Trò chuyện đầu tuần

Kinh tế, văn hóa và giáo dục luôn đi cùng nhau

- Thứ Hai, 03/08/2020, 07:56 - Chia sẻ
Ngày 30.7 vừa qua, Hội nghị “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPA - ECC) theo sáng kiến của Quốc hội Việt Nam trong năm làm Chủ tịch AIPA, đã được tổ chức thành công tại Hà Nội. Nhiều đại biểu đánh giá chủ đề hội nghị “rất thời sự và thú vị”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Chủ tịch AIPA - ECC Phan Thanh Bình, thành công của hội nghị thể hiện uy tín của đất nước, và sự chuẩn bị chu đáo của Quốc hội Việt Nam.

Phù hợp với nguyện vọng và ý tưởng chung

- Lần đầu tiên Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) tổ chức hội nghị chuyên đề về hợp tác nghị viện trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục gắn với phát triển bền vững. Đây là sáng kiến của Quốc hội Việt Nam trên cương vị Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2019 - 2020. Xuất phát từ đâu chúng ta đưa ra đề xuất này, thưa ông?

Ảnh: Quang Khánh

“Chúng ta đã có Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), và từ năm 2015 thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Hiện nay trong hợp tác khu vực có nhiều lĩnh vực, như Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục của các nước Đông Nam Á (SEAMEO), Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa - nghệ thuật ASEAN (AMCA). Nhưng đó là đứng về phía hành pháp, và quá trình triển khai cũng đang đặt ra yêu cầu phải có hành lang pháp lý cho những hợp tác này. Vì vậy, nghị viện các nước ASEAN phải thống nhất với nhau xây dựng hành lang pháp lý cho sự hợp tác giữa các nước thuận lợi hơn để triển khai hiệu quả các quyết sách về phát triển bền vững giáo dục và văn hóa, hướng tới một Cộng đồng ASEAN giàu bản sắc, gắn kết chặt chẽ”.  

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình

- Phát triển bền vững đã trở thành xu hướng, chiến lược phát triển chung của toàn thế giới, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, cũng như biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức lớn nhất cho toàn nhân loại trong thế kỷ XXI. Trên cơ sở 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc tháng 9.2015, hầu hết quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đều đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Trong khuôn khổ AIPA, việc tổ chức một diễn đàn thường xuyên để thảo luận về vai trò của nghị viện và cơ hội hợp tác giữa các nghị viện thành viên về mục tiêu phát triển bền vững và hành động để hiện thực hóa các mục tiêu này là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa.

- Sự hưởng ứng của các nước thành viên AIPA đối với sáng kiến và chủ đề của hội nghị như thế nào?

- Nghị viện các nước ASEAN cũng như các tổ chức quốc tế như UNESCO và Ngân hàng Thế giới đều ủng hộ, vì họ hiểu rằng phát triển bền vững là tất yếu và sự hợp tác vì sự phát triển bền vững trong khu vực càng quan trọng; và chúng ta lấy nền tảng là giáo dục và văn hóa để phát triển hoàn toàn đúng với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Chúng ta mong muốn kiến nghị đưa hội nghị hợp tác vì sự phát triển bền vững trở thành cơ chế thường niên của AIPA, được nước Chủ tịch AIPA luân phiên tổ chức hằng năm để thảo luận về hợp tác khu vực trong thực hiện SDGs nói chung và văn hóa, giáo dục nói riêng. Điều này cũng phù hợp với nguyện vọng và ý tưởng chung của các nước trong khu vực. 

Qua hội nghị, các nước đều ủng hộ, tích cực trao đổi để sự hợp tác trong giáo dục và văn hóa tốt hơn, hiệu quả hơn. Đây là điều rất vui, vì chúng ta đã tạo được tiếng nói thống nhất trong ASEAN khi đặt ra chủ đề này. Hội nghị đã thành công tốt đẹp, một mặt là chủ đề và sáng kiến của chúng ta nhận được sự đồng thuận, thể hiện uy tín của đất nước; mặt khác là do sự chuẩn bị chu đáo của Quốc hội Việt Nam. Trước khi tổ chức hội nghị này, các bộ phận, các Ủy ban liên quan đã trao đổi rất kỹ với nghị viện các nước. 

Nền tảng là văn hóa, giáo dục

- Khi chúng ta đưa ra sáng kiến này, chưa xảy ra đại dịch Covid-19. Nhưng đến nay có thể thấy rằng, khuyến cáo đó không chỉ phục vụ cho phát triển bền vững của khu vực, mà trước mắt có thể giải quyết khó khăn trong giai đoạn đại dịch, thưa ông?  

- Đúng vậy. Chẳng hạn như do Covid-19, nhiều trường học đã phải đóng cửa và chuyển từ giáo dục trực tiếp sang giáo dục trực tuyến, giáo dục từ xa. Vì thế, đẩy mạnh chuyển đổi số, kèm theo đó là chuẩn chất lượng đào tạo được công nhận và liên thông trong khu vực, sẽ góp phần giải quyết được các vấn đề của giáo dục giai đoạn hiện nay. Hay gắn kết di sản văn hóa với giáo dục, tạo ra bản đồ di sản ASEAN, từ đó đẩy mạnh sự dịch chuyển du lịch trong khu vực. Hợp tác không chỉ để phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc của từng quốc gia, mà còn tạo ra bản sắc chung cho cả khu vực, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước.

- Có vẻ như ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa, giáo dục đối với sự phát triển, đặc biệt là phát triển bền vững. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, mối quan tâm hàng đầu của các nước vẫn là làm sao sớm phục hồi kinh tế…?

- Điều đó là hoàn toàn đúng. Qua trao đổi tại hội nghị có thể thấy hầu như tất cả nghị viện các nước đều đặt ra trọng tâm là hợp tác văn hóa, giáo dục phục vụ phát triển bền vững, nhưng mục tiêu trước mắt phải vượt qua và khắc phục những tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, duy trì môi trường hòa bình, ổn định để cùng phát triển. Làm điều đó như thế nào là công việc của mỗi nước, nhưng sự trao đổi kinh nghiệm rất quan trọng.  

Kinh tế thậm chí là vấn đề chủ chốt, cơ bản, nhưng để phát triển kinh tế phải có giáo dục, cụ thể hơn nguồn nhân lực. Và giáo dục không chỉ là tri thức, mà còn có nền tảng văn hóa. Nền tảng văn hóa sẽ tạo cho chúng ta những giá trị, từ những giá trị ấy phát triển con người, con người phát triển kinh tế. Nói như vậy để thấy kinh tế, văn hóa và giáo dục luôn đi cùng với nhau. 

- Vậy để đạt được những mục tiêu kỳ vọng về hợp tác văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững như đã đặt ra tại hội nghị, theo ông, tới đây các nước ASEAN cần phải làm gì? 

- Điều quan trọng là phải có sự thống nhất về quan điểm và trong nhìn nhận chung, thì chúng ta đã đạt được tại hội nghị vừa qua. Đành rằng phải chăm lo phát triển kinh tế, nhưng kinh tế luôn cần có cái nền, và nền đó chính là văn hóa và giáo dục. Nếu không chăm lo phát triển cái nền giáo dục, văn hóa, thì kinh tế phát triển đến cái ngưỡng nào đó và sẽ chậm lại. Thời gian tới còn nhiều việc phải làm, trước mắt là vượt qua và khắc phục hậu quả của Covid-19; đồng thời xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ tốt cho sự hợp tác văn hóa, giáo dục trong khu vực. Trên cơ sở những trao đổi tại hội nghị, các nước sẽ xây dựng hệ thống luật pháp của mình phù hợp với từng nước và phù hợp với sự phát triển chung của khu vực.  

- Xin cảm ơn Chủ nhiệm!

Nguyên Anh thực hiện