Văn học trẻ Hà Nội

Kiên nhẫn đón đợi và kỳ vọng

- Thứ Tư, 14/08/2019, 07:59 - Chia sẻ
Chưa khi nào chúng ta được chứng kiến một nền văn học trẻ sôi động và không ngừng cập nhật như lúc này, cho dù đang ở tình trạng được đón chào khá nồng nhiệt nhưng lại dễ dàng bị lãng quên nhanh chóng. Có người tạo được dấu ấn nhất định, có người vẫn chưa định hướng cho bản thân và sáng tác thiếu nhiều yếu tố...

Đa dạng văn trẻ

Cùng với dòng chảy chung của nền văn học Việt Nam, 10 năm gần đây, Hà Nội đã đóng góp và bổ sung một lực lượng sáng tác trẻ, sinh từ năm 1980 trở về sau, xuất thân hay sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Phát biểu tại tọa đàm “Nhận diện văn học trẻ Thủ đô 10 năm gần đây” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, nhà văn Nhật Phi nhận xét: Lực lượng văn xuôi trẻ Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung mang cả yếu tố hội tụ lẫn phân kỳ. Hội tụ ở chỗ những con người trẻ ấy có nhiều xuất phát điểm, với nguồn gốc và nhân dạng rất khác nhau, nhưng đều hội về mảnh đất Thủ đô này để làm cái công việc “nhọc nhằn lê thê” là sáng tác văn xuôi. Phân kỳ là muốn nói tới sự đa dạng về thể loại, phong phú về đề tài trong các sáng tác của lực lượng văn xuôi trẻ Hà Nội: Truyện ngắn có, truyện vừa có, truyện dài có, tiểu thuyết cũng có luôn, tiểu luận phê bình cũng không hề thiếu. Cũng như vậy đối với đề tài và trục nội dung, đã có những tác giả chào sân với khoa học giả tưởng, với kỳ ảo, với trinh thám, siêu thực. Bên cạnh đó vẫn có không ít tác giả nối dài những con đường truyền thống hơn với văn hóa, lịch sử, dã sử. Và hai tập này không nhất thiết là tách biệt nhau. Thú vị là ở chỗ đó!


Lực lượng sáng tác trẻ ngày càng hùng hậu Ảnh: ITN

Bên cạnh đó, những người trẻ làm thơ không hiếm. Nhà thơ Đặng Thiên Sơn cho biết, sự xuất hiện dày đặc những tên tuổi và tác phẩm của các nhà thơ trẻ trên mặt báo, cũng như các ấn phẩm thơ trẻ Thủ đô vẫn được các nhà xuất bản ấn hành liên tục. Nhiều giải thưởng thơ do các hội chuyên ngành, báo, tạp chí được trao cho các nhà thơ trẻ Hà Nội... Bởi so với thế hệ các nhà thơ đi trước thì thế hệ nhà thơ sinh năm 8x, 9x có điều kiện thuận lợi hơn cả về mặt đời sống cũng như môi trường sáng tác.

Đồng tình với ý kiến trên, nhà văn Bùi Việt Thắng cho rằng, chưa bao giờ nhà văn Việt Nam lại được tự do bộc lộ cá tính như bây giờ. Họ có thể viết tất cả những gì mình quan tâm thích thú, kể cả mặt trái/góc khuất của đời sống xã hội cũng như quá trình tha hóa chưa từng thấy của con người thời đại. Họ có thể bộc bạch những chuyện riêng tư thầm kín nhất của cá nhân mình, họ có thể viết tùy thích (miễn là không phạm luật). Họ viết nếu không được in thành sách (vì một lý do nào đó) thì họ tự “in” và phổ biến bất tận trên mạng. Văn trẻ bây giờ không phải xếp hàng để in tác phẩm của mình như các thế hệ cha anh, nếu cần họ sẽ bỏ tiền túi hoặc đi tìm nhà tài trợ...

Hiện nay, các tác giả trẻ cấp tiến có ý thức rất rõ ràng về chất nghệ thuật trong mỗi sáng tác của mình. Theo nhà văn Vinh Huỳnh, họ không hài lòng với việc phản ánh cuộc sống đơn thuần mà đề cao những thể nghiệm mới mẻ, chấp nhận đi con đường hẹp, lặng lẽ âm thầm đi, âm thầm đọc, âm thầm chiêm nghiệm để âm thầm viết, ngõ hầu cho ra những tác phẩm có giá trị, có dấu ấn sáng tạo nghệ thuật, sẵn sàng xuất chiêu những “ngón nghề” như tâm linh, thủ pháp giấc mơ, kỳ ảo (fantasy), pha giả tưởng…

Chờ cuộc bứt phá

 Mới đây, Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội đã ra đời, tập hợp các hội viên trẻ và các cây bút trẻ (từ 35 tuổi trở xuống) cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Đây cũng là nơi tạo nguồn cho sự phát triển của văn học Thủ đô.

Văn trẻ có cái sắc thái táo bạo, phá cách trong sáng tác; văn trẻ có ý thức làm mới văn chương khi đa số quyết liệt tìm cách viết mới. Nhưng nhà văn Bùi Việt Thắng cũng thừa nhận là chưa có lĩnh vực nào mà sự sàng lọc và đào thải lại khắt khe đến như thế trong nghệ thuật ngôn từ. Văn trẻ đang ở trong tình trạng mặc dù được đón chào khá nồng nhiệt nhưng lại dễ dàng bị lãng quên nhanh chóng. Văn trẻ hướng sự viết vào cái “tôi” (tự ngã trung tâm), tất nhiên, nhưng xem ra chưa quan tâm đến mối quan hệ máu thịt, bền chặt giữa cái “tôi” và cái “ta” một cách biện chứng, nên khi thiếu mối liên hệ này, nhà văn sẽ vô tình hoặc cố ý quay lưng lại đời sống. Và họ có nguy cơ bị “đứt rễ” với mảnh đất màu mỡ của đời sống nhân dân vốn luôn luôn là nguồn dinh dưỡng tinh thần cho sáng tạo nghệ thuật. Đọc văn trẻ nhiều người có cái cảm giác thiếu vắng hơi thở của đời sống thực tế, họ viết đã rồi mới sống, khác với quan niệm sống đã rồi mới viết...

Còn theo nhà thơ Đặng Thiên Sơn, không ít người đã thoát ly đời sống cộng đồng, khai thác quá sâu vào những mất mát, nỗi buồn cá nhân, biến thơ mình thành một thứ độc thoại nội tâm với những câu chữ cầu kỳ, bí hiểm, không có tiếng nói chia sẻ với cộng đồng nên khó tìm được sự cộng hưởng, ít có khả năng lan tỏa. Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển cũng khiến cho sự công bố tác phẩm dễ hơn, từ đó người sáng tác cũng nóng vội công bố tác phẩm, thậm chí có những tác phẩm còn non... Thực tế 10 năm qua thơ trẻ Hà Nội vẫn chưa thực sự có tên tuổi nào bứt phá hẳn lên để tạo thành điểm nhấn trên văn đàn, hay gây được sự quan tâm của công chúng.

Để có những tác phẩm có chỗ đứng trong lòng công chúng, theo các đại biểu, những cây viết trẻ không được dừng bước ở những tìm tòi, thể nghiệm ban đầu mà phải thật sự lao động sáng tạo nhiều hơn, chuyên sâu hơn, không ngừng trau dồi, học hỏi thêm kiến thức và kỹ năng, không ngừng trải nghiệm thực tế để có nhiều vốn sống; đồng thời phải có tư duy độc lập, một giọng điệu, một phong cách riêng... Đánh giá một cây bút trẻ mới xuất hiện trên văn đàn đã khó, huống hồ với cả một đội ngũ văn trẻ. Nhà văn Bùi Việt Thắng nhận định: Với văn trẻ, thái độ của chúng ta cần thiết phải bình tĩnh, nghĩa là không vội lạc quan để rồi thất vọng và cũng không vội bi quan để rồi quay lưng với họ. Đón đợi văn trẻ vừa là chờ đợi vừa là kỳ vọng, vừa phải đặt ra những yêu cầu cao để họ phấn đấu hết mình, lại vừa kiên nhẫn chờ cuộc bứt phá ngoạn mục vào những khúc bất ngờ nhất...

Thảo Nguyên