Tản mạn

Ký ức nắng

- Chủ Nhật, 26/05/2019, 08:24 - Chia sẻ
Quê gì chỉ toàn chuyện nắng, chuyện mưa, chuyện bão. Một tuổi thơ lớn lên trong ngàn ngạt nắng...

Hà Nội, buổi trưa ngoài trời 40 độ. Thời tiết quá bất thường. Vừa qua một tuần tiết thu đổ bộ. Nay đổ lửa như giông. Con trai nhắn: “ Chỉ số tia UV đang là 8, nắng như này ra đường dễ ung thư da, mẹ đừng đi đâu nhé...”. Xuống cổng cơ quan định đi ăn trưa mà như muốn ngất. Quả là khủng khiếp! Nóng gì như rang rút thịt da. Ngàn ngạt, khô khốc. 

Ngồi bần thần một lúc. Nghĩ nắng này không hiểu trẻ con, học sinh, sinh viên, rồi người lao động ngoài trời trụ sao nổi nhỉ? Không lẽ đến lúc cứ mùa này phải có kỳ nghỉ nắng, nghỉ nóng. Mà không nghỉ thì cũng chẳng làm được gì. Đi làm đi học cũng chỉ là đày ải. Rồi nghĩ đến nắng này về quê chắc dễ chịu hơn. Rồi tự dưng ào ạt ký ức về nắng.

Tại tôi lớn lên ở cái miền quê chảo lửa túi mưa mà! Quê gì chỉ toàn chuyện nắng, chuyện mưa, chuyện bão... Một tuổi thơ lớn lên trong ngàn ngạt nắng.

Nắng ở làng Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh), những sáng đi chợ Đồn mua hai chục cái kẹo bột về tới nhà kẹo đã chảy nhão nhoẹt. Cứ hôm nào nắng, cha bảo chị cả nấu nồi đỗ đen với mật mía (làm gì có đường) rồi cho chè vào chiếc bi đông màu xanh bộ đội, giòng dây dìm xuống đáy giếng, khuya thì kéo bi đông lên cả nhà được bữa chè mát lạnh. Nóng táp cháy giàn bí, chị em tôi lấy dao cắt ngang cuộng bí rồi cho nó chui vào cái cổ chai. Sau một đêm nước từ cây bí chảy đầy cái chai ấy, mang đi đường, ra đồng... làm nước giải khát. Những sáng hè cha tôi hay gọi người bán hến mua để nấu canh. Canh hến nấu rau bí, rau lang là món khoái khẩu, món “tủ” của cha tôi. Sau này ra phố thị, nỗi nhớ quê trong ông cồn cào về những trưa hè canh hến: “Trưa hè vọng một tiếng rao/ Nhớ canh hến Thượng nôn nao muốn về...”. 

Cũng những trưa hè ấy chị em tôi thường đi mót trên cánh đồng lúa có quốc lộ chạy ngang. Những xe cải tiến chất lúa thường rơi rớt những hạt nặng mẩy. Chúng tôi kì cạch chiếc chổi nhỏ xíu quét mót. Rồi sảy rồi sàng để nhón được nhúm lúa vàng hươm. Suốt những năm học sinh, hè nào tôi cũng về quê đi mót lúa, mót lạc. Những bao tải lúa mẹ tôi phải sàng sảy nhặt nhạnh sỏi đá rác rến mấy lần mới mang phơi phong rồi cất thùng kín để dần xay giã. Những bữa cơm bằng thứ lúa gạo ấy thường chúng tôi phải đãi kỹ, căng mắt nhặt những mảnh đen đen, em trai tôi thắc mắc sạn gì lạ thế. Chị tôi bảo phân trâu khô chứ cái gì, lúa gạo đi mót đi quét rơi vãi trên đường chỉ được vậy thôi! Tôi không thể quên những buổi trưa trên con đường quốc lộ nóng giẫy đoạn trước cổng bệnh viện huyện. Nắng sộc mùi nhựa đường hăng hắc. Có khi mặt như dội bỏng, mắt hoa đi vì nóng. 

Có những trưa tôi khát nước đến độ chỉ muốn múc luôn nước ở con mương nhỏ cạnh ruộng để uống nhưng nhìn con đỉa ngo ngoe tôi rùng mình. Chỉ tới khi về đến con mương lớn giữa làng, nước đang cuồn cuộn chảy từ phía đầu nguồn sông La cấp về thì tôi không thể kìm cơn khát. Nước sông khiến tôi đỡ sợ hơn. Tôi vục cái nón xuống kênh khua nhanh rồi múc nửa phần nón nước. Cứ thế tôi úp mặt vào nón mà húp. Nước trong veo, mát rượi. Sảng khoái tận ruột gan.

Một vùng quê chỉ toàn nỗi nhớ cánh đồng và mưa nắng.

Nhưng nhớ nhất vẫn là những mùa hè, những trận nắng thành Vinh tuổi học trò. Nắng oi nồng khản khốc. Nấu bữa cơm sưng vù mắt vì gió thổi tạt bếp khiến nồi cơm mãi không sôi. Nhà tập thể xây cho cơ quan làm việc, không có khu vực bếp. Tất cả các gia đình đều phải đứng nấu trong một cái nhà vệ sinh, mỗi gia đình một góc. Gió quàn quạt bụi tung. Tới bữa cơm, hai chị em tôi loay hoay nhễu nhượi người ra mới xong bữa cơm. Thường lo nhất là nồi cơm không chín, bởi gió tạt tứ bề, gió Lào như con ngựa bất kham, êm êm được vài phút lại rồ hực lên, bất định, ngỗ ngược. Khổ nhất là những hôm cha tôi có khách, ông thường rất thích món thịt bò bạc nhạc nấu kỹ để cùng mấy người bạn thơ nhâm nhi. Mà gió thế thì nào có món gì suôn sẻ. Em trai tôi thường huy động hết đồ dùng nọ kia rồi đứng dạng chân giữ đồ chắn gió, để tôi thao tác bếp. Bữa ăn đẫm mồ hôi.

Suốt cả mùa hè nắng, gió Lào và bụi quần thảo, truy đuổi nhau trên đường. Đêm nào cũng nóng hực, khó ngủ. Chị em tôi thường đi gánh nước về đổ đầy chum rồi dùng chậu xô, thậm chí là lót ni lông vào cái nong rồi đổ nước vào đẩy xuống gầm giường cho hạ nhiệt để ngủ. 

Tôi thích thức khuya ngồi hiên nhà nhìn xuống phố. Những chiếc xe ngựa chạy tiếng chân gõ rọc rọc trên mặt đường, thỉnh thoảng con ngựa mệt chùn chân chậm lại thì vang tiếng xì tắc của người chủ ngựa và tiếng roi quất nghe vun vút rất rõ trong đêm. Có lúc thương người chủ ngựa nhưng nghe tiếng roi lại thương con ngựa.

Mà cái tiếng vó ngựa ấy sao ám ảnh lạ kỳ. Mãi đến giờ, nhớ về thành Vinh là nhớ tiếng chân ngựa gõ nhịp trên đường, nhớ ánh đèn vàng trầm buồn heo hắt trên phố Quang Trung những năm 80, cuối phố ấy có một công viên nhỏ chẳng hiểu sao được gọi là “tam giác quỷ”, nghe sợ đến nỗi đi qua không dám nhìn vào.

Sau những mùa hè miền Trung đổ lửa, chúng tôi lên đường ra Hà Nội nhập học. Mỗi đứa một trường và nếm trải những trận nắng Hà thành êm dịu mà nhức nhối...

Thanh Phong