50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) - Tầm vóc vĩ đại của tác phẩm bất hủ

Kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược

- Thứ Hai, 09/09/2019, 08:07 - Chia sẻ
Giữa các tình huống phức tạp, Việt Nam vẫn kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, thực hiện đường lối đoàn kết quốc tế theo mục tiêu Hòa bình - Hợp tác - Phát triển, đáp ứng yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước. Đó chính là làm theo tâm nguyện của Bác Hồ!

Nhân tố quan trọng đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng

Tinh thần đoàn kết quốc tế thấm đượm trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ươm mầm từ những ngày Người đi tìm đường cứu nước. Trong suốt chặng đường 30 năm (1911 - 1941), Người đặt chân đến các châu lục Á, Phi , Âu, Mỹ; đặc biệt dừng chân nhiều ngày ở Pháp - trung tâm cách mạng tư sản lật đổ nền quân chủ phong kiến,  ở Mỹ - ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập, ở Nga - nơi bùng nổ cuộc cách mạng vô sản đầu tiên và ở Trung Quốc với cuộc trường chinh đầy gian khổ giải phóng dân tộc khỏi thân phận nửa thuộc địa. Chính từ quê hương của những cuộc đấu tranh cách mạng quyết liệt đó, Người đã nhìn ra mẫu số chung của loài người là niềm khao khát Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; hiểu rõ và tin vào tinh thần đấu tranh vì công lý, vào tính nhân văn của nhân dân thế giới, không phân biệt màu da hay quốc tịch.

Với nhận thức đó, khi trở thành người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước với sức mạnh tiềm ẩn của dân tộc và tranh thủ sự đoàn kết, viện trợ quốc tế. Người đặt vấn đề rõ ràng: Nhân dân Việt Nam không chống người Pháp hay người Mỹ mà chỉ chống lại chính sách xâm lược của giới cầm quyền nước đó đối với Việt Nam; nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ và nhân dân các nước đều là bạn của nhân dân Việt Nam. Nhờ vậy, trong suốt 30 năm kháng chiến cứu nước, Việt Nam đã lập nên một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử thế giới. Đầu những năm 50, các tầng lớp nhân dân Pháp tiến hành cuộc đấu tranh đòi nhà cầm quyền Paris phải chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương. Từ giữa những năm 60 đầu những năm 70, các tầng lớp nhân dân Mỹ xuống đường biểu tình buộc Nhà Trắng phải rút quân về nước. Cùng thời gian đó, nhân dân nhiều nước trên thế giới, từ Đông Á đến Tây Âu, từ châu Phi và châu Mỹ, không kể là xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, đâu đâu cũng biểu lộ tinh thần đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì lương tri của loài người. Sự đoàn kết quốc tế đã trở thành một nhân tố quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế chính là một di sản tinh thần, một đường lối chính trị xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam.

“Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi”

Ngày nay, thế giới đã có nhiều đổi khác nhưng đường lối đoàn kết quốc tế theo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vẫn có ý nghĩa thiết thực, thể hiện ở 3 khía cạnh chủ yếu:

Thứ nhất, ngọn cờ tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân thế giới chính là nhờ ở tính chính nghĩa, tính nhân văn của cuộc đấu tranh. Độc lập - Tự do vốn là khát vọng của mọi dân tộc. Hòa bình - Nhân ái vốn là thuộc tính của con người. Do vậy, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ hôm nay, rất cần làm cho nhân dân thế giới hiểu được những căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo, gìn giữ chủ quyền quốc gia. Cũng vậy, trong công cuộc xây dựng đất nước, mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” là nguyện vọng thiết tha và chân thành của một dân tộc mong muốn hòa vào dòng chảy chung của nhân loại, góp phần vào công cuộc xây dựng một thế giới hòa bình và hữu nghị.

Thứ hai, trong bối cảnh phức tạp của thời Chiến tranh lạnh, sự phân hóa hai cực rất sâu sắc. Vậy mà từ người dân thường đến các nhà trí thức ở bên này hay bên kia đều đồng tình ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam. Một lý do không kém phần quan trọng là trong thực tế, Việt Nam đã chiến đấu anh dũng, giành nhiều thắng lợi ngoài chiến trường cũng như trên bàn đàm phán. Nếu không đạt được điều đó thì chỉ có thể nhận được sự cảm thông và lời an ủi, khó có được một phong trào ủng hộ mạnh mẽ và rộng khắp. Cho nên, những thành tựu trong công cuộc hội nhập hôm nay chỉ có thể bền vững khi Việt Nam củng cố và tăng cường thực lực của mình. Thực lực đó được bắt nguồn từ sự nhất trí về tư tưởng, sự đoàn kết trong mọi hoạt động của cuộc sống, sự kiên định trước mọi thử thách và sự hòa hợp trong trái tim của mỗi người dân đất Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở, “phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”.

Cụ thể trong hoàn cảnh ngày nay, Việt Nam chỉ có thể xác lập được vị thế xứng đáng trên trường quốc tế, được bạn bè tôn trọng khi xây dựng thành công một nền chính trị ổn định, một nền kinh tế phát triển, một nền quốc phòng vững mạnh, một xã hội yên bình. Đó là điều bảo đảm thành công của tiến trình hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã và mãi thực sự “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế.

Thứ ba, thời thế đã đổi thay. Trật tự hai cực không còn nữa. Song dư âm của thời kỳ Chiến tranh lạnh chưa phải đã hết. Sự tranh giành ảnh hưởng và lợi ích giữa các nước lớn luôn đặt ra bài toán khó đối với các nước vừa và nhỏ. Vấn đề Biển Đông là một ví dụ thực tế. Trở lại tình hình năm 1945 - 1946, cách mạng Việt Nam đứng trước ý đồ và tham vọng của nhiều nước lớn. Với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý thành công quan hệ với Pháp và Trung Hoa Dân Quốc để loại bớt đối thủ; phân hóa kẻ thù; thực hiện sách lược “hòa để tiến”. Vào thập niên 60 đầu thập niên 70, trước mâu thuẫn gay gắt giữa hai đồng minh Liên Xô và Trung Quốc, Đảng kiên trì đường lối cân bằng giữa hai đối tác, bảo vệ sự đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa, trong phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Đối mặt với rất nhiều thách thức, đường lối đoàn kết quốc tế của Việt Nam đã vượt lên sự bất đồng và chia rẽ, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng.

Một khi rời xa nguyên tắc đoàn kết và cân bằng giữa các thế lực, cách mạng sẽ vấp phải khó khăn, tạo cơ hội cho các đối thủ bao vây, cô lập. Đó chính là kinh nghiệm lịch sử cần được ghi nhớ.

Từ ngày thực hiện đường lối Đổi mới, Việt Nam đã theo đuổi nhất quán chủ trương đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Giữa các tình huống phức tạp, Việt Nam vẫn kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, thực hiện đường lối đoàn kết quốc tế theo mục tiêu Hòa bình - Hợp tác - Phát triển, đáp ứng yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước. Đó chính là làm theo tâm nguyện của Bác Hồ, “đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như những gì Người căn dặn trong Di chúc “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”

GS. NGND Vũ Dương Ninh