Kinh tế Việt Nam 2018 - vài nét vui, buồn

- Thứ Ba, 01/01/2019, 08:18 - Chia sẻ
Công bố của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội cho thấy, tăng trưởng GDP năm nay đạt 7,08%. Mức tăng trưởng này không ngoài mong muốn của Thủ tướng và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đóng góp vào tăng trưởng GDP cơ bản do khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp gần một nửa (49%) vào tăng trưởng GDP. Khu vực dịch vụ đóng góp khoảng 43%. Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ đóng góp khoảng 8%.

Như vậy nếu chỉ nhìn vào phần ngọn, tức là tăng trưởng GDP chung chung, người ta có thể mừng rỡ vì thành tích này. Nhưng nhìn vào mức độ đóng góp cho tăng trưởng, có thể một số người cảm thấy băn khoăn và không vui. Vì rằng nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo hầu như chỉ là sản xuất gia công và tăng trưởng nhờ vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (trực tiếp và gián tiếp). Sự phát triển của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được tính vào cho chỉ tiêu GDP và làm chỉ tiêu này tăng lên, đồng thời có thể làm tăng chỉ tiêu chi trả sở hữu thuần. Chi trả sở hữu thuần tăng có nghĩa là luồng tiền chảy ra nước ngoài tăng lên, từ đó làm cho tổng thu nhập quốc gia (GNI) giảm đi. Năm 2017, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài gần 11 tỷ USD, chiếm 5% GDP và tỷ lệ GNI so với GDP chỉ còn khoảng 95%. Nói cách khác, tuy GDP tăng trưởng nhưng nguồn lực của nền kinh tế lại yếu đi. Trong khi đó, giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản - mà về bản chất là thực chất nhất cho đất nước - thì ngày càng teo tóp hoặc cố tình làm cho teo tóp lại. Điều này đối với một số người là “điểm sáng” nhưng tôi cho là điểm tối của nền kinh tế.


Nhóm ngành dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng GDP cũng khá cao. Tuy nhiên những ngành tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng GDP bình quân của nền kinh tế lại là những ngành làm tăng lưu thông (thương mại và vận tải) và nhóm ngành ăn lương ngân sách một phần (y tế, văn hóa, giáo dục...). Ở đây có 2 vấn đề. Một là, việc tinh giản biên chế vẫn chỉ là khẩu hiệu và chi ngân sách vẫn tiếp tục phải chịu áp lực nuôi bộ máy khổng lồ. Điều này còn cho thấy tăng chi thường xuyên sẽ làm tăng GDP từ phía cầu nhưng nền kinh tế sẽ bất ổn hơn. Hai là, bảng cân đối liên ngành của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá trị tăng thêm của nhóm ngành làm tăng lưu thông trong GDP chiếm tỷ trọng cao (15%). Điều này phải chăng cho thấy hàng hóa đi lòng vòng trong nền kinh tế trước khi đến với người tiêu dùng cuối cùng? Đây cũng có thể là lý do khiến doanh nghiệp tư nhân dù thành lập mới nhiều hay ít, doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể nhiều hay ít, thì tỷ trong giá trị tăng thêm của khối doanh nghiệp tư nhân chỉ loanh quanh ở mức 8 - 9% GDP.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, việc mê cuồng với tăng trưởng GDP sẽ dẫn đến nợ nần và những bất ổn vĩ mô khác. Chẳng hạn khi đầu tư không hiệu quả, đầu tư dàn trải như xây những công trình mà lúc xong không để làm gì, xây cổng chào, tượng đài, đào đường lấp đường đều làm tăng GDP tại thời điểm đó. Chi thường xuyên lớn làm tăng GDP nhưng có thể dẫn tới nợ nần, nợ là do chi quá với tiềm năng của nền kinh tế.

Khi nói đến nợ, hầu hết người ta chỉ nói đến nợ công. Để xem xét thực chất tình trạng sức khỏe của kinh tế, cần nghiên cứu về nợ của cả nền kinh tế. Xét trong giai đoạn 2011 - 2016, tăng trưởng về nợ phải trả theo giá hiện hành đạt xấp xỉ 15% năm trong khi tăng trưởng bình quân về tổng giá trị gia tăng (GVA) của nền kinh tế theo giá hiện hành chỉ là 10,1% năm. Một điều rất đáng quan tâm trong cùng giai đoạn này là, nợ phải trả của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng rất cao (16,2%/năm), trong khi giá trị tăng thêm của khu vực này chỉ khoảng 9,5%/năm. Tương tự, khu vực doanh nghiệp Nhà nước nợ phải trả tăng xấp xỉ 15%/năm trong khi giá trị tăng thêm chỉ trên 10%/năm. Khu vực đầu tư nước ngoài tuy nợ phải trả cũng tăng rất cao (16,4%) nhưng giá trị tăng thêm cũng lên tới 14%/năm. Tuy nhiên, điều cần quan tâm ở đây là nợ phải trả của khu vực đầu tư nước ngoài là nợ ai? Nợ trong nước hay nợ nước ngoài? Bao nhiêu phần trăm nợ trong nước và bao nhiêu phần trăm nợ nước ngoài? 

GDP năm 2016 của Việt Nam theo niên giám thống kê khoảng 4,5 triệu tỷ đồng, ước tính đến năm 2016 nợ phải trả của toàn nền kinh tế khoảng 20 triệu tỷ đồng. Như vậy có thể thấy tình trạng nợ nần rất đáng lo không chỉ với doanh nghiệp nhà nước mà với cả doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nguyên nhân có thể do nạn tham nhũng vặt khiến khả năng tiết kiệm của khu vực này giảm sút và đó chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngoài nhà nước sử dụng vốn không hiệu quả. Nếu không nhìn thấy vấn đề này là rất nguy hiểm khiến các doanh nghiệp nội không thể lớn, và nếu chỉ nhìn vào tăng trưởng GDP cao hay thấp, to hay nhỏ để vui, buồn thì có thể khiến nền kinh tế phải trả giá đắt trong một ngày nào đó. Có những chỉ tiêu hết sức quan trọng, phản ánh sức khỏe của nền kinh tế tốt hơn GDP như GNI, chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài... Và chúng cần phải được các chuyên gia, phương tiện truyền thông và kể cả báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, đề cập đến.

TS. Bùi Trinh