Kỳ tích trong hành trình điện khí hóa nông thôn

- Thứ Năm, 07/11/2019, 23:46 - Chia sẻ
Hành trình điện khí hóa nông thôn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được không ít chuyên gia quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao như một câu chuyện thành công trên toàn cầu về phát triển ngành năng lượng trong một vài thập kỷ vừa qua. Cùng với đó, nhờ sự đổi mới trong tư duy phục vụ và sự hỗ trợ của công nghệ của EVN, người dân có thể tiếp cận và sử dụng những dịch vụ điện theo cách thuận tiện nhất, minh bạch nhất, với chất lượng tốt nhất.

100% số xã có điện

TheoBáo cáo của EVN, hiện nay, mức độ phủ điện của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực. EVN đã cấp điện đến 100% số xã, trong đó có 8.072/8.902 xã (khoảng 90,7%) trên cả nước đạt tiêu chí số 4 về nông thôn mới, tăng gần 46% so với năm 2010. Số hộ dân có điện sử dụng điện tăng từ 97,31% tương ứng 19 triệu hộ năm 2010 lên 99,47% tương ứng 27,41 triệu hộ tính đến tháng 6.2019. Trong đó, số hộ dân nông thôn có điện sử dụng tăng từ 96,29% tương ứng 13,26 triệu hộ năm 2010 lên 99,18% tương ứng 16,98 triệu hộ tính đến tháng 6.2019.

Đơn cử như tại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, từ cuối năm 2017, điện đã về tới các thôn bản của xã. Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai Tần Láo Tả cho biết, từ khi có điện lưới quốc gia, đời sống của hơn 600 hộ dân sinh sống với hơn 2.500 nhân khẩu là người dân tộc Dao đã từng bước được nâng cao.

“Điện về không chỉ mang theo ánh sáng văn hóa, các thông tin thời sự được cập nhật tốt hơn, mà người dân có thể thay đổi tập quán sản xuất.Nhiều bà con xã Phìn Ngan đã thực sự thoát nghèo, hiện nay trên địa bàn cũngcó nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, xay xát, sản xuất gạch không nung được hưởng lợi từ điện, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân” - ông Tần Láo Tả chia sẻ.

Không chỉ về với núi mà điệncòn vượt sóng, vươn xa ra hải đảo. Bắt đầu từ đảo Cát Hải (Hải Phòng) vào năm 1991, hành trình vượt sóng đưa điện ra đảo của EVN đã đến với các huyện đảo như Cô Tô (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang), huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa)... Đến nay, 11/12 huyện đảo, 100% số xã đảo trên toàn quốc đã có điện, người dân trên đảo đã được cấp điện 24/24h và được hưởng giá điện thống nhất trên toàn quốc.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, việc đầu tư phát triển điện khí hóa nông thôn trong 10 năm qua đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện về vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Trước đây, ở nhiều vùng nông thôn hệ thống lưới điện ở tình trạng xập xệ cột tre, cột gỗ, dây dẫn nhỏ, chắp vá, nay sau khi được ngành điện tiếp nhận và đầu tư cải tạo nâng cấp, lưới điện đã được chỉnh trang, các hộ dân được cung cấp điện ổn định và an toàn.

“Từ chương trình hiện đại hóa lưới điện nông thôn, nguồn điện ổn định, chất lượng, an toàn, người dân nông thôn có điều kiện áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, thúc đẩy sản xuất phát triển, đồng thời mở rộng ngành nghề kinh doanh dịch vụ, tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới” - ông Lâm cho hay.


Tính đến tháng 6.2019 đã có 16,98 triệu hộdân nông thôn có điện sử dụng - Nguồn: ITN

Điện khí hóa nông thôn thành công

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, điện khí hóa nông thôn của Việt Nam là một kỳ tích. Tỷ lệ tiếp cận điện của Việt Nam đã tăng từ 14% vào năm 1993 lên tới hơn 99% vào năm 2018. Trong vòng 25 năm, đã có thêm hơn 14 triệu hộ gia đình hay 60 triệu người dân đã được hoà lưới điện quốc gia. “Việt Nam là một câu chuyện thành công trên toàn cầu về phát triển ngành năng lượng trong một vài thập kỷ vừa qua” - ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Một trong những yếu tố góp phần làm nên kỳ tích trong hành trình điện khí hóa nông thôn là thời gian qua EVN đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ điện, dịch vụ khách hàng, với tiêu chí Điện lực đến với khách hàng, Khách hàng là trung tâm mọi hoạt động. Trưởng ban Kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng cho biết, chính nhờ sự đổi mới trong tư duy phục vụ và sự hỗ trợ của công nghệ, người dân ở nông thôn hay thành thị, đều có thể tiếp cận và sử dụng những dịch vụ điện của EVN theo cách thuận tiện nhất, minh bạch nhất, với chất lượng tốt nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc điện khí hoá nông thôn không phải điều dễ dàng, mà đây luôn là vấn đề có nhiều thách thức đối với EVN. Trưởng ban Quản lý đầu tư EVN Lê Thành Chung cho biết, tại nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới bà con sống thưa thớt, có dự án kéo điện cả chục km chỉ cho vài chục hộ sử dụng, hoá đơn tiền điện/hộ gia đình nhiều khi chưa tới 20.000 đồng, nên việc cân đối hiệu quả kinh tế với ngành điện rất khó khăn.

Song, ông Chung cũngnhấn mạnh, EVN luôn xác định điện là yếu tố không thể thiếu để phát triển các cơ sở hạ tầng, gắn kết với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng. Có điện đã mang đến sự thay đổi toàn diện bộ mặt của các vùng trong phát triển kinh tế - xã hội. Những hiệu quả xã hội này không thể đo đếm đơn thuần bằng tiền. Do đó, những năm qua, EVN luôn đặt mục tiêu an sinh xã hội lên trên lợi ích doanh nghiệp, nỗ lực vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhật Phương