Kiểm soát thường xuyên, xử lý nghiêm sai phạm

- Thứ Ba, 28/05/2019, 08:28 - Chia sẻ
Trao đổi với PV ngay sau khi QH kết thúc phiên giám sát tối cao chiều qua, 27.5, các ĐBQH cho rằng, bên cạnh nguyên nhân chủ quan, còn có nguyên nhân khác là hệ thống pháp luật về đất đai, nhất là các văn bản dưới luật đã bộc lộ những khiếm khuyết, chồng chéo... Vì thế, trước mắt phải thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm. Về lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm minh bạch, dễ áp dụng.

ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG (HÀ NỘI): Giám sát chặt việc thực hiện nghị quyết về giám sát

Báo cáo của Đoàn giám sát đã thể hiện rất toàn diện, nêu được những kết quả đạt được, những tác động mang lại từ chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Báo cáo nhấn mạnh hạn chế trong khâu tổ chức thực hiện, yêu cầu chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại trong quản lý đất đai thời gian qua. Đó là công tác quản lý quy hoạch không tuân theo đúng quy định, thậm chí có sự tùy tiện. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương. Có những quy hoạch được điều chỉnh, thay đổi đến 6 lần, làm phá vỡ định hướng phát triển. Điều đáng nói là, khi thay đổi quy hoạch chủ yếu theo hướng mang lại lợi ích cục bộ cho nhà đầu tư, tăng yếu tố thương mại, không theo định hướng mang lại lợi ích tốt hơn cho cộng đồng xã hội.

Trong chính sách kinh tế, chúng ta cũng chưa thực sự đưa ra được giải pháp làm thế nào quản lý được giá trị của đất đai, đóng góp vào sự phát triển cũng như điều tiết được giá trị gia tăng sau khi sau khi thay đổi việc sử dụng đất, thay đổi quy hoạch và thay đổi các quy định về sử dụng đất. Nếu chúng ta có công cụ điều tiết tốt vấn đề này thì sẽ hạn chế được tình trạng nhà đầu tư và chính quyền tìm cách phá vỡ, điều chỉnh quy hoạch.

Thực tế cho thấy, pháp luật về đến đất đai cũng bộc lộ những khiếm khuyết, về lâu dài cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp. Nhưng về cơ bản và trước mắt, các cơ quan bộ ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành. Trong lúc chưa thực hiện ngay việc sửa đổi bổ sung các quy định thì các bộ, ngành, địa phương cần tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành. Bởi, chỉ cần thực hiện đúng các quy định thì sẽ giảm thiểu được những vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai.

Đặc biệt, trong báo cáo giám sát, Đoàn giám sát có nhiều kiến nghị cụ thể cho từng cơ quan, bộ, ngành, địa phương. Sau giám sát, QH sẽ ban hành nghị quyết về vấn đề này, trên cơ ở nghị quyết của QH, các đối tượng chịu sự giám sát sẽ thực hiện các yêu cầu mà nghị quyết đề ra. Tôi cho rằng, điều quan trọng tới đây là phải tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện nghị quyết giám sát của QH.

ĐBQH LƯU BÌNH NHƯỠNG (BẾN TRE): Chỉ điều chỉnh quy hoạch khi có lợi cho đất nước, người dân

Báo cáo chưa đánh giá hết bản chất và thực trạng việc thu hồi đất của người dân chưa có sổ đỏ. Hiện nay, người ta cứ nói rằng, chưa có sổ đỏ thì không đền bù đến nơi, đến chốn cho dân được. Nhưng một mảnh đất người dân đã sử dụng từ năm 1970, 1980 trước cả Luật Đất đai năm 1993, trải qua Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 vẫn chưa cấp sổ đỏ cho dân. Họ là những người khai hoang, đã gắn bó với đất từ lâu đời, sử dụng yên ổn không có tranh chấp nào, tại sao khi thu hồi lại bảo chưa có sổ đỏ và hạ quyền lợi xuống? Như vậy là chưa hợp lý, chưa bảo đảm cho được quyền lợi của người dân.

Trong quá trình thu hồi đất để làm dự án, cũng cần lưu ý đến quyền lợi của ba bên, quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất. Chúng ta có thực hiện cơ chế 3 bên cùng tham gia để hoạch định lợi ích ấy hay không? Người dân được hưởng bao nhiêu phần trăm của dự án? Bao nhiêu phần trăm thuộc về nhà đầu tư? Riêng nhà nước giúp cho người dân, doanh nghiệp phát triển ấy là lợi ích của nhà nước. Và nhà nước sẽ thu thuế, thu tiền sử dụng đất từ các dự án đó, vì dự án mang lại giá trị gia tăng.

Nhiều ĐBQH đặt vấn đề về điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, điều chỉnh các chi tiết trong dự án. Tôi cho rằng, đây là vấn đề mà các cơ quan có thẩm quyền phải hết sức nghiêm túc, tỉnh táo khi xem xét các kiến nghị này. Điều chỉnh quy hoạch có khả năng phá vỡ quy hoạch tổng thể. Mỗi “anh” điều chỉnh một tý, như một cái áo vá, giật chỗ này vá chỗ kia. Không chỉ ảnh hưởng một dự án mà còn ảnh hưởng đến các dự án khác. Trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch, thì chỉ điều chỉnh khi có lợi cho đất nước, cho nhân dân, chứ không điều chỉnh để có lợi cho nhà đầu tư.  

ĐBQH NGUYỄN HỒNG VÂN (PHÚ YÊN): Lần đầu tiên đánh giá toàn diện về đất đai đô thị

Để triển khai giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị, đã có 3 Đoàn giám sát làm việc với 12 địa phương, nên cơ bản đánh giá sát tình hình thực tế của diễn biến ban hành chính sách, pháp luật, thực hiện và việc xây dựng, triển khai quy hoạch sử dụng đất. Với video clip được phát hôm qua trên nghị trường và Báo cáo kết quả giám sát có thể thấy lần đầu tiên quản lý đất đai tại đô thị được đánh giá toàn diện, sâu sắc.

Báo cáo giám sát đã thẳng thắn nêu ra nhiều bất cập, tồn tại trong quản lý, sử dụng quy hoạch đất đai ở đô thị, xác định nguyên nhân cụ thể và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan. Trong đó, một điểm tôi thấy cần chú ý là trong 5 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ đã ban hành 13 nghị định, các bộ ngành liên quan ban hành 49 thông tư, chưa kể các công văn chỉ đạo khác, các địa phương cụ thể hóa ra. Trước khối lượng văn bản khổng lồ này, việc cán bộ quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành có “tiêu hóa” được không đã là vấn đề lớn rồi. Trung bình mỗi năm có 2 nghị định, gần 10 thông tư, chưa nói đến văn bản khác, thì cán bộ đọc hiểu các văn bản này đã khó, nên việc vận dụng sẽ có khó khăn nhất định, chưa kể còn tuyên truyền cho nhân dân hiểu về pháp luật. Do vậy, cần đánh giá lại công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật để rút kinh nghiệm, đưa ra những văn bản dễ hiểu, dễ vận dụng trong thời gian tới.

Ngoài ra, công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tổ chức bộ máy quản lý đất đai ở địa phương được Báo cáo kết quả giám sát đưa ra. Bởi lẽ, trong thời gian qua, chính sách, pháp luật thay đổi nhiều, cán bộ đất đai chưa chuyên nghiệp, công tác lưu trữ hồ sơ đất đai còn hạn chế. Đây cũng là giải pháp cần được quan tâm triển khai trước tiên. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm thanh tra, xử lý vi phạm được phát hiện, vì có xử lý kịp thời mới mang lại niềm tin của nhân dân.

ĐBQH PHAN VIẾT LƯỢNG (BÌNH PHƯỚC): Tập trung xử lý có hiệu quả các vụ việc vi phạm

Công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị còn không ít tồn tại, hạn chế. Điều dễ nhận ra là việc chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, tuân thủ quy định pháp luật chưa nghiêm; vi phạm, sai sót xảy ra khá phổ biến ở các cấp quản lý, các địa phương và ở hầu hết ở các khâu như quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất, chọn nhà đầu tư, đền bù, thu hồi đất. Tôi đồng tình với nhận định của Đoàn giám sát là nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên có một phần từ khách quan nhưng chủ yếu từ chủ quan. Quy hoạch, sử dụng đất đai tại đô thị là lĩnh vực “nhạy cảm”, được phân cấp, phân quyền cho nhiều bộ, ngành và địa phương quản lý nhưng chưa bảo đảm công khai minh bạch, cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập; việc theo dõi, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa thường xuyên, phát hiện, xử lý vi phạm còn chậm, chưa quyết liệt, chưa đủ sức răn đe.

Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, thống kê đầy đủ quỹ đất công, tài nguyên của Nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân để theo dõi, quản lý chặt chẽ, khắc phục tình trạng sử dụng sai mục đích, cho thuê, cho mượn đất sai quy định; không để thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên đặc biệt và quan trọng này; quan tâm quy hoạch, bố trí đất cho các dự án, công trình văn hóa, thể thao, giải trí, giao thông, môi trường... phục vụ cộng đồng xã hội. Tập trung xử lý có hiệu quả các vụ việc vi phạm, gây bức xúc dư luận liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất, quy hoạch, xây dựng đô thị như dự án 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội; dự án khu đô thị Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh...; kiên quyết không để xảy ra tình trạng thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, cấp đất, chuyển mục đích sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư, định giá đất… thiếu tính cạnh tranh, tùy tiện, sai quy định như thời gian qua.

H. An - H. Ngọc - P. Thủy - N. Bình ghi; Ảnh: L. Hiển - Q. Khánh