Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Khuyến khích xã hội hóa

- Thứ Năm, 26/09/2019, 08:21 - Chia sẻ
Đây là những khuyến nghị đã được đưa ra tại Hội thảo “Phát huy vai trò, sáng kiến của tổ chức xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng” do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tổ chức mới đây.

Người dân được hưởng lợi

Trong những năm qua, các tổ chức xã hội đã có sự phát triển mạnh mẽ. Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến tháng 8.2019, tổng số hội trong cả nước là 70.491, trong đó có 530 hội có phạm vi hoạt động cả nước và 69.961 hội hoạt động trong phạm vi địa phương… Đối với các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực y tế đã triển khai nhiều hoạt động mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, nhất là đối với đồng bào các dân tộc, vùng núi, người nghèo và yếu thế, phụ nữ, trẻ em…

Cùng với Nhà nước, trong thời gian qua các tổ chức xã hội cũng đã tham gia tích cực vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê của Vusta, từ 2016 - 2018, Các tổ chức phi Chính phủ (VNGO) trực thuộc Vusta đã huy động được khoảng 1.230 tỷ đồng, trong đó có 213 dự án viện trợ phi chính phủ, 11 dự án ODA với tổng kinh phí lên tới 32.802.037 USD, trong đó chủ yếu là các dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường được triển khai ở cộng đồng dân tộc thiểu số, người cao tuổi, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Đáng ghi nhận, trong thời gian 2016 - 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các tổ chức đã thăm khám cho gần 167 nghìn lượt người và can thiệp gần 35 nghìn bệnh nhân, can thiệp gần 17 nghìn phụ nữ, yếu thế. Riêng dự án Vusta về phòng, chống HIV - AIDS do Quỹ toàn cầu tài trợ giai đoạn 2015 - 2017 là 6,9 triệu USD, giai đoạn 2018 - 2020 gần 6,5 triệu USD.

Nhờ triển khai dự án, nhiều người nguy cơ cao nhiễm HIV đã tránh được căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Và người nhiễm HIV đã biết được tình trạng bệnh của mình, sớm tiếp cận điều trị, chăm sóc, cải thiện sức khỏe. Theo đó, trong năm 2018, dự án đã hỗ trợ 4.459 người nhiễm HIV được kết nối, điều trị kháng virus, mua bảo hiểm y tế và tuân thủ điều trị. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, dự án đã hỗ trợ 2.954 người nhiễm HIV… “Dự án đã mang lại thành quả rất lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt dự án đã xây dựng được một hệ thống cộng đồng, các tổ chức dựa vào cộng đồng vững mạnh, góp phần bảo đảm bền vững kết quả phòng, chống HIV/AIDS. Dự án không chỉ có những gói can thiệp hiệu quả đến các đối tượng đích, mà còn chú trọng nâng cao năng lực cho các tổ chức dựa vào cộng đồng, vận động chính sách, hỗ trợ tư vấn pháp lý, tạo điều kiện cho các đối tượng đích của dự án tiếp cận y tế…” - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Hoàng Đình Cảnh đánh giá.


Tư vấn và khám bệnh miễn phí cho người dân

Giai đoạn 2018 - 2020, dự án Vusta về phòng chống HIV - AIDS do Quỹ toàn cầu tài trợ tiếp tục các hoạt động thực hiện 3 mục tiêu của dự án là cung cấp dịch vụ dự phòng HIV; củng cố hệ thống cộng đồng và tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho tiếp cận dịch vụ. Các hoạt động của dự án nhằm tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng vào phòng, chống HIV/AIDS để góp phần thực hiện Mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính

Có thể thấy, những đóng góp của các tổ chức xã hội đối với công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng là vô cùng lớn. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vusta Phạm Văn Tân, vai trò của các tổ chức xã hội chưa được phát huy. Nguyên nhân, do các tổ chức xã hội gặp không ít những khó khăn, vướng mặc đó là nhận thức về vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, các quy định về pháp lý trong việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội còn gặp không ít khó khăn. “Trong quá trình triển khai dự án tại cộng đồng, nhiều tổ chức xã hội đã có những sáng kiến, mô hình triển khai có hiệu quả được người dân đánh giá cao như: Mô hình doanh nghiệp xã hội, Câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, mô hình hợp tác công - tư trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Dù vậy, việc hoạt động và triển khai các dự án của các tổ chức xã hội gặp không ít khó khăn. Nhất là thủ tục tiếp cận, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài còn nhiều vướng mắc về các thủ tục hành chính. Công tác xã hội hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng còn nhiều bất cập”, ông Phạm Đình Tân cho biết.

Từ những vướng mắc trên, theo ông Tân, để các tổ chức xã hội thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Nhà nước cần tạo môi trường pháp lý để khuyến khích các tổ chức xã hội phát huy được năng lực của mình cùng với Nhà nước tham gia vào chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Trước đề xuất này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cũng cho rằng, đến năm 2035, nước ta đã chuyển sang dân số già. Già nhưng chưa giàu. Đó là một thách thức thực sự của Việt Nam trong việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Chính vì vậy, cần phải ban hành những chính sách để khuyến khích các tổ chức xã hội cùng tham gia vào chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Ngân Anh