Kiến nghị điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi

- Thứ Bảy, 18/04/2020, 11:09 - Chia sẻ
Nội dung trên được nêu ra tại hội nghị công bố kết quả nghiên cứu “Điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi”, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp (UBTVQH) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc phối hợp tổ chức ngày 30.8, tại Hà Nội.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, TS Ngô Thị Minh cho biết: Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc ( Công ước CRC) vào tháng 2.1990- thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của quốc gia đối với vấn đề trẻ em. Ngay sau khi tham gia Công ước, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991. Đạo luật này có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở pháp lý nền tảng cho việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở Việt Nam, tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần. Tuy nhiên, Luật Trẻ em năm 2016 vẫn còn giữ một quy định gây tranh luận đó là về độ tuổi pháp lý của trẻ em (độ tuổi mà theo pháp luật là mốc hay căn cứ để xác định một người còn chưa đủ trưởng thành/ chưa  phải người đã thành niên, chưa được hưởng các quyền đầy đủ, cũng như phải thực hiện các nghĩa vụ đầy đủ của một người đã thành niên)… Trước thực tế trên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Viện Nghiên cứu lập pháp và UNICEF Việt Nam đã phối hợp tổ chức thực hiện nghiên cứu điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi với mục đích nhằm đánh giá một cách toàn diện, có hệ thống và cụ thể hơn về các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn có liên quan và đề xuất các quan điểm, giải pháp thuyết phục về việc sửa đổi quy định về độ tuổi pháp lý của trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016.

Báo cáo nghiên cứu nêu 4 yếu tố chính của việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em ở Việt Nam lên dưới 18 tuổi (sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội với việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; yêu cầu từ hội nhập quốc tế của Việt Nam; yêu cầu từ việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục nhóm trẻ 16-17 tuổi ở Việt Nam; khả năng đáp ứng của Nhà nước khi điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi) và phân tích cụ thể những vấn đề thuận lợi và hạn chế, bất cập. Tiêu biểu là theo quy định hiện hành của Việt Nam, các em lứa tuổi 16-17 (khoảng gần 3 triệu trẻ em ở thời điểm năm 2018), trong đó bao gồm hàng trăm ngàn em có hoàn cảnh đặc biệt không được hưởng một số chính sách xã hội dành cho việc hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Vì vậy, việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 tuổi là phù hợp, cần thiết và sẽ có tác động tích cực trên tất cả các phương diện, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tiến hành xem xét, sửa đổi quy định của Điều 1 của Luật Trẻ em năm 2016 để điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi như quy định tại điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Việc sửa đổi này cũng giúp Việt Nam tạo sự nhất quán về khái niệm trẻ em và người chưa thành niên trong hệ thống pháp luật quốc gia.

Báo cáo nghiên cứu sẽ là tài liệu phục vụ cho các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc chỉnh sửa quy định về độ tuổi trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016 và các luật khác có liên quan.

Thái Minh