Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIII

- Thứ Sáu, 02/11/2012, 20:43 - Chia sẻ
* Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, về công tác thi hành án: QH cần ban hành Nghị quyết về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm * Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012: Khi trách nhiệm của từng vị trí công tác rõ thì sẽ nhanh chóng phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng * Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Nếu không công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cư trú thì nhân dân, MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ tham gia phòng, chống tham nhũng bằng cách nào?

Ngày 2.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng năm 2012.

Đánh giá về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, Báo cáo của Chính phủ cho rằng, tội phạm gia tăng trong năm 2012, cũng như trong những năm gần đây chủ yếu do tình hình kinh tế - xã hội khó khăn. Chưa đồng tình với nhận định này, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội chỉ là điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật. Tội phạm nằm trong thể chế bắt nguồn từ thể chế và do quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém là chính. Dù vậy, nhiều ĐBQH tán thành với đề nghị của Chính phủ và các cơ quan tư pháp về việc tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Từ thực tế tiến độ giải quyết nhiều vụ án còn chậm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm, các ĐB Nguyễn Văn Pha (Nam Định), Bùi Trí Dũng (An Giang), Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) đề nghị, Tòa án nhân dân tối cao cần tích cực có các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các loại án, hạn chế việc áp dụng án treo đối với các tội phạm về tham nhũng. Bộ Tư pháp cần có những giải pháp cụ thể để tạo chuyển biến rõ rệt trong việc giải quyết án tồn đọng, nhất là đối với các vụ việc có điều kiện thi hành; nâng cao hiệu quả thi hành án treo, cải tạo không giam giữ. ĐB Nguyễn Sỹ Hội đề nghị, QH cần ban hành Nghị quyết về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Ủy ban Tư pháp chủ trì phối hợp với Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan soạn thảo Nghị quyết để trình QH thông qua tại Kỳ họp thứ Tư này.

Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều ĐBQH nhấn mạnh, việc xác định trách nhiệm cụ thể của cơ quan, cá nhân khi phát hiện tham nhũng, lãng phí hiện đang khó thực hiện. Nguyên nhân do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm của từng cấp quản lý, từng vị trí công tác; mối quan hệ giữa các cấp, giữa lãnh đạo với nhân viên... Luật Công chức, Luật Viên chức và Luật Tổ chức của Chính phủ, Luật Tổ chức HĐND và UBND chưa xác định rõ trách nhiệm của từng vị trí công tác. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đề nghị, bên cạnh việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ cần sớm triển khai rà soát thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm thế giới để xây dựng Luật Công vụ, từ đó giúp phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng nhanh chóng và chính xác.

Buổi chiều, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Các ĐBQH cơ bản đồng tình với phạm vi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành chỉ với những vấn đề đã thấy rõ từ thực tiễn, chưa triển khai sửa đổi toàn diện, căn cơ. Bởi nhiều vấn đề từ luật hiện hành cần có thời gian nghiên cứu, rà soát kỹ càng mới đưa ra phương án khắc phục, trong khi đó, nhiều quyết định Nghị quyết của Hội nghị lần thứ Năm Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI nếu không được kịp thời thể chế hóa trong luật pháp, chính sách sẽ khó triển khai. Đặc biệt là, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ Năm đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư làm Trưởng ban. Do đó, Luật Phòng, chống tham nhũng cần sớm được sửa đổi để tránh tình trạng tồn tại hai cơ quan Trung ương chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng.

Về vấn đề kê khai, công khai tài sản, thu nhập, các ĐBQH nhất trí cho rằng, kê khai, công khai tài sản, thu nhập mới đáp ứng được phần nào yêu cầu ngăn ngừa tham nhũng. Nhân tố có vai trò then chốt trong thực hiện nhiệm vụ này phải là kiểm soát thu nhập của những cá nhân có điều kiện để tham nhũng. Do đó, về lâu dài Nhà nước phải sớm có kế hoạch, phương án cụ thể trong việc ban hành các văn bản pháp luật để kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội. Có như vậy mới bảo đảm cho việc kê khai tài sản, thu nhập thực sự phát huy được tác dụng trong việc phòng ngừa cũng như phát hiện tham nhũng. Song, trong điều kiện hiện nay thì sẽ chỉ thực hiện được kê khai, công khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên. Do đó, nhiều ý kiến đồng tình với quy định về đối tượng phải thực hiện kê khai tài sản, thu nhập tại dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tuy nhiên, các ĐBQH có quan điểm khác nhau về địa bàn công khai kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân có quyền hạn, chức vụ, cán bộ, công chức, viên chức. Theo ĐB Lương Văn Thành (Hải Phòng), chưa nên công khai tại địa bàn cư trú thường xuyên, vì nếu không có mối quan hệ công tác thì người dân tại nơi cư trú chỉ thuần túy căn cứ vào bản kê khai tài sản, thu nhập để giám sát, phát hiện ra việc kê khai không trung thực, phát hiện tham nhũng hay không. Quy định này của dự thảo Luật sẽ không phát huy được hiệu quả nếu như Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội. Có quan điểm ngược lại, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nêu câu hỏi: nếu không công khai kê khai, thu nhập tại nơi cư trú thì người dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ tham gia phòng, chống tham nhũng bằng cách nào? Quy định này có phù hợp với quyền và trách nhiệm của người dân, MTTQ và các tổ chức thành viên được quy định tại Điều 6, Điều 8 dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) không? Để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định trong dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Ngọc Thanh (Hà Nội) cho rằng, bản kê khai tài sản, thu nhập có thể không công khai tại nơi cư trú thường xuyên, nhưng cần được cơ quan làm việc của các cá nhân có trách nhiệm phải kê khai thông báo bằng văn bản đến chi bộ Đảng khu dân cư, Ban công tác MTTQ tại địa bàn đó. Mặt khác, công nghệ thông tin hiện đang được áp dụng tại các cơ quan, đơn vị quản lý nên cần nghiên cứu quy định, đưa bản kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân có quyền hạn, chức vụ, cán bộ, công chức, viên chức.