Triết lý giáo dục Nhật Bản và gợi ý cho Việt Nam

Kỳ cuối: Không thể né tránh vấn đề cốt tử

- Thứ Ba, 20/11/2018, 10:09 - Chia sẻ
Nhìn từ Nhật Bản, có lẽ chúng ta cũng sẽ nhận ra nhu cầu cần tranh luận để tiến tới đồng thuận và luật hóa triết lý giáo dục. Giáo dục sẽ không thể thoát ra khỏi mớ bòng bong như hiện tại khi các cơ quan có trách nhiệm né tránh vấn đề cốt tử và đầu tiên của giáo dục là “triết lý giáo dục”.

>> Kỳ 1: Xã hội tương lai và con người mơ ước

Triết lý giáo dục quy định trong Luật Giáo dục cơ bản hiện hành (Luật này ban hành lần đầu năm 1947 và sửa đổi năm 2006) đã trở thành căn cứ để các tổ chức, trường học ở Nhật Bản xây dựng triết lý giáo dục riêng của mình. Những triết lý đó rất phong phú, cụ thể, nhưng không được phép mâu thuẫn với triết lý giáo dục đã được luật hóa. Trong các bộ luật khác liên quan đến giáo dục, những điều khoản đầu tiên đều nhắc đến hoặc tóm tắt lại triết lý này. Trong văn bản có tên “Hướng dẫn học tập” - văn bản chỉ đạo chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ của Nhật Bản, các điều luật liên quan đến triết lý giáo dục của Luật Giáo dục cơ bản, Luật Giáo dục trường học được trích dẫn và đưa vào phần đầu văn bản như là một sự nhắc nhở đối với tất cả những người làm giáo dục. Chính vì vậy mà trong 70 năm qua, ở nước Nhật, giáo dục cũng luôn là tâm điểm tranh luận nhưng người ta không đặt ra vấn đề thay đổi triết lý giáo dục đã được luât hóa này. Có lẽ tính khái quát và hướng đến các giá trị phổ quát, vĩnh hằng của nó đã thỏa mãn được nhu cầu đa dạng của người Nhật về giáo dục.


Nguồn: ITN

Ở Việt Nam, câu chuyện về triết lý giáo dục đã từng được xới lên từ những năm 2005 - 2006, nhưng trên thực tế, vẫn thiếu những công trình chuyên khảo, chuyên luận và những cuộc tranh luận học thuật nghiêm túc trong không gian thích hợp về vấn đề này. Cải cách giáo dục vẫn được tiến hành; chương trình, sách giáo khoa vẫn được thay đổi, trong khi tranh luận về triết lý giáo dục chưa ngã ngũ, bản thân triết lý giáo dục không được luật hóa là một thực tế tiềm ẩn nhiều rủi ro bất lợi cho cải cách. Vậy chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề như thế nào?

Tôi cho rằng triết lý giáo dục, cho dù có được phát biểu tường minh bằng thuật ngữ trong các bộ luật về giáo dục hay không đều có ảnh hưởng, tác động to lớn đến toàn bộ nền giáo dục và cả sự phát triển của xã hội. Giáo dục là hoạt động có tính mục đích, tư tưởng rất cao, nên ngay cả khi con người chưa ý thức được sự cần thiết phải minh định “triết lý giáo dục” bằng văn bản thì trên thực tế trong quá trình phác thảo nội dung, chương trình, kế hoạch giáo dục và thực thi các hành vi, hoạt động giáo dục trong thực tiễn, cho dù đơn lẻ hay hệ thống, con người trên khắp thế giới đã thể hiện triết lý giáo dục và bị dẫn dắt bởi triết lý ấy. Triết lý đó chi phối toàn bộ những người làm giáo dục và các hoạt động giáo dục.

Nhìn từ Nhật Bản, có lẽ chúng ta cũng sẽ nhận ra nhu cầu cần tranh luận để tiến tới đồng thuận và luật hóa triết lý giáo dục. Giáo dục sẽ không thể thoát ra khỏi mớ bòng bong như hiện tại khi các cơ quan có trách nhiệm né tránh vấn đề cốt tử và đầu tiên của giáo dục là “triết lý giáo dục”. Nếu sai lầm hay lúng túng ngay từ khi định ra đích đến ban đầu, cho dù chúng ta nỗ lực đến đâu cũng sẽ không có kết quả hoặc sẽ rơi vào trạng thái hoang mang. Triết lý giáo dục sẽ là thứ đầu tiên và quan trọng nhất mang lại sự hấp dẫn của nền giáo dục và năng lượng cho toàn nhân dân, thu hút toàn dân vào sự nghiệp giáo dục.

Sự vắng mặt của thuật ngữ “triết lý giáo dục” trong các bộ luật về giáo dục, các văn bản quan trọng như “Chương trình phổ thông tổng thể” song hành với những lời biện giải rằng chúng ta đã có triết lý giáo dục là một sự mâu thuẫn không có lợi cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam hiện đại.

Cuối cùng xin được dẫn ra đây phần giải thích thuật ngữ “triết lý giáo dục” của từ điển Britanica online (tiếng Nhật) để chúng ta tham khảo cách hiểu phổ thông nhất về triết lý giáo dục của người Nhật:

Triết lý giáo dục là hình dáng lý tưởng tận cùng cần đạt tới của giáo dục. Thứ thể hiện phương hướng cần phải hướng tới cái đó (triết lý giáo dục) là mục đích giáo dục và thứ thể hiện cụ thể hơn nữa là mục tiêu giáo dục. Triết lý giáo dục của Nhật Bản trước Chiến tranh thế giới thứ Hai được thể hiện bằng Sắc chỉ giáo dục. Tương phản với nó, Luật Giáo dục cơ bản (cũ) được thực thi năm 1947 là văn bản thể hiện triết lý giáo dục và các nguyên tắc cơ bản, đó là giáo dục biến việc thực hiện triết lý của Hiến pháp Nhật Bản thành có thể, nghĩa là nền giáo dục hướng tới việc giáo dục nên những con người biết tôn trọng sự tôn nghiêm của cá nhân, truy tìm chân lý và hòa bình. Trong Luật Giáo dục cơ bản (mới) năm 2006 nó có thêm những điểm mới với tư cách là giáo dục nhằm thực hiện lý tưởng làm phát triển hơn nữa quốc gia văn hóa và dân chủ được xây dựng nên bởi những nỗ lực không mệt mỏi, cống hiến cho sự nâng cao phúc lợi của nhân loại và hòa bình thế giới, giáo dục nên những con người tôn trọng tinh thần công cộng, có tính sáng tạo và tính người phong phú, hướng tới kế thừa truyền thống và sáng tạo ra văn hóa mới.

Nguyễn Quốc Vương