Dự án Luật Kiến trúc

Khuyến khích tự do, sáng tạo

- Chủ Nhật, 02/12/2018, 08:05 - Chia sẻ
Dự thảo Luật Kiến trúc có 37 điều, nhưng nội dung cơ bản chỉ có 25 điều, tập trung ở Chương II và Chương III. Nội dung hai chương này thiên về quản lý hoạt động kiến trúc. Trong khi đó, các vấn đề như khuyến khích tự do, sáng tạo trong kiến trúc, trong hành nghề kiến trúc, nâng cao chất lượng đào tạo, tổ chức thi tuyển, triển lãm tác phẩm kiến trúc, giải thưởng nhà nước về kiến trúc… lại chưa được đề cập, hoặc còn mờ nhạt.

Chưa làm rõ bản sắc của kiến trúc Việt Nam

Dự thảo Luật Kiến trúc đang thiên về quản lý nhà nước mà chưa thực sự có chính sách đủ mạnh tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích sự tự do, sáng tạo trong kiến trúc, hành nghề kiến trúc . Đây là nhận định của nhiều ĐBQH khi cho ý kiến về dự án Luật Kiến trúc.

ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho rằng, chúng ta đang thiếu vắng quy định về nâng cao chất lượng đào tạo, tổ chức thi tuyển, triển lãm các tác phẩm kiến trúc, các hoạt động phản biện, lý luân, phê bình tác phẩm kiến trúc, vai trò của Hội Kiến trúc sư Việt Nam… Trong khi đó, đây là những yếu tố quan trọng để các kiến trúc sư phát huy được tư duy sáng tạo, yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển của lĩnh vực kiến trúc. Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho biết, mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng chúng ta lại chưa quan tâm đến những người sáng tác nghệ thuật, như bản quyền tác giả, giám sát tác giả kiến trúc phải được thể hiện trong dự thảo Luật. Các quy định cụ thể về quản lý di sản kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn và các công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. Việc đánh giá giá trị, xác định các công trình kiến trúc có giá trị, cách thức và biện pháp bảo vệ là góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy nền kiến trúc nước nhà.

Theo ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), kiến trúc là làm sao để con người có nơi ở, nơi làm việc, sinh hoạt trong một không gian hài hòa, đáp ứng yêu cầu sử dụng, thẩm mỹ, phù hợp với văn hóa, tập quán, điều kiện tự nhiên, bảo đảm an ninh quốc phòng. Ở nhiều nước trên thế giới, kiến trúc đô thị ở mỗi dãy phố, ngoại thất của căn nhà liền kề đều tương đối giống nhau, hài hòa về màu sắc. Từ đó tạo nên kiến trúc riêng cho từng dãy phố, hài hòa với không gian chung. Tuy nhiên, ở nước ta, mỗi căn nhà được xây theo ý riêng của gia chủ, tạo nên những con phố không đồng đều, làm xấu đi bộ mặt không gian của đô thị. Nên chăng cần quy định “đối với những dãy phố mới của các căn nhà liền kề cần bảo đảm tính thống nhất về ngoại thất và màu sắc”. Tương tự, ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho biết, khu đô thị Linh Đàm từng là khu đô thị kiểu mẫu, với các tòa nhà chung cư dưới 20 tầng, không gian xanh, vườn hoa, thảm cỏ. Song từ năm 2009, quy hoạch này đã bị băm nát bởi hàng loạt chung cư cao tầng mọc lên, khiến giao thông khu vực phía Nam thành phố Hà Nội bị quá tải. ĐB Phạm Tất Thắng đề nghị, kiến trúc đô thị phải bảo đảm đủ hạ tầng xã hội, các dịch vụ công cộng phục vụ nhu cầu của dân cư.

Dự án Luật Kiến trúc được QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua nhưng các nội dung về kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn, kiến trúc phố cổ đều chưa làm rõ bản sắc của kiến trúc Việt Nam. Đồng thời, dự thảo Luật đang thiếu cơ chế để tiếp thu tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực kiến trúc. Nhấn mạnh điều này, một số ĐBQH mong muốn, chúng ta phải có chính sách phát triển kiến trúc nước nhà theo hướng hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường 
Ảnh: Q. Khánh

Có nên bỏ chứng chỉ hành nghề kiến trúc?

Về dịch vụ kiến trúc và phạm vi hành nghề kiến trúc, quy định tại Điều 16, dự thảo Luật nêu rõ, kiến trúc sư không được tự do hành nghề nếu không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ năng lực. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không đề cập đến chứng chỉ năng lực là gì? ĐB Nguyễn Phương Tuấn thẳng thắn, kiến trúc sư không có chứng chỉ sẽ là người làm thuê hoặc người phụ giúp. Nhưng lĩnh vực kiến trúc cũng được xem là một loại hình hoạt động nghệ thuật. Không có cơ sở nào để cho rằng người có chứng chỉ giỏi sẽ sáng tạo hơn người không có chứng chỉ cũng như người nhiều tuổi, ra trường nhiều năm hơn thì giỏi và sáng tạo hơn người trẻ tuổi và người mới tốt nghiệp. Thực tế, nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, sáng giá trong lĩnh vực này lại là những người có tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ.

Mặt khác, trong cơ chế thị trường hiện nay, chủ đầu tư có thể là một cá nhân, một doanh nghiệp tư nhân, một doanh nghiệp nước ngoài. Họ là người có quyền quyết định việc lựa chọn kiến trúc sư cho công trình của mình. Họ thấy ai đưa ra phương án thiết kế đáp ứng được yêu cầu thì sẽ chọn người đó. Họ có thể chọn phương án của người không có chứng chỉ, thậm chí có thể của một sinh viên kiến trúc nếu phương án đó thỏa mãn các yêu cầu đề ra. Vì vậy, có thể thấy, quy định như dự thảo Luật vừa thiếu cơ sở khoa học, vừa là rào cản sự tự do được hành nghề, vừa không phù hợp với thực tế, hoạt động kiến trúc trong cơ chế thị trường hiện nay - ĐB Nguyễn Phương Tuấn khẳng định. Xu hướng xã hội hóa là bỏ tối đa các giấy phép hành nghề, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để thúc đẩy mạnh mẽ các loại hình hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà nước. ĐB Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, cần xem xét lại việc hành nghề kiến trúc có nhất thiết phải có giấy phép thì mới được hành nghề hay không? Còn nếu thấy đây là một ngành quan trọng, bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề thì chỉ nên giới hạn đối với kiến trúc sư nào muốn lập công ty hoạt động kiến trúc. Khi đó, chứng chỉ này sẽ là một điều kiện để thành lập và đăng ký hoạt động của công ty kiến trúc, chứ không nên bắt buộc tất cả các kiến trúc muốn hành nghề kiến trúc để mưu sinh thì phải có chứng chỉ hành nghề.

Cho rằng cần cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ năng lực của tổ chức hành nghề kiến trúc, nhưng ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) đề nghị, dự thảo Luật cần xác định rõ, tổ chức, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc trong phạm vi cả nước hay trong phạm vi địa phương nơi cấp chứng chỉ. Về thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề cần xem xét để quy định thống nhất với thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, hoạt động xây dựng quy định tại Luật Xây dựng.

Một trong những mục tiêu xây dựng Luật Kiến trúc là xây dựng môi trường hành nghề của kiến trúc sư theo hướng tiến bộ, lành mạnh, phát huy lòng yêu nghề. Vì vậy, dù quy định như thế nào, dự thảo Luật cũng cần khuyến khích kiến trúc sư hành nghề, cống hiến cho xã hội, được pháp luật bảo vệ, tôn trọng quyền tác giả, tác phẩm có giá trị nghệ thuật của tác phẩm kiến trúc. 

Ý Nhi