Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Tuyên Quang Khóa XVIII

Kinh phí chậm, chính sách chậm

- Thứ Hai, 29/07/2019, 08:38 - Chia sẻ
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, các đại biểu đã thẳng thắn đề cập đến những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm như: Tình trạng hệ thống các công trình thủy lợi mới được đưa vào sử dụng nhưng đã xuống cấp; việc cấp kinh phí hỗ trợ lãi suất cho các đội tượng thụ hưởng theo một số nghị quyết của HĐND tỉnh còn chậm… Chủ tọa đề nghị, UBND tỉnh và các cơ quan thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã nêu trong phần trả lời và nhấn mạnh: HĐND tỉnh sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện các kết luận chất vấn.

Bảo đảm việc cấp, chi trả kinh phí hỗ trợ lãi suất đúng quy định

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Hoàng Thu Lụa (huyện Chiêm Hóa) nêu vấn đề: Qua giám sát và TXCT tại một số xã trên địa bàn tỉnh cho thấy, thực hiện Nghị quyết số 10, 12, 05 của HĐND tỉnh, nhiều chủ trang trại, hộ gia đình đã được vay vốn để phát triển kinh tế, đồng thời, được hưởng hỗ trợ lãi suất tiền vay theo đúng quy định. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến năm 2018, nhiều chủ trang trại và các hộ gia đình vay vốn vẫn chưa được cấp kinh phí hỗ trợ lãi suất. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 05 về chính sách khuyến khích phát triển HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn được ban hành đã có 59 HTX thực hiện các chính sách theo nội dung trong nghị quyết, nhưng đến nay cũng chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ.


Đại biểu tham gia chất vấn tại kỳ họp Ảnh: Trần Tâm

Làm rõ nguyên nhân việc chậm cấp kinh phí, Giám đốc Sở Tài chính Hà Trung Kiên cho biết, việc chậm cấp kinh phí theo Nghị quyết 10, 12 tại huyện Sơn Dương, Yên Sơn do UBND các huyện chưa chủ động xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ theo quy định tại hướng dẫn liên ngành. Do vậy, Sở Tài chính không đủ căn cứ thẩm định và tổng hợp kinh phí hỗ trợ. Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố báo cáo không đồng nhất về thời gian; quy trình hỗ trợ phức tạp dẫn đến thời gian các đối tượng được nhận hỗ trợ còn chậm. Đối với Nghị quyết số 05, hồ sơ thẩm định của cấp huyện chưa bảo đảm đúng đối tượng áp dụng và phương án đầu tư sản xuất chưa gắn với mục đích, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết, dẫn đến không có cơ sở thẩm định trình bổ sung kinh phí cho các huyện, thành phố.

Giám đốc Sở Tài chính cho biết thêm: Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết; UBND các huyện, thành phố và các xã đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, vận động nhân dân thực hiện; hàng năm bảo đảm cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng. “Để bảo đảm việc cấp và chi trả kinh phí hỗ trợ lãi suất đúng quy định, Sở Tài chính đề nghị UBND các huyện, thành phố nêu cao trách nhiệm, chủ động xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ và khi xây dựng hồ sơ cho các đơn vị thụ hưởng phải chặt chẽ, căn cứ vào quy định để bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng gửi đi gửi lại mất thời gian và ảnh hưởng đến lợi ích của người được thụ hưởng…”, Giám đốc Sở Tài chính nhấn mạnh.

Về vấn đề này, chủ tọa kỳ họp yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương cấp kinh phí hỗ trợ thực hiện các chính sách còn tồn đọng từ năm 2017, 2018 xong trước ngày 30.8.2019. Đối với Sở Tài chính, cần rà soát các thủ tục hành chính trong việc lập, thẩm định hồ sơ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, vốn hỗ trợ và việc thanh toán kinh phí hỗ trợ. Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND tỉnh cũng sẽ giám sát việc thực hiện kết luận này.

Xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn càng “nóng” lên khi các đại biểu đặt câu hỏi xoay quanh việc công trình đập thủy lợi Khuôn Lù, xã Trung Trực (huyện Yên Sơn) mới được bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đã bị hư hỏng. Theo các đại biểu, dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi xã Trung Trực do UBND huyện Yên Sơn làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ tháng 5.2010 nhưng đến tháng 1.2019 mới bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do tiến độ thi công chậm, bàn giao không rõ ràng, không có đơn vị quản lý, khai thác nên đã ảnh hưởng không tốt tới việc phát huy công năng sử dụng và hiệu quả của công trình. Hiện, một số vị trí tuyến mương đã bị hư hỏng, sạt lở vùi lấp không có khả năng dẫn nước, công trình chưa hoàn thành quyết toán theo quy định.

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở KH - ĐT tỉnh Triệu Quang Huy cho biết: Nguyên nhân chậm tiến độ thi công do vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng; sự phối hợp giữa đơn vị thi công và chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn chưa tốt nên chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Mặt khác, sau khi hoàn thành thi công, nhà thầu chậm hoàn thiện hồ sơ hoàn công, dẫn đến việc chậm bàn giao công trình để đưa vào sử dụng.

“Để khắc phục các hạn chế nêu trên, Sở KH - ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Yên Sơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đề xuất giải pháp khắc phục; chỉ đạo UBND xã Trung Trực giải tỏa các công trình lấn chiếm trên thân đập và dọc tuyến kênh; khẩn trương bàn giao công trình cho Ban quản lý công trình thủy lợi xã Trung Trực quản lý, vận hành; tổ chức tuyên truyền vận động, hướng dẫn nhân dân cách lấy nước từ hệ thống kênh tưới của công trình để vừa bảo đảm phát huy hiệu quả công trình, vừa bảo đảm phục vụ tưới tiêu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng”, Phó Giám đốc Sở KH - ĐT tỉnh cho biết.

Trước yêu cầu của đại biểu Nông Thị Toản (huyện Lâm Bình) về trách nhiệm của chủ đầu tư khi để xảy ra sự việc trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn Nguyễn Hữu Phương đã thẳng thắn tiếp thu và nhận trách nhiệm trong việc chưa thật sự sát sao, đôn đốc nhà thầu hoàn thành công trình. Đồng thời khẳng định, thời gian tới, UBND huyện sẽ quyết liệt hơn nữa, đôn đốc các đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục thanh toán, quyết toán công trình.

Để khắc phục những hạn chế trên, Chủ tọa đề nghị UBND tỉnh cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức liên quan trong việc để công trình đập thủy lợi Khuôn Lù chậm hoàn thành và bàn giao sử dụng; tiến hành rà soát, xử lý kịp thời các công trình phục vụ sản xuất còn chậm tiến độ, không phát huy hiệu quả và cần lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, trình độ. Bên cạnh đó, UBND huyện Yên Sơn phải có giải pháp khắc phục các hạng mục hư hỏng, xuống cấp, bảo hành, đưa công trình vào vận hành, khai thác bảo đảm mục tiêu, hiệu quả của dự án; đôn đốc nhà thầu hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quyết toán công trình theo quy định.

Nguyễn Ánh - Trần Tâm