Kích thích nội lực, tránh làm hộ, làm thay

- Thứ Bảy, 02/11/2019, 08:33 - Chia sẻ
Để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của cả nước, thì việc xây dựng Đề án và ban hành Nghị quyết của QH là rất cần thiết. Thảo luận về nội dung này trong Phiên họp sáng qua, nhiều ĐBQH đề nghị, cần chú trọng để kích thích nội lực của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, tránh việc làm hộ, làm thay.

ĐBQH Cao Thị Giang (Quảng Bình): Nhất quán quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Về chủ trương, mục tiêu, quan điểm xây dựng Đề án, chúng ta thống nhất “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tuy nhiên, cần chú trọng đến việc tác động để kích thích nội lực của người dân vùng dân tộc thiểu số, tránh việc làm hộ, làm thay. Để đạt được mục đích hiệu quả trên thì điều quan trọng thiết yếu là chủ trương, chính sách trong ban hành Nghị quyết cần đề cập chú trọng quan tâm vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông. Có các dự án đầu tư nhằm tạo cơ hội phát triển, các phương án phát triển sản xuất. Trong hỗ trợ đầu tư cần chú trọng tập trung đến việc hưởng lợi chung. Khi điều kiện sống của đồng bào đã được đáp ứng một cách cơ bản thì các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cần chú trọng sâu vào nhóm hỗ trợ sinh kế và giáo dục. Đồng thời, phải tập trung nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tránh tình trạng nguồn lực bị phân tán, dàn trải như trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, trong Nghị quyết của QH lần này cũng cần quan tâm đến việc đầu tư nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để mở rộng cho vay vốn phục vụ sản xuất. Các cấp quản lý ban hành các chủ trương, chính sách truyền thông, bồi dưỡng, tập huấn cho người dân có đầy đủ kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện các dự án phát triển kinh tế. Chú trọng đến việc phổ cập công nghệ thông tin cho người dân tộc thiểu số để họ nhanh chóng tiếp cận tri thức, kết nối các cơ hội việc làm và bán hàng đến các thị trường trong nước và quốc tế. Chính những yếu tố trên là cơ hội để người dân, đồng bào dân tộc thiểu số có cơ sở vững chắc, bền vững trong phát huy tiềm năng, lợi thế vươn lên tự chủ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với giải pháp nêu trên, cần tập trung phân loại đối tượng tài trợ đối với hộ nghèo nhưng không có khả năng lao động để có chính sách giúp đỡ tài trợ, còn với đối tượng có sức lao động sản xuất thì tạo cơ chế để họ có tiềm năng, lợi thế vươn lên xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, khắc phục tình trạng tài trợ trước mắt nhưng thiếu bền vững, không những không có hiệu quả mà còn có thể có những biểu hiện ngược lại nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu đổi mới tư duy sáng tạo của một bộ phận người dân trong đồng bào dân tộc thiểu số…

ĐBQH K’Nhiễu (Lâm Đồng): Bố trí kinh phí thành mục riêng trong quy hoạch phân bổ vốn trung hạn

Về kinh phí thực hiện Đề án, trong thời gian qua, việc bố trí kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách khác đều có chủ trương ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhưng thực tế không đạt như mong muốn. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ từ vốn ODA, vốn đóng góp của doanh nghiệp và vốn đối ứng của địa phương còn hạn hẹp, nhất là đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Bên cạnh đó, việc lồng ghép nguồn lực của một số chính sách không khả thi, nhiều chính sách thay thế hỗ trợ đất sản xuất bằng đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ nước sinh hoạt bằng nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia.

Tổng hợp nguồn lực đầu tư của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gặp nhiều khó khăn. Kinh phí thực hiện theo từng chương trình, mục tiêu chính sách của các bộ, ngành phần lớn không tổng hợp riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không tách riêng nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn vay, vốn ODA. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan chưa thống nhất trong việc cân đối bố trí vốn để thực hiện các chính sách dân tộc. Do đó, thiết tha đề nghị QH cụ thể nội dung về kinh phí bố trí thực hiện dự án này thành một mục riêng trong quy hoạch phân bổ kinh phí vốn trung hạn để căn cứ trên cơ sở đó Chính phủ phân bố thực hiện.

ĐBQH Phương Thị Thanh (Bắc Kạn): Sớm xây dựng, ban hành tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Theo dự thảo Nghị quyết và Đề án thì phạm vi sẽ được thực hiện tại các địa bàn là xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã, thôn đặc biệt khó khăn là phù hợp với quan điểm đầu tư vào vùng lõi nghèo của cả nước. Tuy nhiên, do hiện nay tiêu chí xác định vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều bất cập, hạn chế, việc xác định vùng dân tộc thiểu số chỉ dựa trên cơ sở quy định là địa bàn có đông dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước ta, chưa có quy định số lượng về hộ dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng để xác định. Còn việc phân định tiêu chí xã, huyện, tỉnh, miền núi cơ bản dựa trên tiêu chí độ cao, đất đai, đơn vị hành chính so với mặt nước biển và tiêu chí này cũng chưa phản ánh được đầy đủ các điều kiện về tự nhiên ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như địa bàn có địa hình chia cắt, độ dốc lớn. Vùng dân tộc thiểu số miền núi đề cập trong Đề án được xác định “trên 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, trên 500 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố” là quá rộng, chưa phản ánh được mức độ khó khăn, sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các địa bàn.

Để có cơ sở phân định, xác định địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, tôi thống nhất đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xác định cụ thể xã, thôn đặc biệt khó khăn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Quan tâm bổ sung các tiêu chí có tính định lượng các yếu tố về điều kiện tự nhiên để bảo đảm khách quan, khoa học, làm cơ sở hoạch định chính sách dân tộc cho phù hợp.

Đề án đề ra mục tiêu là khai thác tiềm năng, lợi thế các địa phương trong vùng để đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội là quan điểm đúng và phù hợp. Đây là vùng có lợi thế về phát triển lâm nghiệp với trên 14 triệu héc ta rừng, đầu nguồn sinh thủy tác động tới vùng hạ du là rất lớn. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho phát triển vùng sản xuất hàng hóa một số loại sản phẩm nông nghiệp, đây cũng là vùng có địa bàn khó thu hút đầu tư, nhất là huy động các nguồn lực xã hội vào đầu tư cho vùng rất hạn chế. Do vậy, để khai thác lợi thế của vùng, đề nghị Chính phủ đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ trong vùng, kết nối liên vùng để tạo động lực thực sự để phát triển khai thác lợi thế của các vùng trong địa phương với các vùng phát triển. Đồng thời, lựa chọn lợi thế của từng địa phương để phân định nhiệm vụ, coi đây là chỉ tiêu, là nhiệm vụ chính trị để giao cho địa phương thực hiện, cùng với đó là cơ chế, chính sách gắn với nguồn lực thực hiện. 

Nguyễn Vũ lược ghi; Ảnh: Q. Khánh