Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIII

- Thứ Hai, 05/11/2012, 20:33 - Chia sẻ
* Dự án Luật Thủ đô: Đã xác định rõ ràng hơn, xác đáng hơn tính chất đặc thù của Thủ đô * Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân: Mức giảm trừ gia cảnh đã thể hiện tư tưởng khoan sức dân của Nhà nước * Dự án Luật Hòa giải ở cơ sở: Cần chú ý đến mục tiêu không ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của công dân

Sáng 5.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô.

Đa số ĐBQH tán thành với sự cần thiết phải ban hành dự án Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Với vị trí, vai trò của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia thì việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là trách nhiệm chung của các cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội và nhân dân cả nước. Theo ĐB Đào Trọng Thi (Hà Nội), dự án Luật trình QH lần này đã xác định rõ ràng hơn, xác đáng hơn tính chất đặc thù của Thủ đô và các chính sách, cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô. Chính sách đặc thù của Thủ đô không phải là thành phố trực thuộc Trung ương, một đô thị đặc biệt hay là một trung tâm văn hóa, khoa học, kinh tế lớn của cả nước, mà là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia của cả nước. Đây là nơi tập trung các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, của các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; đồng thời cũng là nơi có các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện của nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Tất cả đều là những đặc điểm riêng chỉ Thủ đô mới có và xứng đáng được xác định là đặc thù của Thủ đô. Cùng quan điểm, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, dự án Luật Thủ đô quy định đặc thù Thủ đô, việc xây dựng, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển ngày càng văn minh, hiện đại là cần thiết. Song để có thể khai thác tiềm năng, phát triển Thủ đô thì cần quy định cho Thủ đô một số cơ chế, chính sách phù hợp, như cơ chế chính sách đặc thù về dân cư, quy hoạch và xử phạt hành chính. Cụ thể, về chính sách đặc thù trong quản lý dân cư, khoản 4, Điều 19 quy định các giải pháp hạn chế việc tăng cơ học số dân nhập cư vào các quận nội thành. ĐB Lê Nam nhất trí với với sự cần thiết phải hạn chế nhập cư vào nội thành. Theo ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội), hạn chế việc tăng cơ học số dân nhập cư vào nội thành là biện pháp hành chính trước mắt để siết chặt điều kiện nhập cư vào các quận nội thành của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay. Thực tế sau 5 năm ban hành Luật Cư trú, số người ở các tỉnh, thành phố khác chuyển về Hà Nội làm ăn sinh sống tăng nhanh, tính đến tháng 3.2012 toàn thành phố có 1.805.335 hộ, với 7,1 triệu nhân khẩu, trong đó số dân tạm trú là hơn 900.000 người, mật độ dân cư không đều, có sự chênh lệch lớn giữa các quận nội thành và ngoại thành. Với tốc độ tăng dân số như đã nêu, sẽ gây khó khăn cho chính quyền thành phố trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như cấp điện, cấp nước, thoát nước, trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa; đầu tư cho giao thông đô thị, quản lý vệ sinh môi trường sẽ chậm hơn. Bên cạnh đó, sự quá tải trong quản lý dân cư sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân, các dịch vụ của người dân sẽ phải trả chi phí cao hơn, gây áp lực lớn hơn cho chính quyền quản lý...

 Buổi chiều, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; dự án Luật Hòa giải ở cơ sở.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, các ĐBQH cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phạm vi sửa đổi, bổ sung chỉ nên tập trung vào những vấn đề thực sự bức xúc, không phù hợp với thực tiễn và một số vấn đề mới nảy sinh cần phải điều chỉnh. Đặc biệt là, các vấn đề về mức giảm trừ gia cảnh, phạm vi đối tượng chịu thuế, kỳ tính thuế và quyết toán thuế. Các ĐBQH đồng ý với đề xuất mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng. Quy định này thể hiện tư tưởng khoan sức dân của Nhà nước. Về các thu nhập chịu thuế, nhiều ĐBQH cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định cụ thể tài sản gắn liền với đất đai sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng gồm nhà ở, công trình có giá trị cao và các công trình gắn liền với đất ở. Bởi nếu quy định mọi tài sản gắn liền với đất thì sẽ gây hiểu nhầm là tính thuế thu nhập cá nhân với cả các loại nông sản được trồng trên đất. Quy định này sẽ khiến hạn chế tích tụ ruộng đất, chuyển từ canh tác nhỏ lẻ sang canh tác quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất – là xu hướng sản xuất nông nghiệp đang được Nhà nước khuyến khích phát triển. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) đề nghị, cần bổ sung thu nhập từ cho thuê quyền sở hữu nhà ở, đất ở hoặc bất động sản có giá trị lớn vào các thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải ở cơ sở, ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) cho rằng, việc quy định hòa giải được tiến hành đối với các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ ở cơ sở là rất khó xác định sẽ được thực hiện hay không được thực hiện. Thực tế, có những tranh chấp lớn, song do đôi bên tranh chấp đều có trình độ nhận thức, hiểu biết, tâm lý ổn định, nên lại thành dễ giải quyết. Nhưng ngược lại, do nhận thức, trình độ, tâm lý của hai bên hạn chế, nên tranh chấp nhỏ có thể trở thành mâu thuẫn sâu sắc, khó giải quyết. ĐB Trịnh Thị Thanh Bình đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần có quy định mềm dẻo hơn, thay cho quy định mang tính chất định tính như dự thảo Luật. Các ĐBQH cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần tiếp tục rà soát thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đưa quy định hợp lý về giá trị pháp lý của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Bởi hoạt động này ngoài mục đích để giảm thiểu tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng, thì cũng cần chú ý đến mục tiêu không ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của công dân. Thực tế, có những tổ hòa giải giữ đơn không để cá nhân khởi kiện quá lâu, khiến người khởi kiện bị mất chứng cứ, hoặc quá thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật. Như vậy, thì hòa giải ở cơ sở đã chuyển từ việc tốt sang việc xấu. Từ thực tế một số vụ án sử dụng biên bản hòa giải như một chứng cứ khi tranh tụng tại tòa, một số ý kiến cho rằng, khi quy định về giá trị pháp lý của biên bản hòa giải cần tính hết các tình huống có thể gây bất lợi cho đương sự trong các vụ án. Trong khi đó, biên bản ghi hòa giải cơ sở hiện chưa có văn bản hướng dẫn về thể thức, hình thức soạn thảo, nội dung... 

P. Thủy - H. Ngọc