Dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

Kỹ lưỡng, thận trọng với cơ chế, chính sách đặc thù

- Chủ Nhật, 24/05/2020, 07:19 - Chia sẻ
Thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng tại phiên họp sáng qua, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này. Song, với tầm nhìn dài hơi và tổng thể hơn, nhiều ý kiến cho rằng, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền địa phương hiện nay như “mặc chung một cỡ áo, đội chung một kiểu mũ”. Vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng các cơ chế, chính sách đặc thù, tránh theo lối mòn, hoặc dễ nảy sinh “hội chứng đặc thù”.

Tránh đi theo lối mòn

Cơ bản tán thành với với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Song, điều mà nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) còn băn khoăn là những cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Đà Nẵng thể hiện trong dự thảo chưa đủ rõ ràng, mạnh mẽ. Quan tâm đến tính thực chất của cơ chế, chính sách đặc thù, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, các quy định riêng rẽ về các thành phố được áp dụng đều có tên gọi là cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, theo suy nghĩ cá nhân của đại biểu thì đó “không phải là đặc thù, không thể là đặc thù” khi cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều căn bản có những chính sách tương tự giống nhau. Đặc thù, đó là phải dựa trên những sự khác biệt về vai trò, vị trí, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và vị trí địa lý để có những chính sách tương thích, phù hợp. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nhận thấy trong lĩnh vực tài chính - ngân sách chỉ xoay quanh một số vấn đề cơ bản như: mức huy động vốn vay nước ngoài; tỷ lệ điều tiết ngân sách; tỷ lệ bổ sung có mục tiêu; phí, lệ phí; điều chỉnh quy hoạch và một vài chính sách khác. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có sự rà soát để dựa trên những thế mạnh của từng thành phố, đưa ra những quy định đặc thù, tránh áp dụng theo lối mòn, công thức. Như vậy thì sẽ mất đi ý nghĩa của “cái gọi là đặc thù”.


Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) Ảnh: Lâm Hiển

Nêu quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, điều chúng ta muốn khi ban hành Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số thành phố là hiệu quả thực chất của chính quyền đô thị. Trong mấy chục năm qua, một điểm nổi lên trong xây dựng mô hình chính quyền địa phương là mặc chung một cỡ áo và đội chung một kiểu mũ. “Đã đến lúc chúng ta phải xem lại, vì quản lý nhà nước có những điểm phải bảo đảm thống nhất, như luật pháp hay những vấn đề mang tính chất chủ quyền quốc gia, lợi ích quốc gia, đặc biệt hệ thống luật pháp phải thống nhất; còn lại, những yếu tố khác phải căn cứ vào đối tượng quản lý… Chúng ta thí điểm xong rồi công tác tổng kết không đầy đủ, cuối cùng phải tái lập lại tất cả mọi thứ. Hiện nay, chúng ta quay trở lại nhận thức rằng Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Chí Minh chắc phải làm lại lần nữa mô hình này”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Liệu có nảy sinh hội chứng “xin cơ chế đặc thù”?

Hiện nay, chúng ta có 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã được áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ cũng cần xây dựng những chính sách đặc thù phù hợp, bảo đảm hài hòa, tương đương giữa các thành phố. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể của các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này, ĐB Vũ Thị Lưu Mai còn nhận thấy có điểm bất hợp lý là “sự đa dạng về chủng loại, nhiều về số lượng và được ban hành rải rác tại các thời điểm khác nhau”. 

Cùng là một vấn đề nhưng đối với Hà Nội thì có luật và tới đây sẽ có nghị quyết. Đối với TP Hồ Chí Minh đang áp dụng nghị quyết thí điểm. Đối với Hải Phòng, Cần Thơ thì có nghị định. Đối với Đà Nẵng hiện đang có nghị định, tới đây nếu được thông qua sẽ có nghị quyết. Điều này cho thấy sự thiếu thống nhất về thể thức văn bản và sẽ gây vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Đại biểu cho rằng, tình trạng này không nên kéo dài. Tại thời điểm trước mắt, chúng ta có thể ban hành một vài nghị quyết để áp dụng thí điểm. Tuy nhiên, xét về lâu dài cần rà soát, tổng kết, đánh giá, pháp điển hóa và quy định tại một đạo luật chung. Tất nhiên, chúng ta sẽ có những chương, mục tương thích với từng thành phố nhưng cần có cơ sở pháp lý ổn định để áp dụng, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Đã gọi là thí điểm có nghĩa thực hiện những cơ chế, chính sách mới mà luật chưa quy định và khác với luật hiện hành. Chỉ ra điều này, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng, phạm vi thí điểm chỉ hẹp và tiêu biểu, đặc trưng rồi sau thí điểm cần tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình nếu có hiệu quả. Thế nhưng, với 5 thành phố trực thuộc trung ương hiện nay, tại sao chúng ta không xây dựng một luật chính quyền đô thị hay luật thành phố trực thuộc trung ương? Chúng ta đã có Luật Thủ đô. Vậy tiến tới còn đặc thù ở các tỉnh thành khác, nếu người ta cũng nghĩ ra đặc thù để đề xuất (?). ĐB Tạ Văn Hạ cho rằng, “nếu Chính phủ không có đề án hay chủ trương cụ thể với mô hình thí điểm này mà cứ để mạnh ai nấy xin, sợ rằng sẽ dẫn đến hội chứng xin cơ chế đặc thù”.

Tại sao thành phố Đà Nẵng lại phải xin cơ chế đặc thù khác với Luật Quy hoạch vừa được ban hành? Chúng ta phải xem xét lại, phải chăng những điều khoản luật này chỉ có Đà Nẵng vướng mắc? Hay nếu điều khoản này mà được tháo gỡ, nó sẽ tốt cho tất cả tỉnh, thành khác trên cả nước? Tại sao chúng ta không xem xét để điều chỉnh, sửa những điều khoản này? Đưa ra những câu hỏi này, ĐB Tạ Văn Hạ phân tích: Luật Quy hoạch vừa ban hành lại phải xin một cơ chế đặc thù khác với điều vừa mới ban hành, rồi Luật Ngân sách nhà nước cũng vậy. “Với cách làm như hiện nay là ban hành nghị quyết để điều chỉnh, sửa lại điều luật, mà về quy trình thì sửa luật khác với xây dựng nghị quyết. Nếu cứ lạm dụng chuyện này, tôi nghĩ rằng chúng ta phải xem lại quy trình hay cách làm ban hành các nghị quyết về các cơ chế đặc thù”, ĐB Tạ Văn Hạ thẳng thắn.

Còn theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), thực tiễn cho thấy việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị chung hiện nay đã bộc lộ một số những hạn chế nhất định. Việc thiết kế cùng một cơ cấu tổ chức và cơ chế, chính sách chung cho chính quyền địa phương mà chưa phân định rõ sự khác biệt giữa địa bàn nông thôn và đô thị đã khiến cho việc chế định một khung pháp lý không có nhiều sự khác biệt giữa chính quyền hai khu vực này, dẫn đến sự bất cập trong công tác quản lý, điều hành. Từ thực tiễn đó, đại biểu cho rằng, cần có những nghiên cứu, thử nghiệm mô hình chính quyền và hệ thống cơ chế, chính sách mới để giúp các đô thị “rộng đường” phát triển. 

Mấy năm qua, việc Quốc hội ban hành nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh và nghị quyết về thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội cũng cho thấy đây thực sự là một đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn. Tuy nhiên, các mô hình thí điểm đối với những địa phương này cần được nghiên cứu chủ động, bài bản và đặt trong một kế hoạch tổng thể gắn với một giai đoạn nhất định, để có thực tiễn xây dựng mô hình chính quyền đô thị và những cơ chế, chính sách đặc thù chung cho các thành phố. 

“Tôn trọng tính đặc thù để tạo sự linh hoạt trong cơ chế quản lý, điều hành là điều rất cần, nhưng cũng cần tránh tình trạng một số địa phương sẽ tiếp tục đề xuất Quốc hội ban hành các nghị quyết đặc thù. Điều này có thể sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành trong hệ thống bộ máy chính quyền”, Với quan điểm như vậy, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, đặt nghị quyết này trong mối quan hệ với các nghị quyết dành cho thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội vừa qua, từ đó có thể đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, để các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm như quy định tại điểm e, khoản 2, điều 14 dự thảo nghị quyết này...

Nhật An