Quảng Ngãi

Kinh tế tăng trưởng 20 lần sau 30 năm tái lập

- Thứ Năm, 18/04/2019, 08:26 - Chia sẻ
Ngày 1.7.1989, tỉnh Quảng Ngãi được tái lập trên cơ sở tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Thời điểm ấy, Quảng Ngãi là một vùng đất nghèo thuần nông, lạc hậu với 55,68% tỷ trọng nông - lâm - thủy sản. Đến nay, Quảng Ngãi đã khoác lên mình diện mạo mới khi kinh tế tăng trưởng gấp 20 lần so với thời điểm tái lập.

Tỷ trọng công nghiệp chiếm trên 53%

Vào thời điểm tái lập, nông - lâm - thủy sản chiếm 55,68% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 2019, tỷ lệ hơn 50% này thuộc về lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Trải qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều chủ trương đột phá, giải pháp toàn diện mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ. Nhờ đó, Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, thuần nông, trình độ sản xuất yếu kém đã cơ bản thoát khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế liên tục giữ mức cao, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 ước đạt 54.906,0 tỷ đồng (giá so sánh 2010). So với năm 1989, GRDP gấp 19,95 lần; trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản gấp 5,02 lần, công nghiệp - xây dựng gấp 132,85 lần, dịch vụ gấp 21,97 lần. Kèm theo cơ cấu kinh tế thay đổi, tiềm lực kinh tế cũng tăng nhanh. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2018 đạt hơn 19.800 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 trên địa bàn tỉnh ước đạt 124.870 tỷ đồng, gấp hơn 207 lần năm 1989, tăng bình quân 19,47%/năm. Trong 30 năm, tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp đã tăng lên đáng kể, từ 43 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và 7.712 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, đến nay số doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động lên đến 442 doanh nghiệp (năm 2016) và có 15.026 cơ sở tiểu thủ công nghiệp cá thể (năm 2017). Từ một địa phương thuần nông, đến nay Quảng Ngãi đã vươn lên có cơ cấu công nghiệp chiếm trên 53% trong GRDP và thuộc nhóm thu ngân sách cao trong cả nước.

Cải thiện năng suất cây trồng nhờ “cách mạng xanh”

Mặc dù tỉnh có chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa để thay đổi diện mạo cũng như cơ cấu kinh tế song chưa lúc nào Quảng Ngãi ngừng quan tâm phát triển nông nghiệp, với mục tiêu rõ ràng là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, hiệu quả  cao, thân thiện với môi trường.

Tuy đối mặt với nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh hay biến động của thị trường nhưng với nỗ lực, sự quan tâm chỉ đạo sát sao, đúng đắn của các cấp chính quyền, nông nghiệp Quảng Ngãi có sự phát triển ổn định. Giá trị sản xuất nông lâm, thuỷ sản năm 2019 gấp 5,02 lần so với năm 1989, bình quân hàng năm tăng 5,53%. Nhờ nguồn nước Thạch Nham, cuộc “cách mạng xanh” đã trải rộng khắp làng mạc, ruộng đồng Quảng Ngãi, năng suất cây trồng tăng lên đáng kể.

Theo đó, từ năng suất lúa chỉ đạt 26,5 tạ/ha những năm 1989 - 1990, đến nay đã lên trên 55 tạ/ha. Sản lượng lương thực có hạt năm 2018 đạt 500 nghìn tấn, gấp gần 2,1 lần so với năm 1989, bình quân mỗi năm tăng 2,59%. Ngành thủy sản cũng có tốc độ tăng trưởng cao trong 30 năm qua, sản lượng năm 2018 đạt 240 nghìn tấn, gấp 14,19 lần so với năm 1989, bình quân tăng 9,58%/năm. Sản xuất thủy sản đã và đang góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho nông dân ở các vùng ven biển và nông thôn, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu.

Chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao

Không riêng gì công nghiệp, nông nghiệp, lĩnh vực thương mại, dịch vụ của tỉnh cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong suốt 30 năm qua, với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế. Hàng hóa cung ứng trên thị trường đa dạng và phong phú, mạng lưới phân phối được mở rộng và phủ khắp đến các vùng nông thôn, giữ vững cân đối cung cầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư, kể cả vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh hệ thống chợ được củng cố và phát triển, siêu thị cũng được mở ra với phương thức bán tự chọn và chất lượng hàng hóa bảo đảm, giá cả được niêm yết, tạo thuận tiện cho người tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2018 đạt hơn 51.000 tỷ đồng, gấp 448,9 lần năm 1989, bình quân tăng 23,4%/năm (chưa loại trừ yếu tố trượt giá).

Bưu chính viễn thông - ngành có vai trò to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã không ngừng phát triển nhờ vào việc triển khai nhiều chính sách thúc đẩy môi trường cạnh tranh và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động dịch vụ viễn thông và internet. Mạng lưới bưu chính viễn thông được củng cố, đầu tư nâng cao năng lực và dung lượng nhằm mở rộng diện phục vụ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ an ninh - quốc phòng, đáp ứng nhu cầu thông tin và giao lưu văn hoá của nhân dân giữa các vùng miền. Đến cuối năm 2018, số thuê bao điện thoại toàn tỉnh đạt 1.058.223 thuê bao, đạt tỷ lệ 83,7 thuê bao/100 dân.

Những chỉ dấu trên đã cho thấy sự chuyển mình của Quảng Ngãi sau 30 năm tách lập tỉnh. Quảng Ngãi hôm nay với việc sản xuất công nghiệp phát triển nhanh đã góp phần tích cực đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. 

Nga Hoàng