Kinh tế Thủ đô năm 2019 tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua

- Thứ Tư, 04/12/2019, 18:28 - Chia sẻ
tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XV, thảo luận tại các tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, các đại biểu HĐND Thành phố đánh giá, tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, cùng với nhiều chủ trương trúng và đúng đã lan tỏa xuống cơ sở, tạo động lực để các quận, huyện hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào kết quả chung của toàn Thành phố.

Xử lý nạn xả thải trực tiếp ra môi trường

Phát biểu trao đổi tại phiên thảo luận của Tổ số 2 (gồm các tổ: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thường Tín, Ba Vì, Ứng Hòa), đại biểu Hoàng Huy Được (Ba Vì) nêu các vấn đề như: Thành phố đang phát triển, có nhiều khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vì vậy, việc xả thải ra môi trường xử lý như thế nào để đạt tỷ lệ 95% tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải vào năm 2020; vấn đề chuyển dịch cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm trong nội đô ra ngoài trung tâm, chuyển cơ quan ra khỏi địa bàn trung tâm. Đại biểu cũng đề cập đường ống nước sông Đà qua 2 năm vỡ 17-18 lần và vừa qua, lại xảy ra sự cố nhiễm dầu, điều quan trọng là nguồn nước để xử lý thành nước sạch cũng là để tưới tiêu...
Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Thường Tín) đề nghị quan tâm tập trung vào đường vành đai 4, đây là vành đai dễ làm khi mặt bằng đang đợi sẵn, khi xây dựng sẽ định hình cho Thủ đô văn minh, hình thành đô thị vệ tinh lõi. 

Đối với ngành nông nghiệp, đại biểu Chu Phú Mỹ cho biết, tất cả các lĩnh vực thuộc ngành đều tăng trưởng, tuy nhiên, do dịch tả lợn châu Phi làm thiệt hại trên 3% tổng đàn lợn của Thành phố. Sang năm 2020, để bảo đảm tốc độ tăng trưởng, ngoài việc tiếp tục phòng chống dịch tả lợn châu Phi, ngành tiếp tục chỉ đạo tiếp tục tái đàn lợn, chuyển sang chăn nuôi bò thịt, gia cầm; chuyển đổi diện tích trồng lúa, hoa quả sang trồng cam và các loại khác; tiếp tục phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (Tổ Hoàn Kiếm) cho biết, theo kết quả tính toán của Cục Thống kê thành phố, kinh tế Thủ đô cả năm 2019 dự kiến tăng trưởng 7,62%, mức tăng cao nhất trong 10 năm vừa qua. Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP cũng giải trình làm rõ thêm 23 vấn đề mà các đại biểu đã nêu tại phiên thảo luận tổ, như: Bảo trì, sửa chữa các khu nhà tái định cư, di dời các cơ sở ô nhiễm khỏi nội đô, kịp thời cung cấp thông tin tuyên truyền cho báo chí để tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong nhân dân...
 
Tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng
 
Thảo luận tại tổ số 3, gồm các đơn vị: Hà Đông, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Hai Bà Trưng
Theo Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải, mặc dù tiền thu từ đất không đạt kế hoạch, nhưng dự kiến thu ngân sách cả năm 2019 của quận vẫn đạt khoảng 8.500-8.700 tỷ đồng. Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm cho rằng, một trong những tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến tăng trưởng và tiến độ các dự án chính là công tác GPMB. Vì vướng GPMB nên nhiều dự án chưa được đấu giá, chưa thu được tiền sử dụng đất. Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm đề nghị Thành phố cần có sự linh hoạt hơn nữa để GPMB phải nhanh hơn, bởi đây là chìa khóa quan trọng nhất.
Về vấn đề ùn tắc giao thông, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm cho rằng một trong những nguyên nhân chính là dòng người từ các huyện ngoại thành đổ vào nội thành hằng ngày rất lớn, nếu không giải quyết được vấn đề này thì làm thêm đường bao nhiêu cũng không đủ. Do vậy, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm kiến nghị Thành phố phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đô thị vệ tinh, gắn với di dời các cơ sở sản xuất, trường học ra ngoại thành để giảm tải cho khu vực nội đô.
Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương đánh giá, kết quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là một điểm sáng trong năm 2019. Đồng chí cho biết: Đến nay, trên địa bàn quận chỉ còn 21 hộ nghèo, chiếm 0,04%. Ngoài ra, từ kết quả xúc tiến, thu hút đầu tư của Thành phố, quận đã đón nhận 6 dự án FDI với số vốn 1,2 tỷ USD. Đây sẽ là những động lực tăng trưởng quan trọng cho quận. Theo Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chiếm 1/3 số di tích lịch sử của cả nước, tuy nhiên, mỗi di tích như vậy khi cần xây dựng, tu bổ phải xin thỏa thuận của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, mất từ 6 tháng đến 1 năm, do vậy, Thành phố cần đề nghị Bộ phân cấp cho Hà Nội trong công tác này.
Còn theo Bí thư Quận ủy Hà Đông Lê Cường, năm 2019, Thành phố đã có nhiều chủ trương trúng và đúng, đi vào cuộc sống. Tiêu biểu như Nghị quyết 26 của Ban Thường vụ về quản lý nhà chung cư, đến nay, những tồn tại, bức xúc đã giảm đi nhiều. Hay như Đề án 21 của Ban Thường vụ Thành ủy về sắp xếp người hoạt động không chuyên trách, bước đầu đã cho thấy hiệu quả, đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở phấn khởi, yên tâm hơn, chất lượng hoạt động cũng tăng lên. Bí thư Quận ủy Hà Đông kiến nghị, Thành phố tiếp tục chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp đất dịch vụ cho Nhân dân, hiện nay, trên địa bàn quận còn trên 20 nghìn trường hợp.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Thành phố Lê Văn Thư cho rằng, Hà Nội là Thành phố trọng điểm về du lịch, tuy nhiên, vấn đề môi trường còn đặt ra nhiều băn khoăn. Chính vì thế, Thành phố cần tiếp tục quyết liệt hơn trong công tác này, trọng tâm là làm tốt việc thu gom rác thải; kiểm soát các công trình xây dựng, các phương tiện chở vật liệu, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường. Ông Lê Văn Thư cũng kiến nghị Thành phố cần quan tâm, giải quyết tốt những kiến nghị, phản ánh của cử tri...

P.L