Chính sách nông nghiệp của Israel

Kỳ tích trên hoang mạc

- Chủ Nhật, 28/07/2019, 09:02 - Chia sẻ
Israel là một nước nhỏ ở Trung Đông có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, nhưng đã vươn mình lên trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh.

Israel, một đất nước Do Thái nhỏ bé, có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, 70% diện tích lãnh thổ là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc, khí hậu cực kỳ khô hạn; một đất nước không hề có “rừng vàng, biển bạc” nhưng lại có một nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới. Một đất nước có diện tích rất nhỏ, trên 20.000km2, nhưng lại được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước. Chỉ có 1,7% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu trên dưới 3,5 tỷ USD nông sản, là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Một trong những “nghịch lý kỳ diệu” nhất ở Israel nằm ở thung lũng Arava. Địa danh khá lạ tai đối với khách du lịch, nhưng lại là cái tên rất tự hào của mọi người dân Israel vì tại đây, phép màu đã làm nở hoa giữa sa mạc - những phép màu thực sự của khoa học công nghệ. Là phần khô hạn nhất của hoang mạc Negev, thung lũng Arava trải dài từ phía Nam của Biển Chết đến vịnh Eliat. Lượng mưa bình quân của khu vực này chỉ từ 20-50 mm mỗi năm. Nhiệt độ mùa hè bình quân lên tới 40 độ C và ban đêm là 25 độ C. Nhiệt độ mùa đông ban ngày là 21 độ và ban đêm chỉ từ 3-8 độ C. Độ ẩm cực thấp và sự chênh lệch nhiệt độ khiến đá cũng phải vỡ vụn và khắp hoang mạc phủ một lớp đá vụn và cát đặc thù sa mạc. Arava là một trong những vùng đất khô cằn nhất thế giới. Thế nhưng, ở đây đã có một vườn địa đàng thực sự. Thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng có đến 90% dân số tại Arava là những người làm nông nghiệp. Trải dài khắp thung lũng là những cánh đồng ô liu, cam, lựu, vải thiều, nho, chuối… xanh tươi mơn mởn, những khu nhà kính ngập tràn hoa, rau sạch, cà chua bi, cà chua nhót, dưa chuột, cà tím… Tất cả đều được áp dụng công nghệ hiện đại nhất để bảo đảm chất lượng tốt nhất cho sản phẩm.

Không chỉ sản xuất lương thực cho riêng mình, người nông dân Arava còn đem sản phẩm của mình xuất khẩu ra khắp thế giới. Không thể ngờ rằng, một trong những nơi khô cằn nhất thế giới lại chiếm tới trên 60% tổng sản lượng rau và 10% tổng sản lượng hoa xuất khẩu của Israel.

Điều gì đã giúp cho đất nước này tạo nên một kỳ tích như vậy?

Trong một lần phỏng vấn và được đặt câu hỏi như vậy, ông Ali Yhia - một quan chức của Bộ Ngoại giao Israel cho biết: “Bí quyết để Israel phát triển là trí tuệ cộng với sự đoàn kết. Israel thật sự coi trọng đầu tư phát triển giáo dục đào tạo và phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ”.

Trong phát triển nông nghiệp, Israel đã xây dựng các chính sách đồng bộ, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với triển khai ứng dụng thực tế. Từ cấp lãnh đạo đến doanh nghiệp đều có tầm nhìn và tư duy chiến lược toàn cầu. Ngay cả các chủ trang trại đôi khi cũng chính là các nhà khoa học.

Đặc biệt, ngay từ khi lập quốc, Israel đã xác định nước là tài nguyên quý hiếm và đầu tư rất nhiều cho công nghệ này, để giờ đây quốc gia sa mạc sở hữu những công nghệ về nước tiên tiến nhất thế giới, làm được những điều tưởng chừng không thể như làm mưa giữa sa mạc, tạo nước ngầm nhân tạo hay biến nước biển thành nước ngọt.

Quỳnh Vũ