Kiểm soát tốt an toàn thực phẩm bữa ăn trường học

- Thứ Sáu, 25/10/2019, 17:08 - Chia sẻ
Dù các ngành chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú trường học, nhưng đây vẫn luôn là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội. Theo các chuyên gia, để kiểm soát tốt hơn an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú tại trường học, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn, khi phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm hơn.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, số trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú lên đến 1.600 trong tổng số 2.700 trường. Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, thành phố có 4.534 bếp ăn tập thể và căng tin trường học, trong đó, khối mầm non có 3.732 bếp ăn tập thể gồm 2.884 bếp ăn của trường tư thục và 848 bếp ăn của trường công lập; tiểu học có 535 bếp ăn và căng tin; trung học cơ sở có 200 bếp ăn và căng tin; trung học phổ thông có 67 bếp ăn và căng tin. Số trường học tự nấu ăn là 4.024; số trường liên kết ký hợp đồng nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống là 415 trường.

Tại Hội thảo về công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học do Sở Y tế Hà Nội tổ chức mới đây, Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là an toàn thực phẩm trong trường học luôn được lực lượng chức năng của thành phố quan tâm hàng đầu. Theo đó, thời gian qua, ngành y tế thành phố đã phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối thực phẩm và việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, chế biến tại các bếp ăn tập thể, nhất là đối với trường học.

Kết quả kiểm tra cho thấy, 100% trường học trên địa bàn đều ký hợp đồng thực phẩm với các nhà cung ứng thực phẩm bảo đảm đủ tính pháp lý; 91% số nhà trường cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu được niêm yết công khai tại trường. Ngoài ra, có đến 89% số trường học có quyết định thành lập ban chỉ đạo, tổ giám sát bếp ăn tập thể và kiểm soát sữa học đường, trong đó phân công rõ trách nhiệm của nhà trường, cơ sở cung cấp thực phẩm, hội cha mẹ học sinh. Tổng số lượt cơ sở được kiểm tra, giám sát từ đầu năm 2019 đến nay là 9.068 cơ sở, trong đó có 16 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền 86,5 triệu đồng.


Ðoàn kiểm tra của Sở Y tế TP Hà Nội kiểm tra bếp ăn trường học tại huyện Thanh Trì. (Nguồn: ITN)

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Theo Phó Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hoàng Thị Minh Thu, dù các biện pháp thanh tra, kiểm tra đã được triển khai thường xuyên, liên tục, song thực tế vẫn còn tình trạng một số trường học chưa thực hiện đúng quy định chế độ kiểm tra ba bước và lưu mẫu thức ăn. Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, từ năm 2014 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể với tổng số 235 người mắc, không có trường hợp tử vong. Chưa kể, một số bếp ăn bán trú chưa có biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật gây hại; một số trường có cơ sở vật chất xuống cấp, chật hẹp, khó sắp xếp bếp ăn một chiều. Cá biệt, nhiều trường không đủ diện tích nấu tại trường, phải nấu tại các nơi khác rồi vận chuyển mang đến, khó kiểm soát được quá trình vận chuyển.

“Các nhóm lớp mầm non tư thục, kiểm soát an toàn thực phẩm cũng khó khăn hơn, bởi các bếp ăn không ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm, mà mua thực phẩm ngoài chợ về chế biến. Riêng về công tác kiểm tra ở tuyến dưới, các đoàn liên ngành quận, huyện phần lớn chỉ nhắc nhở, việc xử lý còn hạn chế và còn tình trạng nể nang nhau” - bà Thu cho hay.

Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, thời gian qua, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của quận đã lấy 58 mẫu rau, củ, quả, thịt, hải sản để xét nghiệm, trong đó 10,4% số mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ðáng lo ngại hơn là chất lượng nước đóng bình sử dụng cho học sinh uống trực tiếp chưa bảo đảm. Ðoàn đã lấy ngẫu nhiên 9 mẫu xét nghiệm thì có đến 4 mẫu không đạt, chiếm 44,4%..

Để kiểm soát tốt hơn an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú tại trường học, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn. Khi phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm và công khai danh tính đơn vị sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Chung cũng đề nghị ban đại diện hội cha mẹ học sinh cùng vào cuộc kiểm tra, giám sát. Sở Y tế sẽ tăng cường phối hợp các sở, ngành tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất bếp ăn bán trú trường học trên địa bàn.

Vân Phi