Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng

Kịch bản nào cũng phải bảo đảm ổn định vĩ mô

- Thứ Năm, 21/05/2020, 08:46 - Chia sẻ
Đánh giá về 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Chính phủ nêu trong báo cáo gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu Chính phủ đưa ra là động lực để phấn đấu và kỳ vọng sẽ đạt được nếu có những giải pháp tích cực. Tuy vậy, cùng với nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế sớm hồi phục trở lại, Chính phủ phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không được để xảy ra tình trạng “vỡ trận”.

Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng như sau:

Kịch bản 1: Nếu Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam hồi phục trong quý III, GDP tăng dự kiến khoảng 4,4 - 5,2%.

Kịch bản 2: Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam hồi phục trong quý IV thì GDP tăng dự kiến khoảng 3,6 - 4,4%.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, TS. VÕ TRÍ THÀNH: Phải tính đến kịch bản xấu nhất

Cả 2 kịch bản Chính phủ đưa ra đều cho thấy không chỉ mục tiêu tăng trưởng GDP của năm nay (6,8%) mà ngay của kế hoạch 5 năm cũng rất khó thực hiện. Để GDP giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 6,5% - 7%, tăng trưởng năm nay phải ở mức 5,4% - 5,5% nhưng dự báo lạc quan nhất cũng chỉ dừng ở con số 5,2%.

Tuy vậy, nếu điều kiện tốt hơn và Chính phủ nỗ lực phấn đấu thì kế hoạch 5 năm có thể đạt được. Có 3 giải pháp chúng ta cần tập trung thực hiện. Đầu tiên, cần lường trước được các kịch bản khác nhau để ứng xử và luôn phải tính đến kịch bản xấu nhất. Tiếp đến, nỗ lực thúc đẩy, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế nhưng vẫn phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không được để xảy ra tình trạng “vỡ trận”. Bên cạnh đó, phải bám sát tình hình dịch bệnh, khi dịch bệnh được kiểm soát phải chuyển rất nhanh để tận dụng cơ hội, kể cả thị trường nước ngoài lẫn trong nước. Vừa qua, chúng ta đã mở cửa trong nước, với nước ngoài vẫn nỗ lực để xuất nhập khẩu hàng hóa, hạn chế những ách tắc của chuỗi cung ứng và khi có điều kiện thì chúng ta có thể mở cửa cả du lịch.

Chuyên gia kinh tế, TS. VŨ ĐÌNH ÁNH: Tập trung vào thị trường nội địa

Việt Nam đang phải đối mặt với 4 vấn đề khó khăn. Thứ nhất, phải hồi phục nền kinh tế sau dịch. Thứ hai, phải thay đổi sự phát triển kinh tế trong bối cảnh thị trường thế giới chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Thứ ba, dịch cơ bản được khống chế nhưng cũng không loại trừ khả năng dịch bệnh quay lại. Cuối cùng là vấn đề cân đối ngân sách, khi kinh tế khó khăn thì nguồn thu sụt giảm nhưng lại phải tăng chi cho phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh.

Vì vậy, thời gian tới, để cố gắng đạt được mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh gần như không thể xuất khẩu thì chúng ta phải tập trung vào thị trường trong nước. Chính phủ và các bộ, ngành cần rà soát những cơ chế chính sách, ít nhất những chính sách ưu đãi để phát triển thị trường trong nước trong giai đoạn đầu để định hướng các doanh nghiệp. Các cơ chế đó phải tương đương với các ưu đãi đã dành cho xuất khẩu, kể cả các vấn đề về thuế và vay vốn. Bản thân người tiêu dùng phải có thu nhập ổn định và có khả năng thanh toán, phải củng cố niềm tin tiêu dùng. Cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam cần đẩy lên bước mới, đây không chỉ đơn thuần là cuộc vận động mà nó sẽ là chiến lược phát triển thị trường trong nước để cân đối với thị trường nước ngoài. Nền kinh tế phải đi bằng hai chân chứ không thể mãi phụ thuộc vào thương mại quốc tế.

Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân, PGS. TS. PHẠM THẾ ANH: Chú trọng tiến độ giải ngân đầu tư công

Những kịch bản Chính phủ đặt ra có thực hiện được hay không còn phục thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài, đặc biệt là tiến triển của nền kinh tế thế giới. Nếu các nước khống chế dịch bệnh tốt, kinh tế Việt Nam có thể có cơ hội mở cửa với thế giới bên ngoài theo nhiều khía cạnh như du lịch, xuất khẩu. Qua đó, làm tăng trở lại mức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như những năm trước. Thứ hai, phụ thuộc vào những yếu tố nội tại trong nước. Bên cạnh các giải pháp như thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì Chính phủ cần đặc biệt chú trọng vào tiến độ giải ngân đầu tư công. Nếu năm nay Chính phủ giải ngân được hết gần 30 tỷ USD vốn đầu tư công thì mục tiêu đề ra sẽ lạc quan hơn. Trường hợp giải ngân đầu tư công gặp khó khăn, tiếp tục chậm chạp vì vướng mắc về thủ tục hoặc giải ngân không hiệu quả thì kịch bản của Chính phủ có thể sẽ hơi lạc quan.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, GS. VÕ ĐẠI LƯỢC: Giảm bớt xin - cho, nhũng nhiễu

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, mục tiêu Chính phủ đưa ra sẽ là động lực để chúng ta phấn đấu và kỳ vọng sẽ đạt được nếu có những giải pháp tích cực.

Để thúc đẩy và kích thích thị trường phát triển, Chính phủ đã có một loạt các giải pháp như thúc đẩy đầu tư công, tiến độ giải ngân được thực hiện quyết liệt hơn; hỗ trợ doanh nghiệp cả về tín dụng và chính sách thuế; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch. Đặc biệt, việc Việt Nam phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng cũng được xem là giải pháp tốt thúc đẩy nền kinh tế.

Ngoài những giải pháp từ phía Chính phủ, nhân dịp này cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn về cơ chế chính sách để giảm bớt xin - cho, nhũng nhiễu; công khai, minh bạch về thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân làm ăn, khôi phục kinh tế. Đổi mới chính sách luôn được xem là giải pháp đột phá đầu tiên, quan trọng trong nhiều năm nay nhưng đây vẫn là khâu yếu, do đó cần được quan tâm nhiều hơn.

Hạnh Nhung