Kinh nghiệm tập huấn nghị sỹ: Mô hình KPI của Thái Lan

- Thứ Sáu, 28/08/2009, 00:00 - Chia sẻ
Vào tháng 10.2000, Viện mang tên Nhà Vua Prajadhipok (KPI) của Thái Lan đã được thành lập với tư cách là một tổ chức độc lập dưới sự giám sát của Nghị viện.

Một trong những mảng hoạt động của viện là hỗ trợ các dịch vụ về nghiên cứu, tập huấn chuyên môn cho nghị sỹ. KPI có 9 đơn vị với các chức năng riêng biệt với 150 chuyên gia. Viện KPI hỗ trợ tích cực các nghị sỹ nâng cao những năng lực cần thiết thông qua 5 kênh sau không mang tính bắt buộc:

Thứ nhất, nghị sỹ có tiềm năng, đạt đủ các tiêu chuẩn của Viện, có thể được tham gia vào chương trình bồi dưỡng và phát triển sau đại học, kéo dài 7-8 tháng với chủ đề ‘Trở thành nhà lãnh đạo trong một chính đảng”. 


Thứ hai, trong nhiệm kỳ, nghị sỹ có thể được nhận học bổng từ Văn phòng Hỗ trợ Nghiên cứu Nghị viện để tham gia các chương trình bồi dưỡng sau đại học do chính họ quyết định lựa chọn, ví dụ Chính trị dân chủ và chính quyền hành pháp cấp cao, Quản lý Kinh tế công và Quản trị để phát triển bền vững. Do tất cả những chương trình bồi dưỡng và phát triển này có cả nghị sỹ và các quan chức công quyền cũng như khu vực tư, các nghị sỹ có cơ hội học hỏi, thiết lập quan hệ thông qua việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, thông tin.

Thứ ba, đối với các nghị sỹ có kinh nghiệm, Văn phòng Hỗ trợ Nghiên cứu Nghị viện đáp ứng các yêu cầu về tri thức của họ thông qua các hội thảo chuyên đề, ví dụ như phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức Vai trò của Nghị viện đối với điều ước quốc tế vào 24.11.2008. 

Thứ tư, mặc dù các chính đảng có bồi dưỡng nghị sỹ là đảng viên của mình, nhưng trong trường hợp các nghị sỹ yêu cầu cung cấp kiến thức chuyên sâu cần thiết cho việc hỗ trợ thực hiện vai trò, nhiệm vụ tại các Ủy ban, khi phải giải quyết những vấn đề cấp thiết, Văn phòng hỗ trợ nghiên cứu nghị viện sẽ nhanh chóng cử chuyên gia trình bày trong nửa ngày do thời gian có hạn và sự cấp thiết của vấn đề.

Cuối cùng, đối với các nghị sỹ mới được bầu, Viện KPI tổ chức khóa định hướng với trọng tâm là nội dung chính của Hiến pháp, đồng thời dựa trên ưu tiên của nghị sỹ đối với các chuyên đề để thiết kế chương trình, ví dụ như tranh luận, đưa kiến nghị, yêu cầu theo quy trình, thủ tục.

Để nâng cao tính chuyên nghiệp của các trợ lý và chuyên gia giúp việc của nghị sỹ, một chương trình tập huấn và phát triển theo năng lực được xây dựng và tiến hành. Bằng cách áp dụng các kỹ thuật tập huấn tương tác, chương trình hướng đến đặc thù của hai nhóm là chuyên gia và trợ lý, chẳng hạn đối với trợ lý nghị sỹ, sẽ có những nội dung như: để xử lý kiến nghị của cử tri, cần tập huấn cách thức tìm hiểu kỹ các vấn đề ở khu vực đó và kỹ năng đối thoại với cử tri.

Thông thường, các Nghĩ sỹ được nhận những tài liệu và báo cáo nghiên cứu từ Văn phòng Hỗ trợ Nghiên cứu Nghị viện dưới dạng bản cứng hoặc đĩa CD. Ví dụ, Hướng dẫn về kỹ năng tranh luận một cách thuyết phục, Niên giám của KPI, trong đó có những bài phân tích, nêu quan điểm của nhiều chuyên gia về các vấn đề của Hiến pháp.

Hơn thế, các nghị sỹ có thể truy cập vào trang chủ của Văn phòng Hỗ trợ Nghiên cứu Nghị viện để tải về những bản tóm tắt mới nhất, những lời bình luận của các chuyên gia về các chủ đề quan trọng dưới dạng báo cáo hoặc băng ghi âm phỏng vấn. Trong năm 2008, chuyên gia của nghị sỹ có thể giúp các nghị sỹ cập nhật các thông tin quan trọng như các bản phân tích chính sách của KPI thông qua trang web của KPI.

Nguyên Lâm