Kinh nghiệm tập huấn nghị sỹ: Hợp tác tập huấn nghị sỹ trong AIPA

- Thứ Sáu, 28/08/2009, 00:00 - Chia sẻ
Trên cơ sở đề xuất của Đoàn Việt Nam tại Đại Hội đồng AIPA lần thứ 29, diễn ra tại Singapore tháng 8.2008, Đại hội đồng đã thông qua Nghị quyết về việc tổ chức một hội nghị vào cuối năm 2008 để bàn thảo về các biện pháp tăng cường hợp tác hoạt động bồi dưỡng của nghị viện trong khuôn khổ AIPA và các đối tác. Thực hiện nghị quyết này, Quốc hội Việt Nam đã đứng ra chủ trì tổ chức hội nghị.

Dự hội nghị gồm có các nghị sỹ và đại diện tổ chức bồi dưỡng của nghị viện các nước thành viên AIPA; đại diện và chuyên gia về bồi dưỡng đại biểu dân cử của một số quốc gia và tổ chức quốc tế. Hội thảo nhằm hai nội dung lớn: trao đổi thực trạng và kinh nghiệm bồi dưỡng của nghị viện và đề xuất các biện pháp, sáng kiến tăng cường hợp tác của các nghị viện thành viên AIPA trong lĩnh vực bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho nghị sỹ. Sau khi đã lấy ý kiến thông qua đồng thuận, Hội thảo kiến nghị tới Đại hội đồng AIPA những điểm  sau đây:

Thứ nhất, cần nghiên cứu các biện pháp phối hợp của các thành viên AIPA, ví dụ: tổ chức các đoàn nghiên cứu, nghiên cứu xây dựng các chương trình bồi dưỡng nghị viện khu vực để các nghị sỹ AIPA có dịp trao đổi quan điểm và kinh nghiệm về các vấn đề và giải pháp thời sự, trao đổi các biện pháp tăng cường năng lực đại biểu và năng lực của các tổ chức bồi dưỡng của các nước thành viên AIPA.

Trong khi chưa có quyết định cuối cùng của Đại hội đồng AIPA về vấn đề này, cần khuyến nghị các thành viên AIPA thực hiện các chương trình bồi dưỡng chung trên cơ sở đạt được thỏa thuận giữa các nước riêng lẻ với nhau. Các bài học từ các chương trình này nên được chia sẻ với các thành viên khác thông qua Trang Web của AIPA và của các nước thành viên.

Thứ hai, để tăng cường hiệu quả của công tác bồi dưỡng nghị viện, cần nghiên cứu xây dựng những hướng dẫn chung đối với công tác bồi dưỡng nghị vịên của các nước thành viên AIPA, ví dụ hướng dẫn đánh giá nhu cầu bồi dưỡng, hướng dẫn xây dựng chương trình đáp ứng những yêu cầu khác nhau của các đại biểu, hướng dẫn về phương pháp bồi dưỡng, và đánh giá hoạt động bồi dưỡng, hướng dẫn về các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của các thành viên AIPA.

Thứ ba, cần thúc đẩy hoạt động trao đổi hợp tác bồi dưỡng giữa AIPA với các tổ chức liên nghị viện khu vực khác và các tổ chức bồi dưỡng nghị viện trên thế giới .

Bên cạnh đó, hội nghị đã đề nghị Đại hội đồng lần thứ 30 của AIPA trao nhiệm vụ cho Ban Thư ký AIPA tại Jakarta trong việc theo dõi, điều phối các hoạt động bồi dưỡng nói trên trong khuôn khổ AIPA cho tới khi có các quyết định khác của Đại Hội đồng.

Ngoài ra, nghị sỹ các nước AIPA cũng cho rằng, hợp tác bồi dưỡng nghị sỹ các nước AIPA là hết sức cần thiết, tuy nhiên, nếu chỉ “bồi dưỡng” thì còn hẹp. Thay vào đó, cần phối hơp quản lý tri thức. Sự vận động và phát triển nhanh chóng của tình hình kinh tế, chính trị xã hội, bắt nguồn từ toàn cầu hóa, khiến các nước AIPA đối mặt với những vấn đề chung trong lập pháp, giám sát, quản lý rủi ro. Đó là, vấn đề môi trường, khuôn khổ lập pháp chung để xử lý các vấn đề mới nổi… Do đó, các nghị sỹ đề xuất những kiến nghị như: thiết lập mối liên kết website của AIPA với các nước thành viên để trao đổi, chia sẻ tri thức; thành lập ủy ban chung chịu trách nhiệm áp dụng mô hình tri thức xoắn ốc tiến hành các hoạt động cần thiết để củng cố kiến thức của nghị sỹ; thành lập diễn đàn AIPA hàng năm chia sẻ thông lệ tốt nhất để nghiên cứu kiến thức vể phát triển nghị viện, chẳng hạn như nghị viện trong việc gìn giữ hòa bình, nghị viện lên tiếng cho xã hội dân sự…

Minh Thy