Kiểm toán và nghị viện: Công cụ giám sát tài chính công của Nghị viện

- Thứ Sáu, 11/07/2008, 00:00 - Chia sẻ
Cơ quan lập pháp thường được biết đến với chức năng kiểm toán tài chính công và đây cũng là nguyên lý cơ bản của các chính phủ hiện đại.

CÁC BÀI TRONG CHUYÊN ĐỀ KIỂM TOÁN VÀ NGHỊ VIỆN

Để cơ quan kiểm toán hoạt động hiệu quả

Nghị viện sử dụng kiểm toán như thế nào?

      Tuy nhiên, Nghị viện không trực tiếp kiểm toán, mà thông qua Cơ quan Tổng kiểm toán (SAI), chịu trách nhiệm trực tiếp đánh giá, phân tích hoạt động tài chính của cơ quan hành pháp và có trách nhiệm báo cáo lại trước Nghị viện. Thực hiện công tác kiểm toán đi đôi với giải trình trước cơ quan lập pháp được coi là một biện pháp hữu hiệu chống lại nạn tham nhũng, lãng phí và sử dụng ngân sách sai mục đích. Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng, chức năng kiểm toán tài chính của cơ quan lập pháp góp phần cải thiện quy chế tài chính và hiệu quả kinh tế một cách sâu rộng, và rằng công tác kiểm toán cũng giúp nâng cao hiệu quả quản lý khu vực công.
      Các dạng kiểm toán gồm kiểm toán chứng thực, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hiệu quả. Kiểm toán chứng thực dựa trên các báo cáo tài chính cung cấp bởi những người có thẩm quyền và được tiến hành nhằm bảo đảm rằng các thông tin trong những bản báo cáo trên là chính xác và đầy đủ. Chẳng hạn cơ quan kiểm toán tối cao có trách nhiệm xác nhận hoặc chứng thực rằng việc thực hiện ngân sách được tiến hành đúng theo các tiêu chuẩn báo cáo và kế toán đề ra. Phương thức kiểm toán này nghiêng về kiểm toán các bản báo cáo hơn là các hoạt động thực tế diễn ra. 
      Ngược lại với phương thức trên, kiểm toán tuân thủ nhằm kiểm tra xem liệu việc sử dụng tiền ngân sách có đúng như quy định trong luật của cơ quan lập pháp hay không. Phương thức này đảm bảo sự tuân thủ về mặt pháp lý; Cân đối giữa kế hoạch chi tiêu đề ra trong dự thảo ngân sách và những khoản chi thực tế thể hiện trong các báo cáo tài chính và phi tài chính hằng năm. 

      Kiểm toán hiệu quả tập trung xem xét mức độ hiệu quả sử dụng ngân sách, trong đó bao gồm việc kiểm tra, xem xét tính hiệu quả của chương trình và của công tác quản lý cũng như điều hành. Phương pháp này tập trung vào tính kinh tế và hiệu quả; Có thể được áp dụng để đánh giá các chương trình hay công tác quản lý ở một cơ quan nào đó thuộc chính phủ hay một chức năng quản lý hành chính nhất định, ví dụ như quản lý tài chính hay quản lý việc đi lại, trong toàn bộ bộ máy chính phủ. Việc áp dụng phổ biến phương pháp kiểm toán đánh giá tính hiệu quả cho phép cơ quan lập pháp và công chúng có cái nhìn rõ nét hơn về chất lượng và tính hợp lý trong chi tiêu ngân sách, chứ không chỉ đơn thuần là tính hợp pháp của việc này.
      Cơ cấu tổ chức của các tổ chức kiểm toán có ba dạng khác nhau. Theo mô hình kiểu Napoleon, Tòa thẩm kế (cour des comptes) tồn tại độc lập với cả cơ quan lập pháp và hành pháp. Tòa sẽ cung cấp cho cơ quan lập pháp báo cáo về tất cả các cuộc kiểm toán và điều tra được tiến hành trong năm và những thông tin cần thiết khi có yêu cầu. Đây là cơ quan độc lập nhất trong ba mô hình tổ chức.
      Trái lại, ở mô hình Westminster, Tổng kiểm toán được bổ nhiệm là thành viên Quốc hội và đứng đầu Văn phòng Tổng kiểm toán. Tổng Kiểm toán thường xuyên báo cáo trực tiếp với cơ quan lập pháp và kế hoạch kiểm toán sẽ được thống nhất giữa Tổng kiểm toán và cơ quan lập pháp. Mục đích của hệ thống này là trang bị cho cơ quan lập pháp một đơn vị kiểm toán chuyên nghiệp, độc lập với cơ quan hành pháp, cho phép SAI sử dụng quyền hạn của cơ quan lập pháp để yêu cầu cơ quan hành pháp cung cấp thông tin. Thực tế cho thấy rất khó duy trì vị trí độc lập với cơ quan lập pháp. 
      Mô hình cơ quan kiểm toán thứ ba là hệ thống Ban chuyên trách vốn rất phổ biến ở các quốc gia châu Á. Mô hình này giống mô hình Westminster ở chỗ nó cũng có một đơn vị bao gồm các kiểm toán viên chuyên nghiệp và tồn tại độc lập với cơ quan hành pháp, tuy nhiên vẫn dưới quyền cơ quan lập pháp. Cơ quan lập pháp sẽ bổ nhiệm Ban kiểm toán và Ban này sẽ có trách nhiệm đề ra kế hoạch kiểm toán, có thể sử dụng quyền hạn của cơ quan lập pháp để yêu cầu thông tin từ phía cơ quan hành pháp. Về mặt lý thuyết, hệ thống này tương đối độc lập với cơ quan lập pháp và do đó hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực.

Nguyễn Lê