Kinh nghiệm tập huấn nghị sỹ: Mạng lưới quốc tế về tập huấn nghị sỹ

- Thứ Sáu, 28/08/2009, 00:00 - Chia sẻ
Khi nói về mạng lưới quốc tế tập huấn nghị sỹ, trước hết phải kể đến các tổ chức quốc tế. Họ tập trung vào việc hỗ trợ các nghị sỹ qua nhiều chương trình tập huấn khác nhau như của Liên Hiệp Quốc, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Viện Ngân hàng thế giới (WBI)…

Nội dung tập huấn của các tổ chức này gồm có: vai trò của các Ủy ban các tài khoản công; quản lý hành chính và nguồn tài chính của nghị viện; tự do thông tin; nghị viện và báo chí; vai trò của nghị viện ở các nước đang có xung đột; vai trò của Chính phủ và phe đối lập; quy trình ngân sách; nghị viện với vấn đề giới; các hội nghị tập huấn cán bộ giúp việc...

Ví dụ, Viện Ngân hàng thế giới (WBI) từ năm 1993 đã thường xuyên tổ chức và hợp tác với cá tổ chức khác, các nghị viện để tổ chức các hoạt động tập huấn cho các nghị sỹ và cán bộ giúp việc nghị viện. Đặc biệt, từ năm 2000, WBI đã xác định chiến lược tập huấn với trọng tâm tăng cường năng lực quản trị quốc gia, chống tham nhũng, vai trò của nghị viện trong giảm nghèo, mở rộng sang giám sát của nghị viện trong các lĩnh vực trên. Cách tiếp cận của WBI là chú trọng nghiên cứu và phân tích sâu; phát triển năng lực thể chế hơn là nâng cao nhận thức đơn thuần của cá nhân nghị sỹ; tập huấn thông qua chia sẻ kinh nghiệm, thông lệ tốt. Đến năm 2008 đã có khoảng 10 ngàn nghị sỹ tham dự các hội nghị do WBI tổ chức.

Bên cạnh các tổ chức quốc tế, mạng lưới quốc tế về bồi dưỡng nghị sỹ gồm có những trung tâm, tổ chức chuyên về mảng này. Trong số đó, Trung tâm nghị viện Canada có vị trí nổi bật. Trung tâm được thành lập năm 1968; là tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, phi đảng phái; có chức năng xây dựng năng lực/tăng cường năng lực lập pháp: nghị viện như một thiết chế dân chủ hiệu quả; vai trò lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của nghị sỹ; trụ sở chính ở Ottawa, nhưng tiến hành nhiều dự án phát triển ở châu Phi, Á, Trung Á, Đông âu; có nguồn tài chính nhờ đóng góp của cá nhân và tổ chức; các dự án nhận được tài trợ của các tổ chức đa phương, các tổ chức phát triển, các quỹ.

Mảng thứ ba trong mạng lưới quốc tế về tập huấn nghị sỹ là các hoạt động bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm theo khu vực như châu Á -Thái Bình Dương, châu Phi, Nam Mỹ, Đông và Trung âu... Chẳng hạn, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các tổ chức, cơ sở sau thường xuyên tiến hành các hoạt động bồi dưỡng nghị viện: Trung tâm các thiết chế dân chủ (CDI) thuộc ĐH Quốc gia Australia, Hiệp hội Nghị viện Khối Thịnh vượng chung (CPA), WBI, Trung tâm nghị viện Canada …

Ví dụ, CDI đã lần thứ hai tổ chức khóa tập huấn về điều trần ở Ủy ban nghị viện cho cán bộ phục vụ Ủy ban của nghị viện các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hoặc WBI và CPA thường phối hợp với các cơ sở tập huấn, các trường ĐH trong khu vực để tổ chức các chương trình tập huấn cho nghị sỹ khu vực châu Á, Phi...

Hoặc như nghị viện Indonesia cùng với CDI tổ chức diễn đàn thường niên nhằm thúc đẩy và củng cố mối quan hệ song phương giữa nghị viện Indonesia và Australia. Phương pháp được áp dụng là thảo luận bàn tròn có tính tương tác về các chủ đề như: Hiệp định Lombok, an ninh biên giới, người nhập cư... Nghị viện Indonesia cũng hợp tác với Tiểu ban hỗ trợ dân chủ của Hạ viện Mỹ (HDAC) tổ chức nhiều hội nghị về các Chủ đề như: ngân sách, hoạt động của UB, tiếp xúc cử tri, giám sát quốc phòng, thông tin, quy trình lập pháp...

Hoài Thu