TP Hồ Chí Minh:

Kiểm soát và xử lý hiệu quả rác thải xây dựng

- Thứ Ba, 06/08/2019, 08:16 - Chia sẻ
Mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh có khoảng 1.800 tấn chất thải rắn xây dựng phát sinh, đến năm 2025 ước tính con số này sẽ tăng lên gần 3.000 tấn/ngày. Theo nhìn nhận của các chuyên gia môi trường, nếu được tổ chức thu gom và tái chế hợp lý thì tỷ lệ rác thải xây dựng có thể tái chế lên đến 90%. Do đó, thành phố cần phải đưa chất thải rắn xây dựng vào diện kiểm soát và xử lý hiệu quả hơn.

1.800 tấn rác thải rắn mỗi ngày

Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh Huỳnh Minh Nhựt, căn cứ vào thống kê thực tế của công ty, khối lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại TP Hồ Chí Minh hiện nay khoảng 1.800 tấn/ngày. Ngoài ra còn có một khối lượng đáng kể chất thải rắn xây dựng phát sinh nhưng chưa được các quận, huyện thống kê. Một số báo cáo về quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng liên tỉnh và báo cáo hiện trạng quản lý chất thải rắn tại thành phố những năm gần đây cho thấy, lượng chất thải rắn xây dựng chiếm 14 - 17% tổng lượng chất thải rắn đô thị phát sinh hoặc 19 - 22% lượng chất thải rắn sinh hoạt.

Mỗi ngày TP Hồ Chí Minh có khoảng 1.800 tấn chất thải rắn xây dựng phát sinh Nguồn: ITN

Nhìn nhận về hiện trạng và tốc độ gia tăng rác thải xây dựng trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, với tốc độ đô thị hóa nhanh, khối lượng đất và phế thải xây dựng phát sinh gia tăng nhanh chóng theo thời gian. Lượng chất thải rắn xây dựng hiện nay chủ yếu phát sinh từ các hộ dân xây dựng và sửa chữa nhà cửa, các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, công trường xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện khối lượng rác thải xây dựng được thu gom chủ yếu tập trung ở nội thành. Còn theo báo cáo gần đây của các quận, huyện, rác thải xây dựng được phân thành 3 nguồn phát sinh, với tính chất, đặc điểm phát triển khác nhau. Cụ thể, nguồn phát sinh từ khu vực xây dựng cải tạo, nguồn phát sinh từ khu vực xây dựng mới, phát triển mới và nguồn phát sinh từ khu vực xen kẽ giữa cải tạo và xây dựng mới.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc thu gom và xử lý loại rác thải này chưa được thực hiện riêng biệt. Trên thực tế, các công ty dịch vụ công ích, dịch vụ vệ sinh môi trường thường thu gom rác thải xây dựng chung với rác thải sinh hoạt bởi chủ nguồn thải thường đổ chung vào rác thải sinh hoạt. Sau đó, chuyển giao về các bãi xử lý rác thải và chôn lấp cùng rác sinh hoạt. Còn với những công trình xây dựng nhà mới, thường có lượng rác thải xây dựng khá nhiều thì họ thuê các xe ba gác mang đổ những bãi đất trống, hoặc bãi rác tự phát.

Xử lý hiệu quả

Chiếm 1.800/9.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, lượng rác thải xây dựng của TP Hồ Chí Minh ước sẽ tăng lên gần 3.000 tấn/ngày vào năm 2025. Theo nhìn nhận của các chuyên gia môi trường, nếu được tổ chức thu gom và tái chế hợp lý thì tỷ lệ rác thải xây dựng có thể tái chế lên đến 90%. Chỉ có 10% mới phải chôn lấp, giảm tối đa quỹ đất phục vụ hoạt động chôn lấp rác.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, việc tái chế, tái sử dụng loại rác này trên địa bàn thành phố phần lớn đang mang tính chất tự phát. Thành phố hiện vẫn chưa có nhà máy xử lý rác thải xây dựng ở quy mô công nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh môi trường. Trong khi, hoạt động xử lý đối với loại chất thải này hiện nay đang được phân chia khá phức tạp, dẫn đến tình trạng quá tải trong hoạt động chuyển giao chất thải, giá xử lý rác xây dựng đẩy lên cao, gây khó cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng này. Theo đó, cần thiết phải đưa chất thải rắn xây dựng vào diện kiểm soát và xử lý hiệu quả hơn. Chất thải rắn xây dựng sẽ được xử lý bằng 2 công nghệ chính là chôn lấp và tái chế chất thải. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, việc áp dụng kết hợp cả 2 công nghệ xử lý này nhằm giảm thiểu tối đa diện tích chôn lấp các loại rác thải.

Với công nghệ tái chế, chất thải rắn xây dựng đặc biệt là thép, gạch, bê tông, đá... có thể tái chế, tái sử dụng dưới dạng vật liệu san nền hoặc đổ bê tông cường độ thấp hay tái chế làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung… Còn với công nghệ chôn lấp, không ít chuyên gia đề xuất áp dụng công nghệ chôn lấp chất thải rắn xây dựng được đặt trong khu chôn lấp chất thải tập trung của đô thị.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra 2 phương án thu gom, vận chuyển nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải xây dựng là thu gom, vận chuyển rác thải xây dựng thông qua trạm trung chuyển chất thải xây dựng riêng; hoặc rác thải xây dựng phát sinh sẽ được hợp đồng trực tiếp giữa chủ nguồn phát thải và đơn vị thu gom vận chuyển. Sau đó sẽ vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn đô thị hoặc tận dụng san lấp mặt bằng.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đưa nhà máy tái chế, tái sử dụng rác thải xây dựng vào hoạt động. Theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng nhà máy này khá đơn giản, không phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu tư công do chủ đầu tư có thể tạo một phần nguồn thu từ xã hội hóa và chủ nguồn thải.

Nhật Phương