Kiểm toán và nghị viện: Tòa thẩm kế của Pháp

- Thứ Sáu, 11/07/2008, 00:00 - Chia sẻ
Vào năm 1807, Napoleon Đệ nhất thành lập Tòa thẩm kế nhằm thống nhất công tác kiểm tra tài chính công.

      Hiện nay thẩm quyền của Tòa thẩm kế là kiểm tra các hoạt động thu, chi của ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương; Xác nhận, thẩm định và xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động kế toán công của các cơ quan công quyền, các xí nghiệp, công ty mà nhà nước kiểm soát. Trong trường hợp có sai phạm sẽ tiến hành đưa vụ việc ra xét xử theo luật định. Tòa thẩm kế có 3 nhiệm vụ chính:
      - Kiểm tra tính hợp pháp của các tài khoản kế toán nhà nước: Tòa thẩm kế có nhiệm vụ kiểm tra các khoản thu chi theo đúng các quy định kế toán hiện hành, xem xét các tài khoản, giấy tờ liên quan và kiểm tra tính cân bằng của tài khoản. Trong trường hợp tài khoản được sử dụng hợp lệ, Tòa thẩm kế kết luận nhân viên kế toán đã hoàn thành nhiệm vụ. Trong trường hợp khoản thu bị thất thoát và khoản chi không đúng quy định thì nhân viên kế toán phải chịu trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra, Tòa thẩm kế còn tiến hành kiểm tra đối với mọi cá nhân sử dụng tiền của Nhà nước sai mục đích.
      - Kiểm tra việc quản lý, sử dụng các quỹ công: Tòa thẩm kế không đánh giá đối tượng chuẩn chi nhưng tiến hành kiểm tra cách thức sử dụng quỹ công thông qua kiểm tra và đánh giá tài khoản kế toán công. Kể từ năm 1976, Tòa thẩm kế có nhiệm vụ đưa ra ý kiến của mình về tính hợp lệ và tính trung thực trong việc quản lý tài khoản của các doanh nghiệp Nhà nước. 
      - Hỗ trợ Quốc hội và Chính phủ: Kể từ năm 2001, Tòa thẩm kế có nhiệm vụ thông báo cho các ủy ban của Quốc hội những nội dung mà Tòa thẩm kế gửi cho các Bộ trưởng. Các ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Tài chính có quyền yêu cầu Tòa thẩm kế tiến hành điều tra quá trình quản lý, sử dụng ngân sách của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và cơ quan an sinh xã hội. Báo cáo của Tòa thẩm kế hàng năm cũng như báo cáo liên quan đến một chủ đề nhất định được đệ trình lên Quốc hội, sau đó được trình lên Tổng thống. Hàng năm, Tòa thẩm kế gửi cho Quốc hội báo cáo về việc thực hiện Luật Ngân sách của năm trước đó – báo cáo này được gửi cho Quốc hội vào tháng 7. Tòa thẩm kế cũng soạn thảo và gửi báo cáo hàng năm đến Quốc hội về tổng quan các cơ quan an sinh xã hội nằm dưới quyền kiểm soát của Tòa thẩm kế. 
      Tòa thẩm kế là cơ quan độc lập với Chính phủ, chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ kết quả hoạt động trước Quốc hội. Những nhận xét, đánh giá của Tòa thẩm kế có vai trò quan trọng đối với Quốc hội, đặc biệt là báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách hàng năm có tác dụng đối chứng, phản biện với báo cáo đánh giá của Bộ Tài chính và là căn cứ để Ủy ban Tài chính của Nghị viện thẩm tra báo cáo Tổng quyết toán ngân sách Nhà nước, để Quốc hội thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, giám sát của mình.
      Tòa thẩm kế có thẩm quyền về mặt pháp lý như Tòa án nên có các thủ tục tố tụng như Tòa án. Cụ thể là xem xét và xử lý báo cáo quyết toán của cơ sở vi phạm dựa trên nguyên tắc đối chứng và có phán quyết của Thẩm phán trực tiếp xử lý vụ việc. Tất cả các báo cáo tài chính của các đơn vị sử dụng ngân sách phải được Tòa thẩm kế xem xét xác nhận. Tòa thẩm kế thực hiện quyền tài phán của mình ngay cả khi Quốc hội và Hội đồng vùng đã phê chuẩn quyết toán không chỉ ở năm đó mà cả ở 5-7 năm trước đó. Giúp việc cho thẩm phán có một thẩm kế viên trưởng và các phụ tá. Hàng năm, Tòa thẩm kế thụ lý khoảng 1.000 vụ việc khác nhau, trong đó có 400 hồ sơ của cơ quan thuế vụ chuyển tới và 600 hồ sơ từ các cơ quan khác.

Minh Thi