Kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng

- Thứ Sáu, 12/04/2019, 08:17 - Chia sẻ
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có vai trò đặc biệt quan trọng trong kiểm soát quyền lực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - tài chính. Nhưng trong thực tế, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực nói chung, phòng, chống tham nhũng nói riêng, chưa được quy định cụ thể, đầy đủ và phù hợp.

Nhận thức đúng vai trò

Tại hội thảo “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực KTNN góp phần phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” do KTNN tổ chức sáng 11.4, Phó Tổng KTNN Đặng Thế Vinh cho biết, tham nhũng không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước mà còn làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển quốc gia. Không có tha hóa quyền lực thì khó có tham nhũng xảy ra, việc kiểm soát được quyền lực là vấn đề rất khó, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước sẽ không thể đạt hiệu quả.


Toàn cảnh hội thảo

“Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thực hiện rất nhiều công việc, biện pháp. Trước hết, cần công phá mạnh vào các vấn đề then chốt, trong đó phải thực hiện nghiêm việc giới hạn quyền lực nhà nước bằng Hiến pháp, pháp luật; kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, gắn với việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng và bổ sung cán bộ có phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ tốt trong công tác kiểm tra, giám sát...”, ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN cho biết, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng trăm nghìn tỷ đồng. Kiến nghị các đơn vị được kiểm toán, các cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh công tác quản lý tài chính - ngân sách, kế toán, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, tham ô, lãng phí, thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước. Đồng thời, giúp các đơn vị hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý của mình, bảo đảm quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước đúng pháp luật và có hiệu quả...

Tuy nhiên, theo KTNN, thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế. Cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật hiệu quả, đôi khi còn trùng lặp, chồng chéo.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, KTNN có vai trò đặc biệt quan trọng trong kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực trong lĩnh vực kinh tế - tài chính. Nhưng trong thực tế, vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực nói chung, phòng, chống tham nhũng nói riêng, chưa được quy định cụ thể, đầy đủ và phù hợp cũng như chưa được thể hiện rõ ràng, hiệu quả và hiệu lực trong thực thi vai trò đó. Việc nhận thức đúng vai trò cũng như hoàn thiện thể chế để KTNN thực hiện đúng vai trò của mình trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, theo ông Ánh, là rất quan trọng và cấp bách nhằm hoàn thiện hệ thống quyền lực của Việt Nam, góp phần tích cực phòng, chống tham nhũng.

Ngăn chặn tham nhũng từ bên trong

Chánh Văn phòng KTNN Đỗ Văn Tạo cho rằng, cần tăng cường thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, kiểm soát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của kiểm toán viên nhà nước. Giải quyết kịp thời, đúng quy định các khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền. Giữ gìn đạo đức, tính liêm chính và hình ảnh của kiểm toán viên nhà nước. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực yếu kém, vi phạm kỷ luật, nội quy cơ quan, lợi dụng, tham nhũng. Phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán. Kịp thời chuyển, cung cấp hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra, Ủy ban kiểm tra và các cơ quan có thẩm quyền để điều tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Đình Thăng, KTNN thường xuyên chịu những tác động quyền lực từ bên ngoài như việc can thiệp vào hoạt động kiểm toán hoặc tung tin đồn về kiểm toán viên. Do đó, bên cạnh những yếu tố khách quan, bản thân cơ quan KTNN cũng cần ngăn chặn tham nhũng từ bên trong như các hành vi nhận hối lộ, làm thiếu trách nhiệm, xuê xoa, đồng phạm, thỏa hiệp với những thế lực bên ngoài vì mục tiêu cá nhân. Ông Thăng cũng kiến nghị tăng cường công khai minh bạch trong vấn đề kiểm toán; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, đủ năng lực trình độ chuyên môn; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ đội ngũ kiểm toán viên, cũng như răn đe xử lý các kiểm toán viên vi phạm.

Minh Hương