hôm nay thảo luận tại nghị trường đều thể hiện sự nhất trí với hầu hết các nội dung, đồng thời tham gia thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật. Các đại biểu đều thể hiện tính chuyên nghiệp và trách nhiệm cao nên các ý kiến tham gia rất xác đáng, đóng góp rất thiết thực, khoa học và hợp lý, tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước. Nếu được nghiên cứu tiếp thu đầy đủ những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, Luật sửa đổ lần này sẽ hoàn thiện, đầy đủ hơn, hướng tới mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương. 

Xung quanh những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND và phó trưởng ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, theo tôi, một nguyên tắc đặt ra là phải căn cứ vào yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao để hình thành tổ chức bộ máy của một cấp, một ngành, một cơ quan, đơn vị cho phù hợp. HĐND là cơ quan quyền lực ở địa phương, được luật pháp quy định với chức năng nhiệm vụ ngày càng cụ thể, nhiều hơn, yêu cầu tất yếu đặt ra là phải có bộ máy đủ mạnh để hoạt động thực sự hiệu quả. Theo tôi, Thường trực HĐND tỉnh có 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch trong đó có 2 hoạt động chuyên trách. Các ban của HĐND cấp tỉnh có 1 trưởng ban, không quá 2 phó trưởng ban, trong đó có 2 hoạt động chuyên trách. Thường trực HĐND huyện có 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch, trong đó có 1 hoạt động chuyên trách. Quy định như vậy vừa đủ để bảo đảm hoạt động điều hành, đồng thời, linh hoạt trong sắp xếp bố trí nhân sự khi có biến động, thay đổi.

Tôi đồng tình với việc giảm số lượng đại biểu HĐND như dự thảo nhưng cần phải tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, giảm tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm ở các cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm tính chuyên nghiệp, tính độc lập và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Có như vậy, hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương các cấp mới ngày càng thực quyền, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên GIÀNG THỊ HOA: Mong có  trưởng ban và phó trưởng ban chuyên trách

Với trách nhiệm là đại biểu HĐND tỉnh, chúng tôi rất quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này. Cá nhân tôi rất đồng tình với ý kiến phát biểu của ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh). Qua phân tích của đại biểu, chúng tôi thấy rằng hiện nay chúng ta bàn và trong thảo luận việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương - một yêu cầu lớn đang đặt ra nhưng rất tiếc lại ít được đại biểu quan tâm.

Đối với vấn đề về giảm số lượng đại biểu HĐND, chúng tôi đồng tình với Dự thảo quy định giảm từ 10% đến 15% số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại hình đơn vị hành chính, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, nhưng cần phải giảm mạnh đại biểu ở khối cơ quan hành chính nhà nước để tăng đại biểu HĐND chuyên trách. Vì muốn hoạt động hiệu quả, HĐND phải có thực lực, trước hết phải là con người, nếu như cứ giảm đại biểu hoạt động chuyên trách thì sẽ rất khó trong các hoạt động.

Về cơ cấu tổ chức cụ thể, đối với HĐND cấp tỉnh, tôi đồng tình với quan điểm phải có 2 phó chủ tịch HĐND chuyên trách. Hiện nay, chúng ta thực hiện theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, đối với Chủ tịch HĐND cơ bản hướng tới thực hiện mô hình đồng thời là Chủ tịch HĐND, có những tỉnh Bí thư đồng thời là Trưởng đoàn ĐBQH thì Phó Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND. Với các Ban HĐND, mỗi Ban phải có 2 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Đặc biệt, rất mong muốn có 1 trưởng ban và phó trưởng ban hoạt động chuyên trách. Vì thực tế thời gian qua cho thấy, các Trưởng ban kiêm nhiệm không phải là không quan tâm và thiếu trách nhiệm, nhưng do còn rất nhiều việc khác và thời gian dành cho hoạt động đại biểu không được nhiều nên chưa thực sự phát huy được vai trò của mình.

Nhiệm kỳ 2016 - 2021 này, hoạt động của Thường trực HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương rất kịp thời, hiệu quả. Thường trực HĐND gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các trưởng ban và Chánh Văn phòng HĐND, việc ủy quyền cho Thường trực HĐND để giải quyết một số vấn đề cấp bách phát sinh giữa 2 kỳ họp hoàn hoàn có thể bảo đảm chất lượng cũng như tính đại diện và tính quyền lực. Vì vậy, như một số ĐBQH đã phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay, tôi mong rằng, QH tiếp tục quan tâm nghiên cứu và trong Luật quy định rõ việc ủy quyền cho Thường trực HĐND giải quyết một số vấn đề cấp thiết phát sinh giữa 2 kỳ họp. Nếu như không ủy quyền, Thường trực HĐND các cuộc họp hàng tháng chủ yếu là đánh giá hoạt động và những nội dung khác chứ không liên quan trực tiếp đến vấn đề về quốc tế, dân sinh tại địa phương, không tương xứng với vị trí cơ quan Thường trực HĐND và cơ cấu được mở rộng như hiện nay.

Một vấn đề nữa là về tên các kỳ họp của HĐND. Quan điểm của chúng tôi là bất kì nội dung gì HĐND tổ chức họp đều mang tính chuyên đề, dù là công tác nhân sự, dù là về phát triển kinh tế - xã hội đều là chuyên đề. Vì vậy, không sử dụng từ kỳ họp “bất thường”. Nên chăng, chỉ nên quy định HĐND tổ chức ít nhất 2 kỳ họp, còn lại là kỳ gì thì do Thường trực HĐND quyết định. Tôi đề nghị QH quan tâm, lưu ý vấn đề này.

Đối với việc sáp nhập các cơ quan tham mưu, giúp việc, theo quan điểm của chúng tôi, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, giữa cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương với Đoàn ĐBQH đều là cơ quan dân cử thì việc hợp nhất 2 văn phòng là Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND hoàn toàn hợp lí. Nếu sáp nhập thêm Văn phòng UBND thì rất khó trong việc tham mưu, trong công tác chỉ đạo điều hành. Chúng tôi mong muốn sẽ giao cho UBTVQH đánh giá cụ thể việc thí điểm sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND để thống nhất được mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc phù hợp với yêu cầu thực hiện, nhất là phát huy được nhiệm vụ tham mưu cho các hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

PHƯƠNG NHUNG thực hiện

Đ. CẢNH - P. NHUNG - T. TÂM thực hiện